Lâm Đồng: Cây mai dương lấn chiếm đất nông nghiệp

Hiện nay, nhiều vùng đất sản xuất nông nghiệp ở Lâm Đồng đang bị cây mai dương lấn chiếm. Tốc độ phát triển, lan rất nhanh của nó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp cũng như sự nguy hại về môi trường.

Cây mai dương còn gọi là cây ma vương, cây cốt khí có gai, cây trinh nữ thân gỗ, có tên khoa học là Mimosa Pigra. Cây mọc rất khỏe, lây lan rất nhanh, không kén đất.

Cây có thể cao đến 2 mét, thân và lá có gai cứng dẫn từ gốc đến ngọn, hoa màu vàng hường, trái đầy lông ngứa, hạt trôi theo dòng nước, phát tán xa theo chiều gió, khi rơi ở đâu là hạt nảy mầm ngay ở đó.

Cây mai dương bùng phát mạnh đã lấn chiếm đất canh tác, làm chết lúa và các loại rau màu trên đồng ruộng, ngăn cản dòng chảy trên kênh mương, gây sát thương cho người và gia súc, làm thay đổi thảm thực vật, hệ động vật… Đặc biệt trong thân cây mai dương có chứa một loại axít amin là mimosin có thể gây độc đối với nhiều loài động vật.

Hiện cây mai dương đang bùng phát mạnh ở hầu khắp các vùng đất trũng, thấp. Nghiêm trọng nhất là ở huyện Đơn Dương. Dọc theo sông Đa Nhim với chiều dài khoảng 25 km, cây mai dương đang xâm lấn ào ạt không chỉ diện tích đất dọc bờ sông mà đặc biệt là lấn vào khoảng 150 ha đất nông nghiệp đang được nông dân canh tác.

Để ngăn chặn sự áo triển ào ạt của loài cây gây hại này, một số địa phương đã hướng dẫn nông dân chặt phát, đào gốc cây mai dương để đốt, phun xịt các loại thuốc hóa học tiêu diệt mầm cây… song do quỹ đất bị mai dương lấn chiếm quá lớn, tốc độ lây lan nhanh, nên hiệu quả thấp và có nguy cơ lan rộng trong thời gian tới.