Mê Kông không của riêng ai

ThienNhien.Net – Trước những cái bắt tay của các vị nguyên thủ quốc gia tại Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mê Kông Quốc tế (MRC) vừa qua, có một cuộc gặp gỡ khác đầy sôi nổi và ý nghĩa cũng đã diễn ra ngay tại Thái Lan. Đó là diễn dàn của các tổ chức dân sự trong khu vực mang chủ đề “Chia sẻ lưu vực Mê Kông”(*).

Chiến lược phát triển cho Mê Kông

Với nội dung ba phần: Chia sẻ dòng sông Mê Kông – Bối cảnh và kinh nghiệm, Thách thức hiện thời – Đập thủy điện và tình trạng khô hạn; Tầm nhìn tương lai lưu vực Mê Kông, Diễn đàn đã thực sự sôi nổi với những tiếng nói đa chiều từ đại biểu của xã hội dân sự các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Miến Điện, Thái Lan, đại diện MRC và sứ quán Trung Quốc tại Thái Lan.

Trong diễn văn khai mạc Diễn đàn, giáo sư Surichai Wungaeo, Khoa Khoa học Chính trị, đồng thời là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột đã nhấn mạnh, sông Mê Kông là nguồn sống quan trọng của cả khu vực, đảm bảo an ninh lương thực, sinh kế của người dân, đồng thời là nguồn cung cấp điện, tạo lực đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên sự phát triển và tăng trưởng kinh tế hiện đang trở nên mâu thuẫn với lợi ích xã hội và môi trường do sự thiếu bình đẳng trong khai thác nguồn nước Mê Kông giữa các nước trong khu vực. Điều này đang tạo nên một cuộc khủng hoảng môi trường, khí hậu, năng lượng, lương thực song song với quá trình phát triển trên lưu vực.

Đại diện Ban thư ký MRC, bà Phạm Thanh Hằng, Điều phối viên Chương trình Phát triển Lưu vực với phần tham luận mở đầu đã thừa nhận sự khó khăn trong việc gây dựng sự đồng lòng nhất trí giữa các quốc gia cho một tầm nhìn phát triển chung của lưu vực, đồng thời nhấn mạnh cam kết của MRC nhằm tăng cường sự tham gia của các bên, xây dựng sự đồng thuận giữa các nước trên cơ sở tư vấn và tranh luận mở, minh bạch hóa thông tin giữa các quốc gia trong lưu vực.

Bà Hằng cho biết, MRC đã xây dựng các kế hoạch và chiến lược phát triển lưu vực dựa trên các kịch bản phát triển có đập và không có đập, có tác động và không tác động của biến đổi khí hậu, có tính đến những tác động kinh tế, xã hội, môi trường.

Đồng ý với ý kiến của đại diện MRC về sự cần thiết tạo ra một cơ chế tranh luận mở, cố vấn về nguồn nước, ông John Dore thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia nhấn mạnh, điều quan trọng là MRC phải xây dựng được những quy định được thể chế hóa để thực thi điều này.

Tuy nhiên, ông Witoon Permpongsacharoen, giám đốc Mạng lưới Năng lượng và Sinh Thái Mê Kông (MEENET), Thái Lan lại đặt nghi vấn đối với Kế hoạch phát triển lưu vực của MRC, rằng liệu đó có phải là một sứ mệnh khả thi và một cách tiếp cận tốt hơn? Bởi lẽ các kế hoạch phát triển và kịch bản này vẫn dựa trên niềm tin rằng các dự án phát triển hạ tầng lớn là không thể tránh khỏi; rằng đập thủy điện là “yếu tố then chốt để biến giấc mơ thành sự thật”. Kế hoạch phát triển của MRC liệu có thể đảm bảo dung hòa các nhóm lợi ích? Thực tế cho thấy, đến nay các kế hoạch của MRC chưa phản ánh đầy đủ các tiếng nói nhiều chiều.

Ông Witoon cũng khuyến nghị MRC và các bên liên quan cần xét đến vấn đề dự báo quá cao trong nhu cầu điện của các quốc gia hiện nay, trong đó có Việt Nam và Thái Lan, vào quá trình nghiên cứu kế hoạch phát triển cho lưu vực.

Tiếng nói từ xã hội dân sự

Cùng chia sẻ mối quan ngại sâu sắc về các dự án phát triển đập trên dòng chính của sông Mê Kông, đại diện các tổ chức xã hội dân sự cùng gửi tới Diễn đàn tiếng nói phản ánh các tác động tiêu cực của đập thủy điện, phản đối các dự án đập của Trung Quốc trên thượng nguồn Mê Kông và đề nghị MRC xem xét lại vai trò của mình.

