"Chúng ta không giàu tài nguyên như vẫn nghĩ" – Kì 2

ThienNhien.Net – Chúng ta đã quá trông chờ vào tài nguyên để đạt được sự tăng trưởng kinh tế. Chỉ gần 3 năm (tháng 10/2005 – 8/2008) thực thi Luật khoáng sản (sửa đổi bổ sung), khi mở rộng quyền cấp phép hoạt động, khai thác khoáng sản cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đã có hàng nghìn giấy phép được chính quyền các địa phương cấp cho các doanh nghiệp khai khoáng. Điều đó đã tạo ra một áp lực vô cùng lớn lên tài nguyên khoáng sản.


Trong vòng 12 năm, từ năm 1996 – Thời điểm Luật khoáng sản ra đời, đến năm 2008, Bộ Công nhiệp và Bộ Tài nguyên Môi trường đã cấp 928 giấy phép hoạt động, khai thác khoáng sản. Trong khi đó, sau 3 năm (từ tháng 10/2005 đến tháng 8/2008) ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã cấp 3.495 giấy pháp hoạt động, khai thác khoáng sản cho các doanh nghiệp.

Như vậy, chỉ trong vòng 3 năm, chính quyền các địa phương đã cấp một lượng giấy phép hoạt động, khai thác khoáng sản lớn gấp gần 4 lần cấp trung ương cấp trong vòng 12 năm!

Tiến sĩ Lê Ái Thụ – Phó Chủ tịch Hội Địa chất Kinh tế Việt Nam bức xúc: “Chúng ta nên biết rằng, diện tích khoáng sản quy hoạch được thì chỉ vào khoảng 1‰ lãnh thổ, nên những khu vực ngoài quy hoạch khoáng sản của nhà nước thì địa phương cấp vô tư thoải mái. Đó là chủ trương hoạch định và sử dụng tài nguyên không hợp lý”.

Quốc hội có Nghị quyết số 66/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006 về “Dự án, công trình quan trọng Quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư”, trong đó quy định đối với những dự án có tầm quan trọng và quy mô nhất định phải được quốc hội thông qua. Tuy nhiên, như Phó  giáo sư, Tiến sỹ Hồ Uy Liêm – Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhận định ở nước ta vẫn xảy ra tình trạng chia nhỏ dự án.

Yên Bái – một tỉnh có nguồn tài nguyên khá phong phú với 257 mỏ và điểm mỏ khoáng sản đã được phát hiện. Đến nay, các doanh nghiệp ở Yên Bái được cấp 168 giấy phép hoạt động, khai thác khoáng sản, trong đó Bộ Tài nguyên Môi trường cấp 20 giấy phép, ủy ban nhân dân tỉnh Yên bái cấp 148 giấy phép.

Khi cấp nhiều giấy phép như vậy, ông Lê Đình Đạo – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Yên Bái thẳng thắn bày tỏ: “Trong những năm qua, Yên Bái cũng đã xảy ra một số sai phạm trong cấp giấy phép, như cấp giấy phép không đúng thẩm quyền, cấp giấy phép khai thác ở các khu thuộc vùng đang điều tra đánh giá về địa chất – khoáng sản, khu vực ngoài quy hoạch cho phép khai thác khoáng sản…”

Không riêng tỉnh Yên Bái, hiện nay, ở những địa phương có khoáng sản, vẫn xảy ra tình trạng cấp phép tràn lan, là một trong những nguyên nhân gây ra nạn “quặng tặc” nhức nhối, khiến cho ngay chính quyền địa phương cũng khó kiểm soát, chấn chỉnh.

Gần đây, cuối tháng 3/2010, Văn phòng Chính phủ đã ra liên tiếp 2 Công văn số: 1894/VPCP-TH và số 2037/VPCP-TH nêu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên Môi trường và Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng kiểm tra và xử lý vấn nạn khai thác khoáng sản trái phép ở Cao Bằng mà dư luận và báo chí phản ánh.

