Dịch bệnh tôm tàn phá khắp nơi

Hàng chục ngàn nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phải méo mặt vì tình hình bệnh làm cho tôm nuôi bị chết hàng loạt. Nhiều nông dân đã cải tạo lại vuông thả nuôi tiếp lứa khác nhưng tôm vẫn chết đành phải treo vuông hoặc chuyển qua nuôi trồng các loại cây con khác với hy vọng gỡ lại vốn.

Tôm chết bất thường

Ông Chín Tặng (Trần Văn Tặng) ở xã Thuận Hòa, huyện An Minh, Kiên Giang nhiều năm qua nuôi tôm đều thắng lợi. Cũng như mọi năm, sau khi cải tạo lại vuông nuôi, ông Tặng ra các cơ sở vèo tôm giống ở gần nhà mua 80.000 con tôm giống về thả nuôi trên diện tích 4ha. Sau gần 2 tháng nuôi thì tôm phát bệnh, đâm đầu vào bờ và chết rất nhanh. Không bỏ cuộc ông Tặng lại tiếp tục mua tôm đóng thùng về thả nuôi. Nhưng chỉ được một thời gian tôm cũng phát bệnh và chết. Ông Tặng cho biết, cả khu vực này không nhà nào không bị thiệt hại. Chưa bao giờ những người nuôi tôm như chúng tôi lại phải đối mặt với tình trạng tôm chết bất thường như thế.

Tương tự hộ ông Tặng, hộ ông Phan Văn Giới ở xã Đông Hòa (An Minh) cũng bị thiệt hại nặng nề do tôm nuôi bị chết. Sau hai lần thả nuôi gia đình ông chỉ bắt được hơn chục kg tôm sô (loại 60 – 70 con/kg). Ông Giới thở dài: “Như vậy là coi như cụt vốn. Năm ngoái nuôi tôm lời được hơn chục triệu đồng thì năm nay lại trắng tay. Không còn cách nào khác, gia đình tôi đành mua cua về thả may ra còn vớt vát được chút ít”.

Theo số liệu thống kê của Sở NN-PTNT Kiên Giang, đến thời điểm này đã có 43.058/80.563ha tôm nuôi của tỉnh bị thiệt hại. Tập trung chủ yếu ở các huyện vùng U Minh Thượng và Gò Quao, trong đó riêng hai huyện An Minh và Vĩnh Thuận đã có trên 35.000ha tôm bị chết.

Không riêng gì Kiên Giang mà các tỉnh khác như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Long An nhiều nông dân cũng đang phải đối mặt với tình trạng tôm chết hàng loạt một cách bất thường như vậy. Hiện tỉnh Cà Mau cũng đã có trên 38.800ha tôm sú nuôi bị chết với các triệu chứng như: đỏ thân, đốm trắng… tập trung chủ yếu ở các huyện Trần Văn Thời, U Minh, Đầm Dơi…

Phần lớn diện tích tôm nuôi bị thiệt hại ở ĐBSCL hiện nay là thả nuôi theo hình thức quảng canh hoặc quảng canh cải tiến.

Đâu là nguyên nhân?

Theo ông Sử Văn Minh – Trưởng phòng NN-PTNT huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), thì nguyên nhân tôm chết là do nông dân thả nuôi đã không tuân thủ lịch thời vụ. Còn bà Nguyễn Ngọc Phượng – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho rằng, hiện tượng tôm chết hàng loạt trên địa bàn tỉnh vừa qua có rất nhiều yếu tố như diễn biến môi trường bất lợi, chênh lệnh nhiệt độ giữa ngày và đêm cao, mưa trái mùa… làm tôm bị sốc. Hơn nữa, nông dân cải tạo không đúng qui trình kỹ thuật, con giống trôi nổi và khâu chăm sóc không tốt dẫn đến tôm bị dịch bệnh và chết.

Tuy nhiên, thì hầu hết các địa phương vẫn chưa làm tốt khâu kiểm dịch con giống. Phần lớn nguồn tôm sú giống cung cấp cho các tỉnh ĐBSCL hiện nay đều được nhập từ miền Trung. Nhưng chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ được kiểm tra dịch bệnh trước khi bán cho nông dân. Trong khi đó người nuôi gần như không hề quan tâm đến khâu kiểm dịch hoặc xét nghiệm bệnh tôm trước khi thả nuôi. Nhiều hộ nông dân khi được hỏi vẫn không biết mình đã thả con giống có nguồn gốc từ đâu.

“Vào vụ, mỗi ngày có hàng chục ngàn hộ nông dân ở các huyện vùng U Minh Thượng cần nhu cầu khoảng 3-4 triệu tôm post, nhưng chỉ có duy nhất một trạm kiểm dịch thì làm sao có thể kiểm tra hết được. Chúng tôi chỉ biết tìm chỗ quen để mua, chứ biết chỗ nào có kiểm dịch” – một nông dân băn khoăn.

Còn một nguyên nhân nữa khiến cho tình hình dịch bệnh trên tôm lan nhanh ở ĐBSCL hiện nay là quy hoạch thủy lợi vẫn còn bất cập. Không ít trường hợp, trên cùng một khúc sông, người này xả nước ra để cải tạo lại vuông thì người khác lại đang bơm nước trực tiếp vào cho tôm. Chính điều này đã làm cho nguy cơ dịch bệnh lây lan nhanh.