Đến hẹn lại… lở

Cứ khoảng cuối tháng 1 đầu tháng 2 (âm lịch) hàng năm, kè đê sông Hồng chạy qua địa phận phường Phú Thịnh và xã Yên Sơn (Sơn Tây – Hà Tây) lại sạt lở. Nguy hiểm là thế nhưng chỉ những hộ sống sát mép nước và cán bộ nông nghiệp là lo lắng, còn hầu hết mọi người coi đó là "chuyện cơm bữa"…

Kè gần… 60 tuổi

Nghe tin kè đê lở, sụt gần 10m, vội vàng về Sơn Tây, những tưởng mọi người sẽ lo lắng, hoang mang, nhưng trái lại, họ vẫn “bình chân như vại”. Một người dân trong thành phố Sơn Tây, cách đê khoảng 5km cười hồn nhiên: “à, cái đó gọi là bờ lở. Năm nào chẳng xảy ra. Tôi sống ở đây hơn 30 năm, mỗi năm nó lại lở thêm một ít”.

Từ trung tâm thành phố Sơn Tây ngược theo Đường 32 khoảng 2km là đến sông Hồng. Nhìn từ xa, con đê cong như cánh tay vạm vỡ ôm lấy xóm làng trù phú phía trong. Nhưng khi lên mặt đê quan sát kỹ mới thấy nó chứa đựng nhiều ẩn hoạ. Sông Hồng chảy đến đoạn này bị nắn dòng thành một đường cong lớn, vắt qua địa phận Sơn Tây. Dòng chủ lưu xói thẳng vào bờ hữu thuộc địa phận phường Phú Thịnh và xã Yên Sơn nên bên này thành bờ lở. Gánh chịu sức nước dữ dội chỉ là 2 tuyến kè mềm Hồng Hậu và Tỉnh Đội với chiều dài khoảng 2km.

Ông Phùng Huy Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp Sơn Tây cho biết: “Tuyến kè này được xây dựng vào khoảng những năm 60 của thế kỷ trước. Từ đó đến nay nó chưa hề được tu bổ. Trừ một vài cung sạt được sửa chữa khẩn cấp trong những năm gần đây còn hầu như vẫn nguyên vẹn”. Tuyến kè trông còn “thảm” hơn cả những kênh mương được bê -tông hoá ở nông thôn. Không hiểu vì sao người ta lại có thể yên tâm, tin tưởng tuyến kè này để trị thuỷ sông Hồng, con sông vốn trái tính trái nết bậc nhất của cả nước?

Với “lão” kè này, hàng năm địa phận Sơn Tây lại bị thu hẹp một chút vì dòng sông cứ đều đều bóc từng mảng đất cuốn ra biển. Anh Nguyễn Văn Hà, người dân phường Phú Thịnh chỉ dòng nước đang cuộn đỏ nói: “Ngày xưa chỗ này là một làng gốm lớn có cảng sông, đình làng. Bây giờ đã bị “Hà Bá ăn” hết rồi. Gốm Hồng Hậu vốn nổi tiếng một thời giờ chẳng còn dấu tích gì nữa”. Sát mép sông, nơi anh Hà giới thiệu làng gốm giờ chỉ là bụi tre đã tụt đến tận ngọn.

Điều đáng nói là hiện còn khoảng 511 hộ dân vẫn đang sống ngoài đê, sát mép kè. Trước đây số hộ đông hơn nhưng như thông tin từ Phòng Nông nghiệp cho biết, đã có khoảng 50 hộ thuộc diện nguy hiểm phải di dời vào trong đê. Những hộ còn lại thì đang nhấp nhổm chờ hướng giải quyết từ các cấp chính quyền.

Anh Phùng Thanh Khuất, một người dân có nhà sát kè nói: “Chúng tôi rất lo lắng vì thỉnh thoảng đất lại sạt xuống. Nghe nói có dự án tu bổ lại toàn tuyến kè này và di dời chúng tôi vào trong đê nhưng chẳng biết bao giờ chính quyền mới thực hiện. Mùa mưa lại sắp đến rồi…”.

