Dự án khảo sát biển Caspi

ThienNhien.Net – Điều phối viên của Chương trình phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) tại Kazakhstan, ông Daniyar Serikov cho biết Liên hiệp các tổ chức quốc tế thuộc Văn phòng Dịch vụ Dự án Liên Hợp Quốc (UNOPS), Chương trình phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) và Quỹ Kinh tế toàn cầu (GEF) sẽ phối hợp thực hiện một dự án mới trên biển Caspi nhằm phục hồi trữ lượng cá nơi đây, đồng thời tạo ra một khu bảo tồn tự nhiên vĩnh cửu – CaspEco – trên vùng biển này.

Dự án này từng là trung tâm chú ý trong một thời gian dài vì 5 quốc gia vùng biển Caspi bao gồm Kazakhstan, Iran, Turkmenistan, Azerbaijan và Nga đều muốn giành quyền bảo vệ khu vực biển trong khi chủ quyền vẫn chưa được xác định. Liên hiệp các tổ chức quốc tế nói trên có kế hoạch tăng cường thể chế quốc tế ở khu vực này nhằm bảo vệ sự đa dạng sinh học biển theo tinh thần của Hiệp địnhTehran về bảo vệ môi trường biển Caspi.

Ông Serikov cho biết, dự án này nhắm tới mục tiêu áp dụng các nguyên tắc bảo tồn và sử dụng bền vững các nguồn lợi sinh thái của biển Caspi thông qua việc xây dựng một hệ thống bảo tồn tổng thể vùng biển. Một hệ thống giám sát thống nhất sẽ là nền tảng cho hệ thống cảnh báo các hiểm hoạ đe doạ sinh thái nơi đây.

Theo ông, hiện trạng môi trường vùng biển Caspi và các hiểm hoạ sinh thái trong vùng sẽ được đánh giá trong quá trình thực hiện dự án. Nhóm thực hiện dự án sẽ thiết kế một số mô hình hệ sinh thái biển và trên cơ sở đó có thể thiết lập bản đồ bờ biển và bản đồ các quần thể động thực vật biển Caspi.

Các chuyên gia của UNDP khẳng định, họ sẽ tập trung kiểm soát nước biển dằn tàu, vốn được coi là một nguồn gây ô nhiễm, đồng thời tăng cường sự tương hỗ lẫn nhau giữa các quốc gia vùng biển Caspi trong việc giám sát sự xâm lấn của các loài ngoại lai. Theo kế hoạch, dự án này sẽ tập trung tổ chức các sự kiện “khai sáng” cho người Kazakhstan và các chuyên gia quốc tế ở vùng biển Caspi.

Một trong những mục tiêu của dự án là hỗ trợ Uỷ ban Nguồn sinh thái nước vùng Caspi nhằm tăng cường quản lý thực tế nguồn sinh thái biển và tiếp cận các hệ sinh thái nơi đây.

Người dân khu vực Caspi cũng có thể có cơ hội tham gia vào dự án bằng cách đệ đơn xin hỗ trợ tài chính để cải thiện cơ sở hạ tầng xã hội vùng biển. Điều này sẽ giúp người dân địa phương giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn lợi sinh thái từ biển.

Dự án này sẽ cộng tác với tổ chức Nông lương thế giới (FAO) nhằm đánh giá hoạt động nuôi trồng các loại thủy sản vốn đã được định hướng cho khu vực biển Caspi. Việc này có thể giúp phát triển các đề xuất giải pháp nhằm tăng tính hiệu quả cho việc phục hồi các khu vực đẻ trứng tự nhiên và tạo điều kiện thuận lợi cho dòng di cư của cá tự nhiên.

Dự án cũng sẽ tập trung giải quyết các vấn đề về bảo tồn loài hải cẩu Caspi, mà theo đánh giá của nhiều nhà sinh thái học, hiện đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Người ta hy vọng rằng Khu Bảo tồn Thiên nhiên Đặc biệt (SPNT) dành cho chúng ở vùng biển Caspi sẽ giúp loài này thoát khỏi nạn thuyệt chủng. Dự án sẽ góp phần tạo ra một khu SPNT bằng việc phát triển các dự án nghiên cứu khả thi cho khu vực bảo tồn trong tương lai.

Ông Serikov cho biết dự án sẽ kéo dài trong 3 năm và ngân sách có thể lên tới 1, 57 tỷ USD. Đó là một dự án tổng thể, có quy mô rộng khắp các quốc gia vùng Caspi. Dự án này còn nhận được sự cộng tác từ một tổ chức điều phối và quản lý khu vực ở Astana.

Hiệp định khung về bảo vệ môi trường vùng biển Caspi được biết với tên gọi là Hiệp định Tehran bắt đầu có hiệu lực từ tháng 12 năm 2006. Hiệp định Tehran nhằm bảo vệ môi trường vùng biển Caspi khỏi mọi tác nhân ô nhiễm, bao gồm các hoạt động bảo vệ, bảo tồn, phục hồi, sử dụng bền vững và hợp lý các nguồn lợi sinh thái. Hơn nữa, Hiệp định còn là cơ sở pháp luật, cung cấp cho các lực lượng thi hành luật pháp một tiêu chuẩn sinh thái ở mức độ khu vực trong mục tiêu đấu tranh chống lại các vấn đề nghiêm trọng về môi trường sinh thái biển như giảm nguồn lợi sinh thái biển, ô nhiễm nguồn nước đáy biển, sự xâm lấn của các loài sinh vật ngoại lai và thoái hóa môi trường sống của các loài quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng.