Hiệu ứng ngược của luật sở hữu kiến thức bản địa

ThienNhien.Net – Người dân bản xứ đang có nguy cơ mất kiểm soát những kiến thức truyền thống của mình nếu Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) vẫn khăng khăng đặt ra các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về quyền sở hữu và tiếp cận những kiến thức này.


Trong phiên họp diễn ra cuối tháng 6 của WIPO, cơ quan chuyên trách của Liên Hợp Quốc về sở hữu trí tuệ, Viện Nghiên cứu Môi trường và Phát triển Quốc tế (IIED) đặt trụ sở ở Luân Đôn đã đưa ra báo cáo cho rằng các bằng sáng chế và các các hình thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ gây ra một số rắc rối trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.

Giám đốc Chương trình Phát triển Nông nghiệp, Đa dạng sinh học và Sinh kế Bền vững của IIED, ông Michel Pimbert phát biểu: “Các quy định về sở hữu trí tuệ đã hạn chế sử dụng các nguồn gen tốt trong khi nếu được sử dụng một cách linh hoạt và nhạy bén, chúng có thể giúp con người đối phó với những ảnh hưởng của biến đổi của khí hậu.”

WIPO mong muốn triển khai các quy định về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với các kiến thức truyền thống, như sự hiểu biết về thảo dược của người dân bản địa, vốn không được đề cập trong luật sở hữu trí tuệ chính thống.

Tuy nhiên, theo Krystyna Swiderska thuộc IIED, người từng điều phối các nghiên cứu tại châu Phi, châu Á, Mỹ Latinh thì “Mong muốn của WIPO nhằm thống nhất các quy định về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ với kiến thức truyền thống của người bản địa là một cách tiếp cận không thích hợp, bởi những quy định này dựa trên nguyên tắc thương mại phương Tây – nhằm hạn chế tiếp cận và sử dụng các phát minh của các công ty tư nhân.”

Ông Pimbert cũng bày tỏ lo ngại rằng, các quy định về sở hữu trí tuệ sẽ hạn chế việc tiếp cận với các nguồn kiến thức, tạo nên tình trạng độc quyền và xóa bỏ cạnh tranh. Điều này khiến các công ty xuyên quốc gia hoạt động trong các ngành giống cây trồng và dược phẩm đẩy mạnh sử dụng quyền sở hữu trí tuệ.

Thêm vào đó, trước tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay, các công ty công nghệ sinh học hứa hẹn sẽ phát triển các giống cây chịu hạn, tuy nhiên điều đó chỉ xảy ra khi họ có được quyền sở hữu trí tuệ chặt chẽ đối với các phát minh đó. Như vậy có thể thấy, áp dụng các quy định về quyền sở hữu trí tuệ sẽ hạn chế việc tiếp cận và sử dụng các phát minh một cách linh hoạt và hợp lý – một yếu tố rất cần thiết giúp thế giới đối phó với biến đổi khí hậu.

Alejandro Argumedo, đồng tác giả báo cáo IIED, nhà nghiên cứu giống cây trồng của Viện Nghiên cứu Thiên nhiên và Phát triển Bền vững Quechua-Aymara (ANDES) tại Peru, tin rằng các cộng đồng sẽ bảo vệ tri thức và nguồn tài nguyên theo cách hoàn toàn ngược lại. Những ý tưởng, các loại giống cây trồng và động vật không nên bị tư hữu hóa, việc tiếp cận chúng phải là quyền của cộng đồng và mang lại lợi ích rộng rãi cho cộng đồng.

Argumedo cho biết, bằng các tập quán truyền thống, cộng đồng Quechua ở Cuzco, phía nam Peru đã duy trì được hơn 2000 giống khoai tây thuần chủng. Suốt những năm 1970, rất nhiều giống trong số đó được đưa đi lưu giữ tại Trung tâm Khoai tây Quốc tế (CIP), nằm ngoài lãnh thổ Lima.

