“Van an toàn” có thể giảm tính minh bạch của ADB

ThienNhien.Net – Diễn đàn các tổ chức phi chính phủ về ADB (NGO Forum on ADB) mới đây đã lên tiếng cảnh báo với công chúng về kế hoạch trao quyền từ chối thông tin cho Chủ tịch của Ngân hàng này. Bởi theo họ, điều này không chỉ đi ngược lại các chính sách công khai thông tin của ADB mà còn vi phạm quyền tiếp cận thông tin của người dân.

Chính sách Truyền thông Công chúng (PCP) của ADB hiện đang được rà soát lại và sắp bước vào giai đoạn cuối với biên bản làm việc đã được trình lên Ban Giám đốc ADB.

Cuộc gặp mặt thường niên giữa NGOs và những người bị ảnh hưởng với Chủ tịch ADB (Ảnh: Forum-adb.org)

Đề cập tới quyền từ chối thông tin như một kiểu “Van An toàn” của ADB, Vụ trưởng Vụ Đối ngoại của Ngân hàng, bà Ann Quon, lên tiếng: “Lý do áp đặt giới hạn đối với nguồn thông tin mở là nhằm bảo vệ ADB khỏi những tình huống không mong đợi, ảnh hưởng đến uy tín của Ngân hàng”.

Tuy nhiên, ông Nepomuceno Malaluan thuộc tổ chức Hành động vì Cải cách Kinh tế (AER) lại cho rằng, mặc dù điểm tích cực của Biên bản rà soát là công nhận quyền tiếp cận thông tin, song quyền bác bỏ thông tin được trao cho chủ tịch ADB “sẽ làm suy yếu tính độc lập của Hội đồng Phúc thẩm mà ADB tạo ra”.

Nhằm giải quyết “lỗ hổng” trên, bà Quon cho biết, nhóm rà soát PCP đang đề nghị thành lập một hội đồng phúc thẩm độc lập đảm trách mọi yêu cầu về thông tin bị từ chối. Và bà cũng không quên đảm bảo rằng: “Van an toàn sẽ được sử dụng một cách thận trọng. ADB sẽ không khinh suất trong việc điều chỉnh cơ chế này.”

Bên cạnh việc đưa ra lời cảnh báo, Diễn đàn cũng đang thúc đẩy Ban Giám đốc ADB công khai Biên bản để người dân tự do đề đạt ý kiến. Bởi lẽ theo Diễn đàn này, nếu tiếp tục lảng tránh mối quan tâm của những cộng đồng bị ảnh hưởng bởi các dự án do ADB đầu tư thì chẳng khác nào ADB đang tự mình đánh mất sự tham gia của công chúng.

Diễn đàn các tổ chức phi chính phủ về ADB (NGO Forum on ADB): là một mạng lưới các tổ chức xã hội dân sự của châu Á hoạt động vì sứ mệnh tăng cường năng lực của các tổ chức xã hội dân sự và thức đẩy các phong trào diễn ra ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhằm giám sát và phản biện những chính sách, dự án, chương trình… của ADB có nguy cơ ảnh hưởng tới đời sống, môi trường của các cộng đồng.