Cải tạo hồ Hà Nội: Những sai lầm đáng tiếc

ThienNhien.Net – Bên cạnh những thành công bước đầu trong việc cải tạo một số hồ ở Hà Nội, vẫn còn những dự án cải tạo hồ đang khiến cho tình trạng ô nhiễm không giảm đi, thậm chí còn tồi tệ hơn bởi những phương án thiếu tính khoa học. Điển hình như hồ Thiền Quang, Thành Công, Giảng Võ… dù được cải tạo nhưng chất lượng nước hồ vẫn không biến chuyển, mỗi lần đi qua đây người dân vẫn không thể chịu được mùi hôi từ hồ bốc lên.


Việc các dự án chỉ tập trung vào các biện pháp xây dựng mà không chú ý đến chất lượng nước hồ đã tạo điều kiện cho các loại tảo độc xuất hiện, gây mùi khó chịu và ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.

Các nhà khoa học cũng đã nhiều lần đưa ra cảnh báo rằng, kiểu cải tạo “nội bất xuất, ngoại bất nhập” sẽ làm tảo độc xuất hiện, tuy nhiên dự án vẫn được thực hiện theo cách đó và hậu quả thì cũng thấy rõ. Ngoài ba hồ trên, hồ Hoàn Kiếm, hồ Ba Mẫu… cũng là những ví dụ minh họa.

Phản ánh của Báo Đại Đoàn Kết ngày 20/04 cho biết, sau khi cải tạo, hồ đã bị mất lớp bùn – một sinh cảnh sống ổn định nên đã gây ra tình trạng xáo trộn của hệ sinh thái, nhất là thực vật nổi và các loại tảo, kèm theo đó là sự ô nhiễm mùi.

Theo ghi nhận của các nhà khoa học ở Viện Công nghệ Môi trường (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), loài tảo mới phát sinh sau khi hồ được nạo vét có tên là Uscollatoria (Microcysfor Alruginusa) – một loài tảo rất độc. Sau khi chết, chúng sẽ tích tụ tại đáy hồ ngày càng dày thêm, vừa làm giảm thể tích hồ, vừa kéo theo sự tiêu thụ ôxy hoà tan trong nước, làm biến mất các loài thuỷ sinh và giải phóng ra các chất khí có hại và xông mùi hôi thối.

Đặc biệt nguy hiểm là những loại tảo độc này có khả năng lây lan từ hồ này sang hồ khác với sự “trợ giúp” vô thức của con người.