Trong bài phát biểu của mình, ông Long Socheat, Chủ tịch Liên minh Nghề cá Campuchia khẳng định, không có Mê Kông thì không có Biển Hồ, mà Biển Hồ chính là nguồn sống của người dân địa phương, là nguồn đảm bảo an ninh lương thực của Campuchia. Bất kỳ dự án đập nào cũng ảnh hưởng tới Biển Hồ và thực tế cho thấy Biển Hồ đang bị tác động mạnh mẽ: mực nước thấp hơn, nguồn nước ô nhiễm hơn và diện tích đất ngập nước suy giảm, thu hẹp môi trường sống của động vật hoang dã.

Ông đặc biệt nhấn mạnh rằng người dân Biển Hồ cần cá trước khi cần tới điện vì cá là nguồn sống của họ. Thậm chí, kể cả khi có điện người dân nơi đây cũng không có khả năng tiếp cận.

Phần tham luận của ông Niwat Roykaew, thuộc Nhóm Bảo Tồn Chiang Khong, Thái Lan đã thu hút sự chú ý đặc biệt của Diễn đàn. Chắc hẳn, không ít đại biểu từ MRC và Trung Quốc cũng phải “nóng gáy” trước câu hỏi thẳng thừng: “Tôi muốn hỏi trách nhiệm của Trung Quốc và MRC. MRC nói họ không đủ thẩm quyền (để ngăn cản các dự án đập), vậy tại sao chúng ta cần có MRC? Đã đến lúc MRC phải dừng lại để xem lại vai trò của mình, để lắng nghe và suy nghĩ những điều cần làm cho người dân trong lưu vực”.

Niwat Roykaew cũng khuyến cáo rằng điều quan trọng mà chính phủ và các tổ chức xã hội cần làm hiện nay là củng cố và trang bị kiến thức cho các cộng đồng để họ tự quản lý nguồn tài nguyên. Xây dựng mạng lưới chia sẻ kinh nghiệm, gắn kết các cộng đồng cũng là việc cần thiết và đó chính là việc mà tổ chức của ông đang thực hiện.

Hai đại diện từ Việt Nam, ông Lê Phát Quới, Trưởng phòng Tài Nguyên, Viện Môi trường và Tài Nguyên thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và ông Lý Quốc Đẳng từ tỉnh Sóc Trăng cũng phản ánh những tác động rõ ràng mà lưu vực Mê Kông của Việt Nam đang phải gánh chịu: tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn, suy giảm nguồn thủy sản, đất bạc màu do giảm lượng phù sa…

Đập thủy điện và dòng sông khô hạn

Diễn đàn trở nên sôi nổi bởi những lời “buộc tội” MRC và Trung Quốc về sự phát triển của các đập thủy điện trên dòng Mê Kông và các ảnh hưởng của nó tới môi trường và sinh kế của người dân trong lưu vực ở phần nội dung “Thách thức hiện thời: Đập thủy điện và Khô hạn trên dòng Mê Kông”.

Ông Pianporn Deetes thuộc Liên minh Cứu sông Mê Kông nhận định, các đập trên dòng Mê Kông ảnh hưởng rất lớn tới lưu vực, gây suy giảm nguồn thủy sản, chất lượng nguồn nước, khô hạn và lũ lụt. Ông buộc tội MRC đã thất bại trong việc dự báo, cảnh báo thiên tai và đề nghị phải có một hệ thống cảnh báo tốt hơn cho cộng đồng địa phương cả trong mùa lũ và mùa khô. Ông cũng đề nghị MRC phải chứng tỏ được vai trò của mình trước sứ mệnh lớn lao – đảm bảo phát triển bền vững lưu vực Mê Kông.

Đáp lại, ông Jeremy Bird từ Ban thư ký MRC nhấn mạnh sự thay đổi của lưu vực Mê Kông hiện nay là do các dự án sử dụng đất, đô thị hóa, thủy điện, phát triển dân số, công nghiệp và biến đổi khí hậu… Ông cũng cho biết MRC đang tập trung thúc đẩy đối thoại giữa các quốc gia trong lưu vực, cung cấp các bản phân tích các dữ liệu, đồng thời nâng cao vai trò trong đánh giá và tư vấn về môi trường.

Ông cho biết, năm 2008 hệ thống dự báo lũ lụt của MRC đã được đưa vào thử nghiệm, có tính đến tác động của các đập thủy điện. Hệ thống cảnh báo khô hạn cũng đang được MRC thiết lập.

Nhận được nhiều lời “buộc tội” từ phía các đại diện của xã hội dân sự, đại diện của Sứ quán Trung Quốc tại Thái Lan, ông Yao Wen – Trưởng phòng Chính trị và Thông tin – chia sẻ, cuối năm ngoái Trung Quốc cũng phải chịu một trận khô hạn nghiêm trọng nhất trong vòng 50 năm qua. 51 triệu dân của 5 tỉnh phía Tây Bắc Trung Quốc chỉ có được 10% đến ½ lượng mưa hàng năm, trong khi các hồ chứa thủy điện đã phải xả hết nước.

