Điện thoại di động và cuộc sống

ThienNhien.Net – Ngày nay điện thoại di động đã trở thành một vật dụng thiết yếu trong cuộc sống. Chúng còn là thứ để giới trẻ thể hiện cá tính của mình. Điện thoại đang tác động lên đời sống của chúng ta từng ngày, từng giờ, tại các nước phát triển lẫn các nước đang phát triển.
Tiềm năng phát triển

Trước đây, sau một vài thử nghiệm gây thất vọng, hầu như mọi người đều cho rằng không thể sản xuất máy thu phát cầm tay (tiền thân của điện thoại đi động) và giao thức truy cập mạng không dây (WAP) ứng dụng trên điện thoại di động là một điều hết sức viển vông. Thế nhưng, ngày nay, điện thoại di động đã trở thành một công cụ truyền thông then chốt với hai chức năng phổ biến là gửi tin nhắn SMS và truy cập mạng không dây. Nói đến việc sản xuất điện thoại di động người ta thường cho rằng đây là công nghệ đặc biệt, luôn đổi mới về tính năng và các dịch vụ đi kèm.

Trong vài năm trở lại đây, hàng loạt tính năng mới đã được giới thiệu như màn hình màu, nhạc chuông đa âm, camera cùng các hệ điều hành tân tiến như Symbian3 đã hoàn thiện thêm công nghệ WAP. Sự ra đời của mạng di động 3G5 hứa hẹn mở rộng các dịch vụ đi kèm; xu hướng kết nối với các trang web mặc dù vẫn còn nhiều giới hạn nhưng đó là những ví dụ điển hình nhất thể hiện sự hội tụ của công nghệ.

Tại các nước đang phát triển, những vấn đề liên quan đến hậu cần như khoảng cách về khoa học kỹ thuật, thiếu hụt nguồn tài chính và cơ sở hạ tầng không đảm bảo, đồng nghĩa với việc mở rộng các hệ thống đường dây điện thoại cố định gặp nhiều khó khăn. Nhưng thay vào đó, người ta có thể sử dụng điện thoại di động mà không cần phải quan tâm đến vấn đề lắp đặt những hệ thống cáp trên những quãng đường dài.

Thêm vào đó, điện thoại di động chạy bằng năng lượng mặt trời sẽ làm góp phần làm giảm gánh nặng điện năng của đất nước. Những yếu tố trên, kết hợp với nhu cầu khổng lồ của người tiêu dùng, thị trường viễn thông đang ngày càng được mở rộng, sự linh hoạt của các nhà cung cấp dịch vụ trong tiến trình mở rộng thị trường và nâng cấp mạng lưới đã góp phần làm cho điện thoại di động trở thành phương tiện thông tin liên lạc lý tưởng.

Nhiều người từng cho rằng điện thoại di động là thứ đồ xa xỉ dành cho các nước tân tiến thì giờ đây, họ đang hết sức ngạc nhiên về sự phát triển của mạng lưới thuê bao di động với bằng chứng là những số liệu sau đây:

• Tính đến tháng 05/2004, trên thế giới có khoảng 1,3 tỉ người sử dụng điện thoại di động.

• Trong giai đoạn 1995 – 2005, số người sử dụng điện thoại di động tại châu Phi đã tăng gấp một trăm lần, từ 652 nghìn thuê bao lên 67 triệu thuê bao.

• Chỉ trong quý I của năm 2004, có khoảng 153 triệu chiếc điện thoại di động được bán ra trên toàn cầu.

• Lợi nhuận của các dịch vụ tích hợp cùng điện thoại di động tăng từ 19 tỷ USD năm 1991 lên 414 tỷ USD năm 2003.

• Đến năm 2003, có khoảng 80 triệu điện thoại di động có khả năng truy cập mạng được tiêu thụ, so với 1,1 triệu chiếc vào năm 1999.

Trong năm 1991, trên toàn thế giới tổng số đường dây cố định ước tính khoảng 546 triệu, trong khi đó, chỉ có 16 triệu điện thoại di động. Sau đó 11 năm, vào năm 2002, số lượng đường dây cố định tăng gấp đôi, còn số thuê bao di động tăng hơn 70 lần.

