Đối thoại giữa xã hội dân sự và ADB

ThienNhien.Net – Trong 4 ngày diễn ra hội nghị thường niên 2011 của Hội đồng thống đốc Ngân hàng Phát triển châu Á tại Hà Nội (ADB), có một góc thảo luận rất sôi nổi bên cạnh các phiên họp chính bàn về đầu tư, tài chính của các nhà lãnh đạo, doanh nghiệp, đó là góc dành cho các tổ chức xã hội dân sự (CSO- civil society organization).

Không khí phòng họp trước buổi đối thoại giữa ngài Haruhiko Kuroda, chủ tịch Ngân hàng, và các CSO.

Tại hội nghị lần này có 5 phiên thảo luận của nhóm CSO, bàn về các chủ đề: an ninh xã hội khu vực châu Á – Thái Bình Dương; Cơ chế trách nhiệm giải trình của ADB; Biến đổi khí hậu; Quyền tiếp cận thông tin và Chính sách truyền thông của ADB, Mất ổn định an ninh lương thực gia tăng ở khu vực Mê Kông.

Bên cạnh các phiên thảo luận với các chủ đề được xác định sẵn, đáng chú ý có sự kiện mới được ADB đưa vào trong khuôn khổ Chương trình Xã hội Dân sự: “Học hỏi cùng đối tác”. Hoạt động này mang tính linh hoạt, tạo điều kiện cho tất cả các nhóm, tổ chức có nguyện vọng đều có thể chia sẻ kinh nghiệm và hoạt động của mình với các đối tác khác.

Sự chuẩn bị và đón tiếp của ADB đối với nhóm xã hội dân sự tại hội thảo lần này được ghi nhận là khá cởi mở. Ngay trước lễ khai mạc hội nghị chính thức, ngài Haruhiko Kuroda, chủ tịch Ngân hàng, đã dành một tiếng đồng hồ gặp gỡ với các CSO. Có thể nói đây là buổi gặp thu hút sự tham gia đầy đủ nhất của các tổ chức, cá nhân hoạt động về môi trường và phát triển bền vững đang tham gia giám sát các dự án của ADB tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Cuộc gặp gỡ diễn ra trong bầu không khí đối thoại, có sự tham gia của đại diện một số cộng đồng bản địa nơi chịu ảnh hưởng tiêu cực và thiệt thòi do các dự án xây dựng, phát triển dùng nguồn vốn vay ADB. Các đại biểu từ nhiều quốc gia như Tajikistan, Cambodia, Philippin đã thẳng thắn trao đổi “mặt trái” của các dự án do ADB cấp vốn tại quốc gia mình và đưa ra các kiến nghị yêu cầu Ngân hàng giải trình.

Một trong những nội dung được các đại biểu rất quan tâm là việc thúc đẩy tính hiệu quả của Cơ chế Trách nhiệm giải trình của ADB. Đây là một cơ chế do ADB giới thiệu năm 2003, nhằm tạo ra một kênh để những người địa phương chịu ảnh hưởng tiêu cực của các dự án ADB có thể phản hồi, gửi khiếu nại. Cơ chế Trách nhiệm Giải trình được phát triển từ Chức năng Thanh Tra do ADB thiết lập từ năm 1995,  hiện đang trong quá trình rà soát để tiếp tục hoàn thiện.

Trong quy định hiện nay của ADB, người dân phải trực tiếp đề xuất các khiếu nại. Các tổ chức dân sự có thể hỗ trợ, nhưng không thể thay thế họ thực hiện việc khiếu nại. Đây cũng là lý do khiến các tổ chức dân sự đang nỗ lực thúc đẩy ADB đơn giản hóa các thủ tục, quy trình để người dân có thể dễ dàng tiếp cận với cán bộ ADB và đưa ra tiếng nói của mình.

Cơ hội tiếp cận của CSO Việt Nam

Có thể nói rằng đối với CSO trong nước, hội  nghị thường niên của ADB được tổ chức tại Hà Nội là một dịp tốt để họ được tìm hiểu sâu hơn về các cơ chế chính sách của Ngân hàng, tiếp xúc và thể hiện quan điểm của mình. Một diễn đàn với sự tham gia của đông đảo các tổ chức về môi trường và phát triển trong nước đã diễn ra sát ngày khai mạc hội nghị ADB, với một bản khuyến nghị đệ trình lên Giám đốc ADB khu vực.

Bản khuyến nghị đưa ra 10 đề xuất thúc đẩy vấn đề công khai thông tin, hiệu quả cơ chế trách nhiệm giải trình, chính sách bảo vệ của Ngân Hàng và việc xây dựng cách thức hợp tác giữa Ngân Hàng và  khối xã hội dân sự nhằm nâng cao hiệu quả và tính minh bạch của các dự án dùng vốn ADB.

Trong buổi sáng ngày làm việc thứ 2 của hội nghị chính thức, giám đốc khu vực và giám đốc quốc gia của ADB đã có một cuộc đối thoại nhanh với đại diện nhóm các tổ chức xã hội dân sự trong nước về đề xuất từ một số dự án sử dụng vốn vay ADB tại Việt Nam.

Một số kết quả giám sát độc lập các dự án tại Việt Nam cho thấy mặc dù chính sách của ADB khá rõ ràng nhưng việc thực hiện còn nhiều điều đáng bàn, trong đó có các vấn đề về bình đẳng giới và công bố thông tin dự án, ảnh hưởng của dự án đối với người dân (phần lớn họ là dân tộc thiểu số).

Lãnh đạo của ADB thừa nhận rằng với số lượng lớn các dự án, họ khó có thể kiểm soát đầy đủ tác động của từng dự án đối với người dân bản địa và rất cần sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ của Việt Nam.

Họ cũng gợi ý hai bên nên có sự hợp tác, trao đổi thường xuyên hơn và kỳ vọng nỗ lực của cả đôi bên sẽ mang tính tương hỗ, hướng tới mục tiêu chung thúc đẩy hệ thống chính sách và quản lý của Chính phủ Việt Nam.