Đại diện Trung Quốc khẳng định không có mối liên hệ nào giữa tình trạng khô hạn Mê Kông hiện nay và các hoạt động phát triển của Trung Quốc. Theo đó, tình trạng khô hạn hiện tại là do lượng mưa thấp và lượng nước từ các nhánh đổ vào Mê Kông giảm.

Phát biểu phủ nhận trách nhiệm của các đập thủy điện trên thượng nguồn của đại diện Trung Quốc đã nhận được các chất vấn liên tiếp từ đại diện các tổ chức xã hội dân sự. Ông Montree Chantawong từ tổ chức TERRA (Thái Lan) cho rằng có rất nhiều bằng chứng và báo cáo cho thấy các đập nước Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về tình trạng khô hạn. Ví dụ, có bằng chứng cho thấy, 17 năm trước, khi đập Mạn Loan hoàn thành và tích nước, mực nước sông Mê Kông đã xuống thấp hơn trung bình.

Ông Witoon Permpongsacharoen, MEENET lại đặt câu hỏi: Tại sao Trung Quốc không hành xử với Mê Kông như một dòng sông quốc tế? Tại sao Trung Quốc không trở thành thành viên của MRC? Đáp lại, ông Yao Wen cho biết dù không phải là thành viên, nhưng Trung Quốc đã là đối tác MRC từ năm 1996 và cũng như hợp tác với ASEAN, Trung Quốc không nhất thiết phải trở thành thành viên của MRC.

 Dien dan Mekong

 Diễn đàn Chia sẻ lưu vực sông Mê Kông

Vì một tương lai bền vững cho lưu vực Mê Kông

Dòng sông Mẹ Mê Kông và cộng đồng sống trên lưu vực đang phải gánh chịu những tác động tiêu cực từ hoạt động phát triển của con người, đặc biệt là các dự án thủy điện. Đó là điều không ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên, sẽ không phải là quá muộn nếu tất cả các nước trong lưu vực cùng đồng thuận trong việc chia sẻ nguồn lợi một cách công bằng, dẹp bỏ những tham vọng ích kỷ thiển cận, vì tương lai phát triển bền vững của dòng Mê Kông. Để làm được điều này, thiết nghĩ 5 nguyên tắc và 5 khuyến cáo cho tương lai của lưu vực Mê Kông mà giáo sư Vitit Muntarbhorn – Khoa Luật, Đại học Chulalongkorn – chia sẻ trong lời bế mạc Diễn đàn phải là những điều kiện căn bản.

5 nguyên tắc R

– Responsibility sharing – Chia sẻ trách nhiệm công bằng đối với tất cả các quốc gia trong lưu vực, kể cả Miến Điện và Trung Quốc.

– Resourceful Resourcing – Sử dụng tài nguyên một cách khôn ngoan, bền vững không chỉ với nguồn nước mà còn với cả hệ sinh thái.

– Review and Reform – Nhìn lại và Cải cách. Điều chúng ta cần là dữ liệu, các đánh giá tác động minh bạch và chia sẻ thông tin.

– Root causes and redress – Không bỏ qua nguyên nhân gốc rễ dẫn tới các dự án đập cùng các hậu quả của nó và tìm kiếm các phương pháp sản xuất điện năng sạch thay thế để giảm nhẹ tác động từ phát triển thủy điện.

– Riparianziation – Tăng cường sự tham gia của các bên liên quan trong quản lý lưu vực, đặc biệt là của cộng đồng.

5 khuyến cáo

– Mời Trung Quốc và Miến Điện trở thành thành viên đầy đủ của MRC để đảm bảo lợi ích trong lưu vực được chia sẻ một cách công bằng.

– Mở rộng cơ hội tham gia của các bên liên quan đặc biệt là của cộng đồng, nâng cao sự minh bạch trong quản lý lưu vực.

– Đề nghị các nước trong lưu vực tham gia hiệp ước sử dụng nguồn nước bền vững, tôn trọng hệ sinh thái và sự công bằng.

– Tập trung hơn vào sự công bằng dựa trên quản lý và đánh giá tác động có sự tham gia của cộng đồng. Chia sẻ dữ liệu về hệ thống nước.

– Huy động tất cả các quốc gia trong lưu vực cùng nghiên cứu các giải pháp thay thế đập thủy điện bằng nguồn năng lượng sạch.

Nếu tất cả những nguyên tắc và khuyến cáo trên đây được thực hiện thành công, chắc chắn mục tiêu phát triển bền vững lưu vực Mê Kông không phải là một cái đích quá xa vời.

(*) Diễn đàn do Trung tâm Nghiên cứu Sông Mê Kông, Trung tâm nghiên cứu Hòa bình và Xung đột, Chương trình nghiên cứu Phát triển Quốc tế thuộc Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) phối hợp với MEENET và TERRA tổ chức ngày 01/04/2010.

Bạch Dương