• Tại Bangladesh, công ty điện thoại Grameen đã đầu tư 80 triệu đô la Mỹ nhằm cung cấp điện thoại di động cho các khu vực nông thôn.

Sự phát triển của công nghệ cũng cho ra đời những dòng điện thoại di động và SIM giá rẻ dành cho những người có thu nhập thấp. Ngày nay, rất nhiều người nghèo cũng có thể gọi và nhận cuộc gọi qua điện thoại di động. 

Biến chuyển tích cực cho cuộc sống

Tại châu Âu, hàng loạt thử nghiệm ứng dụng công nghệ điện thoại di động vào việc hỗ trợ các hoạt động phát triển kinh tế xã hội và môi trường thiên nhiên đã được tiến hành, chẳng hạn cung cấp các dữ liệu cho bác sĩ để tạo điều kiện chẩn đoán và hỗ trợ cho bệnh nhân, cung cấp điện thoại di động cho các nạn nhân bão lụt đang bị cô lập, hay hỗ trợ nông dân cập nhật diễn biến sàn giao dịch chứng khoán thông qua dịch vụ GPRS được tích hợp trên điện thoại di động.

Ảnh hưởng của điện thoại di động không chỉ dừng lại ở phạm vi các đô thị mà còn lan rộng đến các khu vực nông thôn. Nông dân ngày nay sử dụng điện thoại di động để tìm hiểu giá cả thị trường, các nhà kinh doanh nhỏ thì dùng chúng để liên lạc với các khách hàng tiềm năng. Ông bà có thể nói chuyện với con cháu dù cho họ đang sống cách xa nhau hàng ngàn km.

Điện thoại di động và cuộc vận động bảo vệ môi trường

Việc tích hợp tính năng truy cập mạng internet không dây không còn mới lạ với những nhà cung cấp thông tin như hãng BBC, CNN. Còn đối với những nhà hoạt động môi trường, có rất nhiều cách để khai thác công nghệ di động như một công cụ để hỗ trợ công việc.

Chẳng hạn như tháng 12/2003, người ta đã cho ra mắt trang web Wildlive! – một dự án hợp tác giữa Tập đoàn Vodafone Anh quốc, quỹ Vodafone và một tổ chức bảo tồn quốc tế. Đây mà một trang web chuyên cung cấp hàng loạt các thông tin về công tác bảo tồn thiên nhiên, các vấn đề cần thảo luận, kiến thức chuyên môn, nhiều cuộc thi, nguồn tư liệu và hình ảnh có thể tải trực tiếp nhờ vào việc sử dụng cơ sở dữ liệu chung của Vodafone’s live!. Các thành viên của Vodafone’s live! được sử dụng các dịch vụ trên, và có thể tải nhạc chuông tiếng động vật, hình ảnh thế giới hoang dã và những trò chơi bảo vệ môi trường.

Đồng thời, tập đoàn Vodafone cũng cung cấp một phiên bản thu gọn của Wildlife! Tích hợp thêm dịch vụ cung cấp các thông tin về khu bảo tồn, chợ và các hoạt động văn hoá đang diện ra tại bất cứ nơi nào thông qua mạng internet hoặc qua hình thức gửi tin nhắn hoặc kết hợp cả hai cách trên. Chính những điều này khuyến khích các cá nhân sử dụng điện thoại di động quan tâm và ủng hộ công tác bảo tồn theo một phương pháp hoàn toàn mới. Sau sáu tháng thử nghiệm tại Anh quốc, Wildlife! đã đạt được thành công vang dội và được công bố rộng rãi trên toàn cầu.

Nghịch lý tại các nước đang phát triển

Vào thời điểm năm 1994 ở Công-gô, phần đông dân cư không hề được tiếp cận với điện thoại, internet hay đài radio và dĩ nhiên cả điện thoại di động. Họ hoàn toàn phụ thuộc vào những cách truyền tin hết sức cổ xưa, đôi khi họ phải đi hàng giờ chỉ để gửi một tin nhắn. Một vài người có điện thoại cố định, nhưng chúng hoạt động không ổn định. Rất ít người có đủ tiền để sử dụng email hay gọi điện qua điện thoại vệ tinh.

