Nông dân lay lắt cạnh… sân golf

“Nơi nào muốn phát triển sân golf hãy về Lâm Sơn sẽ mắt thấy tai nghe”- Bí thư Đảng ủy xã Lâm Sơn, Lương Sơn (Hòa Bình) – Hoàng Ngọc Kiều cay đắng thừa nhận khi nói đến sân golf lớn nhất Đông Nam Á trên địa bàn xã này…

Từ ông chủ giữa thiên nhiên!

Mảnh đất mầu mỡ Lâm Sơn là nơi sinh sống bao đời nay của đồng bào Mường nơi đây. Mảnh đất này gắn bó máu thịt với họ bởi nó đem lại những bồ lúa, dòng nước mát, cây trái bốn mùa… Gia đình anh Hoàng Tiến Sinh ở xóm Rổng Cấn, vốn không nhiếu đất nhưng cũng có 400m2 đất ở, 3,5 sào đất lúa, 2 đồi luồng, chè… Cuộc sống chả giàu có gì nhưng gia đình cũng không bao giờ thiếu ăn. Mỗi năm họ có hơn tấn thóc trong nhà. Hai đồng luồng, chè cũng cho đồng ra, đồng vào. Mỗi mùa măng đến, chỉ cần lên đồi hái măng ra chợ cũng kiếm thêm vài chục nghìn đồng. Rồi trâu, bò, lợn, gà xung quanh nhà nên ít khi mất tiền mua thức ăn.

Hai đứa con anh Sinh thì thích nhất vườn hoa quả. Không mùa nào chúng không có hoa quả ăn. Từ những quả sấu cắn giòn rôm rốp, chua chảy nước mắt đến những quả xoài ngọt lịm chân răng. Chị Đinh Thị Nga, vợ anh Sinh kể: “Chúng tôi sống giữa núi đồi, chả bon chen với ai nên “thuận vợ thuận chồng”. Hai cháu đi học dù xa trường một chút, nhưng không bao giờ lo chúng hư hỏng bởi tệ nạn chưa về tới đây”. Nhà anh Nguyễn Văn Phượng, tại xóm Rổng Vòng cũng có 2 sào lúa, hơn 1ha vườn đồi. Anh bảo có ruộng có vườn là “ấm bụng”, không lo cái dạ dày bị bỏ đói.

Đùng một cái người ta vác cái sân golf to…tổ bố về đặt tại Lâm Sơn. Hơn 300ha đất của nông dân bị thu hồi để làm sân golf nghe nói là lớn nhất Đông Nam Á. Tiếc nhất là 100ha đất lúa mà nhiều đời bà con mới khai hoang được đã bị sân golf lấy trọn vẹn. Diện tích đất đồi còn lại, nằm phía trong sân golf nếu muốn canh tác người dân phải đi vòng qua xã khác tới 12km mới đến nơi.

Hơn 200 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu của xóm Rổng Vòng, Rổng Cấn mất 100% đất, phải di chuyển ra khu tái định cư. Điều đáng nói là cuộc sống nơi ở mới của những hộ dân đang rất khó khăn. Mỗi hộ chỉ được cấp từ 200- 400m2 đất ở. Bị tước mất tư liệu sản xuất, hàng trăm người dân chỉ còn lối thoát duy nhất là đi làm thuê.

Đến kẻ làm thuê không đắt

Gia đình anh chị Sinh, Nga được bồi thường 50 triệu đồng tiền ruộng, 180 triệu đồng tiền nhà cửa, vườn tược. Chưa bao giờ cầm trong tay số tiền lớn như vậy, ý định đầu tiên nảy ra trong đầu anh chị là xây nhà. Thế nhưng hơn 1 năm qua, căn nhà xây chưa xong giá nguyên vật liệu đã lên vù vù mà tiền thì cạn. Hôm chúng tôi đến căn nhà vẫn nham nhở vôi vữa, chưa có tiền đổ mái, làm cầu thang. Anh Sinh tính toán, muốn hoàn thành nốt căn nhà phải bỏ thêm 40 triệu đồng-số tiền anh chị kiếm cả đời cũng không ra.

Căn nhà đã vậy, cuộc sống còn khó khăn bội phần. Anh Sinh đi làm thuê công nhật được 30.000 đồng/ngày. Hôm nào ốm đau, trời mưa gió đành ngồi nhà nhìn ra đường nhựa, bụng thì lo không biết lấy gì cho 4 miệng ăn. Mọi chi phí trong nhà giờ trông cậy hết vào những buổi làm thuê của anh. Bởi với 400m2 đất ở, dựng cái nhà lên cộng thêm phần sân là hết đất. Lợn không nuôi nổi. Gà thì nuôi con nào chết con đấy, con còn sống thì nhảy qua tường bao là…mất tích. Hàng tháng riêng tiền gạo đã tốn 300 nghìn đồng. Năm học mới tìm đâu ra hơn triệu đồng đóng học cho 2 con. Chị Nga buồn bã, đứa lớn lớp tám có lẽ phải nghỉ học bởi gia đình không còn tiền. Nhưng nghỉ học rồi tuổi các cháu cũng đâu giúp được việc gì.

Không chỉ mất đất, nguồn nước của người dân cũng bị cắt đứt. Dòng suối cấp nước cho xóm bị sân golf dựng tường bao kín. Thời gian đầu chủ sân golf còn bơm nước suối cho khu tái định cư nhưng nay “đặc ân” này cũng không còn. Mà nguồn nước sân golf cũng không thể sử dụng được bởi ô nhiễm nghiêm trọng. Bí thư Đảng ủy Hoàng Ngọc Kiều cho biết, cứ 3 ngày sân golf phun hóa chất chăm sóc cỏ một lần, nguồn nước độc hại ngấm xuống suối rồi lại được công ty quản lý sân golf bơm lên tưới cỏ. Cứ thế cái vòng tuần hoàn ấy diễn ra nên không biết nước nào sạch, nước nào bẩn.

Trước khi rót tiền xây dựng sân golf, UBND tỉnh Hòa Bình cùng nhà đầu tư hứa hẹn mỗi hộ sẽ được giải quyết 1 lao động. Tuy nhiên, theo thống kê của xã, hơn 2.000 lao động mất đất thì chỉ vỏn vẹn 65 người được vào làm việc cho sân golf. Ngay những công việc đơn giản như chăm sóc cỏ, nhặt bóng công ty quản lý sân golf cũng lấy người từ sân golf Đồng Mô (Hà Tây) lên. Bởi những lao động này đã quen việc sẽ tiết kiệm “chi phí đào tạo”. Một số cháu vào làm trong khách sạn, nhặt bóng bị trêu đùa đến nay cũng đã bỏ việc.