Cần bảo vệ đàn chim lạc ở Phước Dinh

Theo chuyên gia Lê Trọng Trải, phần lớn cá thể chim trong ảnh này là loài Rẽ cổ đỏ (Phalaropus lobatus). Ảnh: Báo Thanh Niên

ThienNhien.Net –  Trong những ngày qua, hàng ngàn con chim lạ xuất hiện ở những đầm tôm thuộc xã Phước Dinh (Thuận Nam – Ninh Thuận). Một số tin đồn thất thiệt đã xuất hiện gây tâm lý bức xúc, lo lắng cho người dân nơi đây.

Ông Lê Trọng Trải, chuyên gia của Tổ chức bảo tồn chim Quốc tế tại Việt Nam cho rằng đây là hiện tượng bình thường của thiên nhiên hoang dã. Nước ta, đặc biệt là các vùng ven biển, là điểm đến và điểm dừng chân của nhiều loài chim nước di cư. Thời điểm hiện nay vẫn đang là mùa chim di trú (thường kéo dài từ khoảng giữa tháng 9 cho đến tháng 4 hoặc đầu tháng 5 năm sau).

Việc các đàn chim xuất hiện ở các đầm nuôi trồng thủy sản cũng dễ hiểu, bởi đó là nơi có sẵn nguồn thức ăn cho chim, đặc biệt khi mà những vùng đất ngập nước tự nhiên – điểm dừng chân của chim di cư ngày càng bị thu hẹp.

Được biết, hiện nay hàng trăm con chim lạ đã bị người dân dùng lưới chụp bắt vì họ cho rằng chim lạ sẽ ăn hết tôm giống mới thả và việc chim di cư từ đầm tôm này sang đầm tôm khác sẽ là nguyên nhân gây lây lan dịch bệnh đối với tôm.

Có thể thấy việc người dân xua đuổi, săn bẫy chim di cư, như đang diễn ra ở Ninh Thuận, ảnh hưởng rất lớn đến quần thể chim di cư trên toàn thế giới. “Những người khai thác tài nguyên ở các vùng đất ngập nước cần phải để lại một phần (ít nhất là 10%) diện tích tự nhiên cho các loài chim hoang dã. Một số quốc gia đã làm tốt điều này, và chúng ta cần học tập” – ông Trải chia sẻ.

Cận cảnh "chim lạ". Ảnh: Báo Thanh Niên

Đối với đàn chim di cư đang trú tại Ninh Thuận, các chuyên gia cần có hướng dẫn phù hợp và tham vấn cho địa phương để có biện pháp thích hợp bảo vệ đàn chim, đồng thời không để thiệt thòi cho bà con địa phương.

Các cơ quan quản lý môi trường ở địa phương nên hiểu biết hơn nữa tài nguyên thiên nhiên mà mình đang quản lý có như thế mới nâng cao ý thức cho người dân về bổn phận bảo vệ tài nguyên thiên nhiên mà Tạo hóa ban tặng. Nhìn một cách tích cực, Ninh Thuận có thể tự hào là nơi “đất lành chim đậu”, cần phải quảng bá hình ảnh này thay vì lo sợ điềm xấu như một số lời đồn đại.

Việt Nam là một trong gần 30 quốc gia nằm trong đường bay di cư “Đông Á và Úc châu”, đồng thời là thành viên của Công ước quốc tế về Đa dạng sinh học (CBD) và Công ước về bảo vệ các vùng đất ngập nước (RAMSAR). Theo các công ước này, các quốc gia thành viên có bổn phận tham gia bảo vệ các loài chim di cư và vùng cư trú tự nhiên của chúng.Việc cam kết này được thực hiện bởi một cơ quan thay mặt chính phủ, ở Việt Nam cơ quan này là Cục Đa Dạng Sinh học (thuộc Tổng Cục Môi Trường, Bộ TN&MT). Tiếc rằng, trong cuộc họp quốc tế Các đối tác tuyến chim di cư Đông Á – châu Úc tháng 12/2010  vừa qua ở Siem Reap (Campuchia), đơn vị này đã không có mặt.