Nhưng đến năm 2003, một trong những thay đổi kinh ngạc nhất ở đất nước này là chiếc điện thoại di động đã trở thành một vật dụng thường ngày với đa số người dân, đặc biệt là đối với các doanh nhân, nhân viên các tổ chức phi chính phủ, linh mục, quan chức chính phủ, xã viên hợp tác xã và cả các sĩ quan quân sự. Thay vì phải lái xe hàng giờ đồng hồ, bạn chỉ cần gọi điện thoại hoặc gửi tin nhắn để sắp xếp một cuộc hẹn, mua bán hàng hóa, cập nhật thông tin và nhiều tiện ích khác. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng với một bộ phận cư dân đô thị có thu nhập cao. Còn đại đa số người dân ở tầng lớp thấp hơn vẫn không thể tiếp cận với điện thoại di động.

Cách đây vài năm, giá coltan – một loại quặng chứa tantali được sử dụng để sản xuất các linh kiện trong điện thoại di động cũng như các sản phẩm công nghệ cao khác có ở Công-gô – đột nhiên tăng vọt gây ra một cơn sốt khiến tình hình đất nước trở nên hỗn loạn và khó kiểm soát. Hầu hết các quan chức chính trị và quân sự là những người chi phối và hưởng lợi từ những hoạt động khai thác và mua bán tài nguyên. Trong khi đó, người dân vốn đã chẳng được hưởng lợi lộc gì, lại phải hứng chịu hậu quả nặng về vì môi trường sống của họ đã bị tàn phá.

Nhu cầu điện thoại di động của người dân châu Phi đã biến nơi này thành một thị trường tiêu thụ vật dụng công nghệ cao đầy tiềm năng. Thế nhưng không phải trong mọi trường hợp, sử dụng điện thoại di động luôn đạt hiệu quả tối ưu. Tại Nigeria, thời gian sử dụng điện thoại di động trung bình là 200 phút/ tuần, nhiều hơn so ở Anh là 120 phút/tuần. Nhưng nguyên nhân chính là do tại Nigeria, đường dây điện thoại và hệ thống mạng lưới internet thường xuyên bị tắc nghẽn khiến cho thời gian sử dụng tăng lên.

Tại Thụy Sỹ, cước phí sử dụng dịch vụ internet dao động trong khoảng 18 đô la Mỹ/tháng và tại Argentina là 78 đô la Mỹ/tháng. Nhưng tại Cộng hòa Chad (Trung Phi), trong khi tổng thu nhập bình quân đầu người hàng năm không quá 187 đô la Mỹ thì người dân phải trả đến 10,5 đô la cho một giờ sử dụng internet.

Tại Cameroon, giá một chiếc điện thoại di động đôi khi còn đắt hơn cả một chiếc xe máy. Tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp sản xuất điện thoại di động tại Cameroon đang bị kìm hãm bởi giá bán các sản phẩm là quá cao, mạng lưới phủ sóng di động còn nhiều hạn chế và hầu hết tập trung vào các khu vực đô thị lớn đông dân. Còn ở các khu vực lắp đặt điện thoại cố định, người ta có thể kết nối internet với mức cước phí thấp hơn nhiều khi sử dụng điện thoại di động.

Người dân Cameroon hiện đang cố gắng hoà nhập với thế giới thông qua chiếc điện thoại di động. Và các nhà sản xuất điện thoại cũng như nhà cung cấp dịch vụ là những đối tượng thích hợp nhất để thay đổi thực tế này, nhưng thật đáng tiếc khi họ dường như không mấy quan tâm hay hứng thú với việc giải quyết những vấn đề nêu trên.

Hiện nay, mặc dù hàng triệu người dân Phi châu đang sử dụng điện thoại di động hằng ngày. Mạng lưới phủ sóng và số lượng các thuê bao di động cũng không ngừng tăng lên nhưng một câu hỏi vẫn còn bị bỏ ngỏ: Điện thoại di động sẽ đóng vai trò thế nào trong tiến trình thu hẹp “khoảng cách công nghệ”?