Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A chưa được đánh giá đầy đủ tác động

ThienNhien.net – Ngày 7/8/2011, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam và Vườn Quốc gia Cát Tiên đã tổ chức hội thảo “Quản lý tổng hợp rừng đầu nguồn và lưu vực sông Đồng Nai, trường hợp thủy điện Đồng Nai 6 và 6A”. 70 nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện chính quyền địa phương cùng chủ đầu tư dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đã tham dự hội thảo.

Các nhà khoa học khảo sát vị trí dự kiến xây dựng hai thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A (Ảnh: Pháp luật TP.HCM)
Các nhà khoa học khảo sát vị trí dự kiến xây dựng hai thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A (Ảnh: Pháp luật TP.HCM)

Các nhà khoa học cho rằng, thời gian qua, việc phát triển quá nhiều công trình thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai đã tác động đến tài nguyên nước và đa dạng sinh học trên lưu vực sông Đồng Nai. Việc xây dựng đập thủy điện đi kèm với việc mất một diện tích rất lớn rừng và đất nông nghiệp; trong quá trình vận hành các đập thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy, nhiệt độ nước qua hệ thống máy phát gây ảnh hưởng cho một số loài và làm suy giảm đa dạng sinh học. Điều đáng nói là hiện vẫn chưa có một nghiên cứu tổng hợp, đánh giá về những tác động môi trường cũng như những tác động xã hội trước mắt và lâu dài đối với sông Đồng Nai và cư dân sống trên lưu vực dòng sông này.

Theo Tiến sĩ Đào Trọng Tứ , nguyên Phó tổng thư ký Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam, hiện nay tình trạng thiếu nước trên lưu vực sông Đồng Nai đã trở nên nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu và quản lý lưu vực chưa bền vững. Việc tích nước của các dự án thủy điện khiến tình trạng xâm nhập mặn phía hạ lưu càng trở nên trầm trọng, đe dọa đến an ninh lương thực, an sinh xã hội trên lưu vực sông Đồng Nai.

Riêng đối với trường hợp thủy điện Đồng Nai 6 và 6 A được quy hoạch xây dựng trong khu vực Vườn Quốc gia Cát Tiên, nằm trên thượng nguồn lưu vực sông Đồng Nai, các nhà khoa học cho rằng nếu triển khai dự án này trong khi chưa có một đánh giá đầy đủ và tổng thể thì sẽ gây tác động rất lớn đến vấn đề đa dạng sinh học của khu vực Vườn Quốc gia Cát Tiên nói riêng và toàn bộ vùng hạ lưu sông Đồng Nai nói chung.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn (Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ) cho rằng: Báo cáo đánh giá tác động môi trường của thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đã bỏ qua hoặc không đầy đủ các chi tiết đánh giá cần thiết bao gồm: thay đổi hệ sinh thái, cản đường di cư của cá, đời sống hoang dã, di dân và sinh kế, quản lý và bảo vệ rừng, thay đổi môi trường sống các loài hoang dã, vấn đề bão hòa nước, thay đổi mực nước, xói lở hạ lưu, bồi lắng lòng hồ… Các đánh giá tác động môi trường và xã hội chưa xem xét hết các rủi ro và sai lầm tiềm ẩn và do vậy báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án thủy điện 6 và 6A là chưa đầy đủ và chưa thuyết phục.

Bà Phạm Thị Cẩm Nhung (điều phối viên về chính sách, tổ chức WWF) cho rằng việc xây dựng công trình thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ làm thay đổi dòng chảy hằng ngày của sông, dẫn đến ảnh hưởng dọc theo sông Đồng Nai như xói lở bờ sông, giảm quần thể cá, thậm chí mất sinh kế của người dân ở hạ lưu dòng chảy. Theo đại diện WWF, cần thiết phải thành lập một hội đồng tư vấn để đánh giá những vấn đề trên đối với dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.

Ông Nguyễn Văn Sĩ, Phó Chủ nhiệm đề án, đơn vị tư vấn thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, cho biết: Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nằm ở ranh giới vùng lõi và vùng đệm của Vườn Quốc gia Cát Tiên. Diện tích chiếm đất của dự án thủy điện là 372 ha, trong đó diện tích chiếm đất của Vườn Quốc gia Cát Tiên là gần 137 ha.

Trước những lý do trên, hội thảo đã thống nhất kiến nghị đơn vị đầu tư dự án và các cơ quan quản lý liên quan cần có đánh giá cụ thể, toàn diện đối với những tác động của dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đối với môi trường lưu vực sông Đồng Nai, Vườn Quốc gia Cát Tiên, tác động đối với sản xuất nông nghiệp dưới hạ nguồn đập thủy điện và cộng đồng dân cư sống trong khu vực bị ảnh hưởng.