Bình Định – một tỉnh miền Trung có khá nhiều quặng ilmenit dùng để sản xuất titan, thời gian qua, Bộ Tài nguyên Môi trường cấp 5 giấy phép, ủy ban nhân dân tỉnh cấp 28 giấy phép cho các doanh nghiệp khai thác titan tại tỉnh này, chủ yếu ở Phù Cát và Phù Mỹ.

“Các doanh nghiệp đã đầu tư vốn và phương tiện kỹ thuật, nâng năng lực khai thác lên gần 738.000 tấn, theo quy hoạch của bộ chỉ có 80.000 tấn titan tuyển trên địa bàn tỉnh Bình Định mỗi năm, như vây thực trạng khai thác đã vượt khá xa quy hoạch của Bộ, nhưng Bộ rồi ủy ban nhân dân tỉnh vẫn cấp phép cho doanh nghiệp khai thác, vì vậy mà chúng ta phá vỡ quy hoạch titan của chính mình” – ông Nguyễn Văn Thắng – Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Định nói.

Thực tế hiện nay, chúng ta mới chỉ thăm dò trữ lượng của một số loại khoáng sản cơ bản, còn phần lớn chúng ta chưa làm được. Chính vì thế, với thực trạng khai thác khoáng sản tràn lan hiện nay, chúng ta rất khó kiểm soát được sản lượng tài nguyên bị lấy đi khỏi lòng đất, trong khi nguồn tài nguyên hầu hết là không tái tạo.

“Ăn xổi” tài nguyên

Việc dễ dãi trong việc “xin – cho” đã “vẽ đường” cho doanh nghiệp được cấp phép, không còn là “Lấy ngắn nuôi dài” mà nhiều khi còn “bóc ngắn cắn dài”, có giấy phép là tiến hành khai thác trong khi năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực khai khai nhiều doanh nghiệp thiếu và yếu. Cách làm chộp giật theo kiểu mạnh ai nấy xin, khéo xin dễ được này đang biến tài nguyên khoáng sản của chúng ta thành một món lợi như thể “mì ăn liền” và có thể “ăn xổi” bất cứ khi nào muốn.

“Cơ chế “xin – cho” cùng với việc quy định thuế tài nguyên khoáng sản được tính trên sản lượng khoáng sản thương phẩm thực tế khai thác được, như hiện nay, đã dẫn đến tình trạng các đơn vị khai thác không tận dụng triệt để tài nguyên, chỉ chọn lấy loại tốt, dễ làm còn khó bỏ”
– ông Lê Đình Đạo – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Yên Bái phân tích.

Hiến pháp và Luật pháp hiện hành đều quy định khoáng sản là tài sản quan trọng của quốc gia, thuộc sở hữu của toàn dân, nhưng bản chất cơ chế “xin – cho” lâu nay dường như đi ngược lại điều đó.

Thậm chí có địa phương đã sử dụng khoáng sản như một “phần thưởng khuyến mãi” cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Ví như, năm 2008, tỉnh Bắc Kạn ra chủ trương ưu đãi: “Nhà đầu tư đầu tư vào dự án khuyến khích đầu tư phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn có nhu cầu và đủ điều kiện theo quy định, được cấp phép khai thác các điểm mỏ vàng trên địa bàn tỉnh. Mỗi dự án đầu tư phát triển du lịch chỉ được cấp một điểm mỏ – (Quy định Về chính sách ưu đãi áp dụng đối với các dự án khuyến khích đầu tư phát triển du lịch (Ban hành kèm theo Quyết định số 2758/2008/QĐ-UBND ngày 25 tháng 12 năm 2008 của UBND tỉnh Bắc Kạn).

Phải chăng chúng ta mới chỉ coi trọng tài nguyên, nhưng chúng ta chưa tôn trọng đúng mức vốn quý này mà tạo hóa dành cho, nên chúng ta chưa có có chiến lược bảo tồn mà thay vào đó lại bằng mọi biện pháp “moi” khoáng sản lên khỏi lòng đất để phục vụ những nhu cầu nhiều khi là ích kỷ của chúng ta.