Nước đến chân mới nhảy

Nguy hiểm là thế nhưng người dân cũng như các cấp chính quyền có vẻ rất thờ ơ. Hiểu rõ và lo lắng nhất là những cán bộ Phòng Nông nghiệp thường xuyên trực canh đê (bị coi là những người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”). Họ có chuyên môn nên lường trước được những hậu quả. Ông Vinh nhăn nhó nói: “Đây là nơi xung yếu, thử tưởng tượng khi có lũ lớn, sức nước mạnh xói thẳng vào những cung sạt chưa kịp gia cố thì rất có thể ăn lủng chân đê. Và hậu quả ai cũng có thể tưởng tượng ra vì Hà Nội thấp hơn Sơn Tây rất nhiều”.

Được biết, trong vòng 5 năm nay, năm nào cũng có cung sạt mới. Ông Lượng, cán bộ trực tại Ban điều hành phòng chống lụt bão tâm sự: “Tôi sống ở đây xấp xỉ 50 năm rồi, nhìn cái kè vừa thương vừa sợ. Thương vì nó mỏng manh thế mà phải chống chọi sức nước dữ dằn của sông Hồng suốt 60 năm qua. Sợ vì chẳng biết nó chịu được đến lúc nào”.

Ông cũng cho biết, hiện nay mọi người mất ăn, mất ngủ theo dõi sát sao từng ngày. Chiến đấu với dòng sông bằng cách giật gấu vá vai, sạt đâu bồi đấy, nứt đâu củng cố đấy, chỗ nào nguy hiểm thì dời dân vào trong. Năm 1994 phải di dời 14 hộ. Năm 1998, di dời 10 hộ. Năm 2003 di dời 4 hộ. Năm 2006 di dời 22 hộ. “Có những hộ sáng vừa di dời, chiều tối cả nhà đổ ụp xuống sông trôi đi mất”.

Việc tu bổ kè theo kiểu cục bộ từng đoạn vừa mất công sức, vừa tốn tiền của mà không hề giảm được nguy cơ. Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp, từ năm 2000 đến nay có đến hàng chục chỗ kè sạt lở. Xử lý xong cung sạt này thì lại xuất hiện cung sạt khác ngay bên cạnh. Nó như quả bong bóng, bóp vào chỗ này thì lại phình ra chỗ khác. Năm 2000 xuất hiện cung sạt K29 + 500, K30 + 600 thì đến cuối năm 2005, đầu năm 2006 xuất hiện cung sạt K30 + 470. Năm 1999 xuất hiện cung sạt K31 + 400 thì đến năm 2006 xuất hiện tại K31 + 500.

Cứ như vậy, tiền của, công sức của nhân dân liên tục đổ vào các cung sạt chỉ mang tính chất tạm thời, vá víu. Trong khi đó hơn 500 hộ dân sống ngoài đê vẫn đang mấp mé với nguy hiểm. Vấn đề này đã có báo cáo lên các bộ, ban ngành. Tuy nhiên, phản hồi lại vẫn chỉ là 2 dự án đang vận hành ì ạch, một là dự án di dời dân, hai là dự án tu bổ tổng thể toàn tuyến kè. Cả hai không biết đến bao giờ mới có kinh phí để dứt điểm. Cho nên, cán bộ, nhân dân dọc tuyến kè này vẫn đang phải gồng mình chống đỡ cùng chiếc kè vá chằng, vá đụp.

Một cán bộ ở Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tâm sự: “Rất buồn cười là cứ đến chính lũ, nước to thấy nguy hiểm thì bao nhiêu tiền cũng cấp, rồi chỉ đạo chúng tôi vá kè, dời dân. Lúc mùa khô, được dự báo trước thì lại chẳng thấy nói gì. Kết cục chỉ khổ dân và cán bộ tại địa phương như chúng tôi”.

Ông Vinh trăn trở: “Lúc này là lúc rất thuận lợi để tu bổ vì nước còn thấp. Chỉ một hai tháng nữa là vào lũ thì thực hiện vừa khó lại vừa tốn tiền của, công sức. Chúng tôi rất mong dự án triển khai sớm để có thể chủ động phòng chống, tránh tình trạng nước đến chân mới nhảy”.

Vừa rồi, mới xuất hiện thêm hai cung sạt, nhưng bờ lở dường như vẫn chỉ là nỗi lo, trách nhiệm của một vài người. Khi bài viết này đến tay bạn đọc cũng là lúc dòng sông tiếp tục mang đi một phần đất đai, sản vật của Sơn Tây.