Trong khi đó, chính sách hiện đại hóa nông nghiệp của chính phủ khiến các loại thuốc trừ sâu, phân hóa học và nhiều loại giống mới được sử dụng rộng rãi ở các vùng độc canh, dẫn tới việc mất đi nhiều giống khoai tây truyền thống. Và để ngăn chặn tình trạng đó, sáu cộng đồng dân khác đã trồng được 10.000 ha khoai tây, hình thành nên “Công viên khoai tây” và đưa 400 giống khoai tây về cất giữ tại CIP theo một hiệp ước đặc biệt. Tháng 10 tới, 300 trong số đó sẽ được đưa vào trồng.

Ông Argumedo cho biết: “CIP hiểu rằng quyền sở hữu trí tuệ luôn có trong cộng đồng và các tục lệ, tập quán đóng vai trò rất quan trọng trong quản lý nguồn giống. Các cộng đồng dân cư đưa ra các thỏa thuận của riêng họ để chia sẻ lợi ích thu được dựa trên những quy tắc truyền thống. Khoai tây không chỉ là một loại lương thực, chúng là biểu tượng văn hóa có ý nghĩa quan trọng trong mọi mặt đời sống của người dân Quechua. Để có khoai tây, cần phải có đất trồng, phải có người nông dân trồng khoai và trên hết còn có cả nền văn hóa gắn liền với khoai tây, Mẹ Trái đất và Thần núi.”

Cũng giống nhiều dân tộc khác, người Kuna ở Panama đã có những phương thức riêng để bảo vệ kiến thức truyền thống của mình dựa trên các tục lệ cũ. Theo đó, đề xuất của một nhà nghiên cứu không thuộc cộng đồng cần được đệ trình lên quốc hội Kuna, để các nhà chức trách của 49 cộng đồng cùng thảo luận và thông qua cùng những người nắm giữ kiến thức truyền thống, bản báo cáo của IIED cho biết.

Việc mất đi những phương thức lưu giữ kiến thức truyền thống có nguy cơ làm mất đa dạng sinh học và chính các kiến thức truyền thống này. Điều đó cũng có thể hạn chế khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu của người nghèo, chẳng hạn, trong việc chia sẻ các giống cây có khả năng chống chịu thời tiết.

Theo ông Argumedo, để đối phó với tình hình biến đổi khí hậu, việc giữ hệ sinh thái đa dạng, linh hoạt là một trong những cách thích ứng hiệu quả nhất bởi WIPO không mấy quan tâm đến quan niệm của những người bản địa.

Trong khi WIPO tổ chức một diễn đàn thảo luận về quan điểm trên thì các quốc gia cũng có thể hủy bỏ các quy tắc bảo vệ kiến thức truyền thống bằng việc thiết lập các hiệp định thương mại song phương.

Ví dụ như Peru, sau khi kí hiệp định tự do thương mại với Hoa Kỳ, đã lờ đi hiệp định về bảo vệ trí tuệ truyền thống với Khối Thương mại Cộng đồng Andean – Argumedo cho biết. Hiệp định song phương này mở ra cánh cửa cho các công ty Mỹ thăm dò sinh học và phát triển các vụ mùa biến đổi gen, mà theo như nhận định của Argumedo là có tiềm năng “phá hủy cảnh quan.”

Ông Pimbert còn cho rằng, ngay cả khi WIPO đưa ra các điều luật có lợi cho kiến thức bản địa thì Mỹ, Canada và Liên Minh Châu Âu cũng sẽ sẵn sàng phớt lờ chúng. Trong khi đó, các kiến thức truyền thống và các quy tắc, tục lệ không bị quên lãng theo thời gian nhưng lại là những ý tưởng, khái niệm mới mẻ, chặt chẽ, năng động…

Vì vậy, ngay trong WIPO hiện nay cũng đang tồn tại những quan điểm mâu thuẫn.