Ông Phạm Quang Tú – Phó Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển (Viện CODE) nêu quan điểm: “Do năng lực của các doanh nghiệp khai khoáng phần lớn còn có hạn, khai thác phần lớn còn bằng phương pháp thủ công, nên đa số các mỏ hiện nay chỉ mới lấy được phần giàu nhất, bỏ đi gần như toàn bộ các quặng nghèo và khoáng sản đi kèm, dẫn đến không thể tận thu tài nguyên”.

Khái niệm “chế biến sâu” được nêu trong nghị quyết của Bộ Chính trị, Luật Khoáng sản cũng như trong nhiều văn bản pháp quy còn chung chung, thiếu nhất quán. Chẳng hạn như đối với titan, đến giai đoạn nào thì được gọi là chế biến sâu: Từ ilmenit đến xỉ titan hay là pigment hay là titan kim loại?

“Phần lớn các doanh nghiệp ở Việt Nam dừng lại ở việc khai thác quặng ilmenit, chỉ có một vài doanh nghiệp chế biến đến xỉ titan. Giám đốc một doanh nghiệp chế biến khoáng sản titant ở Bình Định đến giai đoạn xỉ titan, sau khi tham dự hội nghị về chế biến sâu ti tan ở Mỹ về, nói với tôi rằng: Chế biến ilmenit đến xỉ titan thì chưa gọi là chế biến “sâu” được, vì trong hội nghị đó không có nước nào chế biến dừng lại ở khâu đó, mà là chế biến đến những giai đoạn sau xỉ titan (pigment và titan dioxit, titan kim loại)” – Ông Tú cho biết.

Như vậy, dù muốn hay không, chúng ta cũng phải nhìn nhận một thực tế là, trong ngành khai khoáng, chế biến quặng ilmenit: Công nghệ, doanh nghiệp chế biến sâu nhất của chúng ta, chỉ là chế biến “nông” của thế giới mà thôi. Không chỉ riêng khoáng sản titan, mà nhiều khoáng sản khác nữa, công nghệ khai thác và chế biến của chúng ta còn theo sau thế giới lâu dài.

Bên cạch việc khó tận thu khi khai thác bừa bãi, thì tổn thất tài nguyên trong quá trình khai thác hiện nay cũng rất lớn, đặc biệt là các mỏ hầm lò và các mỏ do địa phương cấp phép và quản lý. Điều tra của một số ngành chuyên môn cho biết, trong khai thác khoáng sản như khai thác than hầm lò: Tổn thất từ 40 – 60%; khai thác apatit 26 – 43%; quặng kim loại 15 – 30%; dầu khí từ 50 – 60%.

Đã có ý kiến cho rằng, khi chưa có công nghệ chế biến hiện đại, vì điều kiện kinh tế của đất nước chưa cho phép, sao chúng ta không giữ tài nguyên đó bằng cách để tài nguyên ngủ yên dưới đất, chứ không cho khai thác rồi xuất khẩu thô.

“Inminit mỗi năm chúng ta xuất khẩu 0,6 triệu tấn trong khi Trung Quốc họ có 200 triệu tấn mà mỗi năm họ cũng chỉ khai thác 0,6 triệu tấn, thì phải hơn 300 năm nữa Trung Quốc mới cạn tài nguyên này. Còn nước ta chỉ có hơn 12,2 triệu tấn trữ lượng ilmenit, mà mỗi năm xuất khẩu tới 0,6 triệu tấn, thì không biết mai sau con cháu chúng ta còn gì để dùng” – Mong sao tương lai của nhiều loại khoáng sản của chúng ta sẽ tránh được viễn cảnh buồn của quặng imenit mà Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Khắc Vinh – Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam trăn trở.

“Chúng ta không giàu tài nguyên như vẫn nghĩ” – Kì 1