“Nói không” với dự án gây ô nhiễm

“Dứt khoát không phê duyệt các dự án có công nghệ lạc hậu, sử dụng lao động giản đơn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường” – Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân khẳng định như vậy tại hội nghị triển khai đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai cuối tháng 2 vừa qua. Lãnh đạo UBND các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai… cũng đồng tình “nói không”.

Theo ông Lê Hoàng Quân, đối với những dự án đầu tư mới, thành phố ưu tiên kêu gọi các dự án công nghệ cao, công nghiệp công nghệ cao, dự án mang lại giá trị gia tăng lớn. Đồng thời cam kết không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm mới. Riêng các dự án đã và đang triển khai, ông Quân “hứa” sẽ chỉ đạo kiên quyết di dời, bắt buộc các dự án hoàn chỉnh biện pháp giảm thiểu ô nhiễm. Lãnh đạo các tỉnh trong lưu vực sông Đồng Nai đều khẳng định “không vì mục tiêu tăng trưởng mà phải hi sinh môi trường sống”.

Không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm mới

Bà Trần Thị Kim Vân – phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương – cho biết trong năm 2006-2007 tỉnh đã “nói không” với một số dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cao thuộc ngành dệt nhuộm, “dù đây là những dự án có vốn đầu tư lớn”. Tỉnh Bình Dương chủ trương hạn chế thu hút đầu tư ngoài khu công nghiệp, đặc biệt là các ngành thuộc da, dệt nhuộm…

Ông Ao Văn Thinh – phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai – thông tin Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Đồng Nai đã lên danh mục các ngành nghề chú trọng thu hút đầu tư, trong đó công nghệ cao, sạch được ưu tiên lựa chọn và mời gọi. “Năm 2009, nếu doanh nghiệp hay khu công nghiệp nào ở Đồng Nai không có nhà máy xử lý nước thải đạt chuẩn thì không được hoạt động” – ông Ao Văn Thinh dứt khoát.

Ông Trần Ngọc Thới – phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu – cho rằng thực tế xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường là không đủ “đô”, khiến nhiều doanh nghiệp “lờn thuốc”, chấp nhận đóng phạt nhiều lần. Ông Thới đề nghị cảnh sát môi trường phải vào cuộc mạnh hơn nữa…

Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường Trần Hồng Hà cho biết Bộ Tài nguyên và môi trường cùng chủ tịch UBND của 12 tỉnh, thành thuộc lưu vực sông Đồng Nai sẽ đệ trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét cho thành lập Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai. Dự kiến ủy ban này có 10 nhiệm vụ và quyền hạn như: điều phối và giải quyết các vấn đề mang tính liên vùng, liên ngành trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững lưu vực sông Đồng Nai; kiến nghị sửa đổi các cơ chế, chính sách…

Tháng 12/2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020. Theo đó, ưu tiên bảo vệ, gìn giữ nguồn nước sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt.

Thủ phạm

Theo công bố của Cục Bảo vệ môi trường tại hội nghị, đoạn sông Đồng Nai từ Nhà máy nước Thiện Tân đến Long Đại, Đồng Nai đã bắt đầu ô nhiễm các chất hữu cơ và chất rắn lơ lửng. Nhiều khu vực sông đã bị nhiễm mặn, nước sông không thể sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt và tưới tiêu.

Các sông chính trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai gồm: Đồng Nai, sông Bé, Sài Gòn, Vàm Cỏ và Thị Vải. Một số sông nhánh trong lưu vực như sông Bé, Đa Nhim – Đa Dung, chất lượng nước khu vực ở hạ lưu đang diễn biến theo chiều hướng xấu đi. Hàm lượng sắt trên sông Bé rất cao, vượt tiêu chuẩn nguồn nước loại A từ 10 – 12,5 lần, khiến việc sử dụng nước sông để cấp nước sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn.

Khu vực cầu kênh Xáng (thuộc Tây Ninh, thượng lưu sông Vàm Cỏ Đông) là khu vực chịu ô nhiễm nặng nhất, nhiều tháng trong năm có nồng độ oxy hòa tan trong nước thấp hơn tiêu chuẩn nhiều lần. “Chất lượng nước sông không còn đảm bảo tiêu chuẩn sử dụng cho mục đích cấp nước”.

Sông Thị Vải bị ô nhiễm nhất trong lưu vực, có một đoạn sông “chết” kéo dài đến 10km. Ở đây nước có màu nâu đen, bốc mùi hôi thối cả lúc nước lớn lẫn nước ròng. “Với nồng độ oxy hòa tan trong nước gần bằng không thì các loài sinh vật không còn khả năng sinh sống”, tài liệu của Cục Bảo vệ môi trường nhấn mạnh. Cơ quan chuyên môn còn phát hiện thủy ngân – một loại ô nhiễm độc hại rất đáng sợ – hiện diện tại khu vực cảng Vedan, cảng Mỹ Xuân… trên sông Thị Vải với hàm lượng vượt chuẩn (nước loại B) từ 1,5 – 4 lần. Riêng hàm lượng kẽm ở các khu vực này vượt chuẩn 3-5 lần.

Nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm là từ các nguồn nước thải công nghiệp, khai thác khoáng sản, làng nghề, sinh hoạt, y tế, nông nghiệp… Theo thống kê, các khu công nghiệp và khu chế xuất đóng góp lượng lớn nước thải được xả vào lưu vực sông, trong đó lớn nhất là nước thải từ các khu công nghiệp của Đồng Nai (chiếm hơn 50%), kế đến là TP.HCM hơn 20%…

Ông Ao Văn Thinh cho biết hiện chỉ có 9/19 khu công nghiệp của Đồng Nai có nhà máy xử lý nước thải tập trung. Còn TP.HCM trong những năm qua có nhiều khu công nghiệp hoạt động nhưng không có nhà máy xử lý nước thải tập trung, cho đến gần đây mới được triển khai xây dựng…

Nếu Đồng Nai đứng đầu về nước thải công nghiệp thì TP.HCM đóng góp khoảng 50% nước thải bệnh viện xả vào lưu vực. Hầu hết các bệnh viện và trung tâm y tế đều chưa có hệ thống xử lý nước thải, hoặc đã có nhưng xử lý chưa triệt để. Theo Cục Bảo vệ môi trường, lượng nước thải này được thải trực tiếp vào hệ thống tiếp nhận nước thải sinh hoạt và đưa vào nguồn nước mặt của các sông trong lưu vực. “Đây là nguồn tiềm ẩn nguy cơ lan truyền dịch bệnh qua môi trường nước” – Cục Bảo vệ môi trường cảnh báo.