Chống biến đổi khí hậu: Hợp tác và hiệu quả

ThienNhien.Net – Trong thời gian qua, các tổ chức xã hội dân sự (TCXHDS) đã nhập cuộc khá nhanh với chủ đề biến đổi khí hậu (BĐKH). Khi mà các cơ quan Nhà nước còn đang đang bận rộn nghiên cứu và xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó, họ đã kịp ra mắt mạng lưới hoạt động về BĐKH của riêng mình. Bản thân nhiều tổ chức riêng lẻ cũng đã hoặc sắp triển khai những hoạt động, dự án có liên quan. Tuy nhiên, kết nối các nỗ lực để tăng cường sức mạnh và đóng góp một cách hiệu quả vào công cuộc “chiến đấu và thích nghi với BĐKH” là điều mà hầu hết các TCXHDS mong muốn, song còn nhiều trăn trở.
 
Mạng lưới các TCXHDS Việt Nam về BĐKH (VNGO-CC) ra đời tháng 9 năm 2008, trực thuộc Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam. Sự hình thành mạng lưới cho thấy đã có một bước tiến về nhận thức và hành động của các TCXHDS. Họ không còn nhìn nhận vấn đề bó hẹp trong khuôn khổ từng dự án, từng mối quan tâm của riêng mình mà đã ý thức được rằng một vấn đề lớn lao như vậy chỉ có thể được giải quyết bằng một nỗ lực lớn, cộng hưởng bởi nhiều tổ chức, nhiều thành phần khác nhau trong xã hội.
 
Tuy nhiên, để tìm được tiếng nói chung, cách hiểu chung cho một nhóm đông đảo và đa dạng về thành phần, khác nhau về chuyên môn không hề đơn giản. Bà Vũ Thị Bích Hợp, Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD), đồng thời là Điều phối viên Thường trực mạng lưới, cho biết hiện số lượng tổ chức, cá nhân đăng ký thành viên của mạng lưới đã là 50, tuy nhiên việc liên kết các thành viên lại gần nhau còn gặp nhiều khó khăn.
 
Ông Trần Duy Khanh, Chủ tịch Liên hiệp hội KHKT tỉnh Thái Bình nhận định việc kết nối, tụ hợp các TCXHDS trong nỗ lực chung đối phó với BĐKH là vô cùng cần thiết, để tránh sự chồng chéo, lãng phí nguồn lực và cạnh tranh không cần thiết giữa các TCXHDS. Tuy nhiên, việc kết nối này không gì hơn, đòi hỏi sự tự nguyện và cùng hướng về lợi ích chung của mỗi tổ chức, cá nhân thành viên, đồng thời, một mạng lưới như VNGO-CC phải  gắn được quyền lợi và trách nhiệm của các thành viên vào đó.
 
Chia sẻ mối quan tâm về định hướng chung của mạng lưới cũng như cho từng TCXHDS, ông Cao Vĩnh Hải, Giám đốc TT Tư vấn Môi trường Tài nguyên và Giảm nghèo nông thôn nhấn mạnh: “Chúng ta cần biết một cách rõ ràng BĐKH tác động đến từng lĩnh vực, từng ngành nghề như thế nào?”, qua đó mới xác định được chúng ta ứng phó với cái gì, vận động chính sách về vấn đề gì và phân bổ nguồn lực ra sao.
 
Cho đến nay, ở Việt Nam hiện nay đã hình thành hai mạng lưới ngoài chính phủ về BĐKH. Ngoài VNGO-CC đã được đề cập trên còn có nhóm CCWG – nhóm công tác phi chính phủ về BĐKH – với thành viên chủ yếu là các tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam, được thành lập từ cuối năm 2007.
 
Thông tin chia sẻ từ hai mạng lưới này cho thấy rằng tiềm năng của khối xã hội dân sự góp phần giải quyết các vấn đề BĐKH là rất lớn. Tuy nhiên, việc gắn kết các tổ chức để hội tụ và thúc đẩy các nỗ lực của họ vào việc giải quyết mối lo chung là không hề đơn giản. Hay nói một cách khác, nó còn phụ thuộc vào tinh thần tự nguyện và sự cam kết của từng tổ chức.