Hàm lượng amoni, asen trong nước ngầm ở Hà Nội vượt tiêu chuẩn cho phép

ThienNhien.Net Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước cho biết: Qua phân tích thành phần hoá học nước dưới đất thì trong cả hai tầng Holocen (qh) và Pleistocen (qp) chứa nước ngầm vùng Hà Nội, một số chỉ tiêu vượt quá giới hạn cho phép, trong đó chủ yếu là hàm lượng amoni, asen và hàm lượng hữu cơ.

Hàm lượng asen cao đến trên 0,2g/l tại khu vực Hoài Đức, hàm lượng amoni cao trên 100mg/l tại khu vực thị xã Hà Đông. Các yếu tố này đang có xu thế tăng theo thời gian cả về hàm lượng và diện tích phân bố.

Các thành phần hoá học này tập trung chủ yếu tại những khu vực có khả năng gây ô nhiễm cao như các bãi rác, khu công nghiệp, ở những vùng mực nước hạ thấp sâu hay nơi tập trung chứa lượng nước thải lớn như Thanh Xuân, Thanh Trì, Hoàng Mai, Từ Liêm, Gia Lâm và Long Biên, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Hà Đông.

Tại các huyện Phú Xuyên, Thường Tín nước có độ khoáng hoá lớn hơn 1g/l.

Hiện việc khai thác nước ngầm trên địa bàn Thủ đô Hà Nội ngày một tăng dẫn đến sự hạ thấp ở một số nơi, điển hình là khu vực phía nam thành phố nơi có các bãi giếng đang hoạt động. Sự khai thác nước ngầm ở vùng Hà Nội đã hình thành phễu hạ thấp mực nước, biểu hiện khá rõ theo diện rộng và chiều sâu. Mực nước sâu nhất tại khu vực Hạ Đình cách mặt đất 35,35m.

Đây cũng chính là một trong các nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm tầng nước ngầm, gia tăng các thành phần hoá học như asen, amoni, hàm lượng các hữu cơ khác…

Do trận lũ lịch sử tháng 11 năm 2008, mực nước ngầm ở hầu hết các điểm quan trắc đều dâng cao hơn so với cùng kỳ năm 2007 và ô nhiễm nhiều hơn.