Chết dần vì… lò than

Hàng ngàn người dân, hàng trăm héc ta vườn cây ăn trái đặc sản nằm xung quanh khu vực lò than ở xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng đang kêu cứu trước vấn nạn khói, bụi. Bệnh tật đã và đang rình rập cư dân, trong khi cây trái đang chết dần, chết mòn.

Cái gì cũng đen!

Lá cây, trái cây… từ màu xanh đã biến thành màu đen; nhà tường mới xây sáng chói nhưng sau vài tháng cũng biến thành… màu đen. Đến những người lao động gánh than cả ngày khạc nước bọt cũng… màu đen! Đó là những gì có thể tận mắt chứng kiến ở các lò than xã Xuân Hòa.

Ông Nguyễn Văn Tế, ấp Hòa Lộc 2 cho biết, nhà ông có 8,5 công vườn trồng bưởi Năm Roi được 6 năm tuổi đang bị khói bụi
lò than bủa vây tàn phá. Bưởi ra hoa bị khói và bụi lò than bám vào làm đen bông, rụng bông…, tỷ lệ đậu trái chưa được 50%.
Những trái nào phát triển được cho đến ngày thu hoạch thì đen sì, phải rửa từng trái, thương lái mới chịu mua nhưng giá thấp. “Vườn cây thì nhiều, vậy mà mấy năm qua bán chẳng bao nhiêu, khổ lắm.

Nếu các ngành chức năng không sớm vào cuộc khắc phục khói, bụi lò than thì vườn cây ăn trái ở đây sẽ bị hủy hoại từng ngày”, ông Tế than. Cũng ở Hòa Lộc 2, ông Huỳnh Ngọc Đảnh lắc đầu cho biết, khu vực này lò than tràn ngập không thể thống kê nổi.

Từ mé sông vào sâu đất liền khoảng 200m lò than mọc lên, chạy dọc tuyến sông dài khoảng 2 cây số. Có hộ đầu tư hơn chục lò. Lò than nhiều đã tranh nhau “nã” khói, bụi vào vườn cây ăn trái và người dân càng lúc càng nghẹt thở.

Trước tình trạng khói, bụi gây ô nhiễm trầm trọng, nhiều hộ dân đã làm đơn tập thể gửûi đến ngành tài nguyên – môi trường huyện, tỉnh kêu cứu. Sau đó, ngành chức năng cử cán bộ đến khảo sát nhưng rồi chẳng thấy gì.

Ông Đảnh cho biết: “Các khu vườn trồng măng cụt, sầu riêng, bưởi… liên tục giảm thu nhập khoảng 10 triệu đồng/năm/ha do phải tăng nhiều phân, thuốc bảo vệ, thuốc tẩy trái cho trái trắng… Nhưng ngặt một điều là cho dù nhà vườn cố gắng tốn công tốn của chăm sóc đến mấy thì năng suất mỗi năm cũng giảm 20% – 30%”.

Bệnh tật đe dọa con người

Khói, bụi từ các lò than tuồn ra khiến vườn cây, gia súc, gia cầm và sức khỏe con người đang bị đe dọa. Ông Hùng, chủ 2 miệng lò tại ấp Hòa Thành, xã Xuân Hòa thẳng thắn thừa nhận: “Tôi biết làm lò than là ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cộng đồng. Khói lò than độc hại hơn khói lò gạch, mùi khói rất ngạt, cay, bụi than rất mặn”. Cũng theo ông Hùng, những người làm lò than rất dễ bị bệnh đường hô hấp, bệnh viêm phế quản…

Thật ra, ai cũng biết làm lò than độc hại nhưng vì chén cơm manh áo nên đành “nhắm mắt” mà làm. Nhiều người so sánh, 4 – 5 công vườn chưa chắc gì thu nhập nhiều bằng 2 lò than nên dù bệnh tật họ cũng đành chấp nhận. Điển hình như ông Hùng làm nghề lò than đã trên 20 năm, từ cái lò nhỏ đến nay đã được 2 miệng lò lớn nuôi sống cả nhà.

Chính từ lợi nhuận cao nên 5 năm gần đây, hàng loạt lò than mọc lên nhưng chẳng thấy các ngành chức năng lên tiếng. Ông Nguyễn Văn Vẹn, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Hòa, cho biết: “Ước tính toàn xã có trên 268 hộ làm nghề với 600 miệng lò, tập trung nhiều nhất là các ấp Hòa Lộc 1, Hòa Lộc 2, Hòa An, Hòa Thành”.

Với hàng trăm miệng lò nhả khói, bụi ngút trời như vậy đã và đang tàn phá hàng trăm héc ta vườn cây đặc sản. Bệnh tật là mối lo rình rập 10.000 nhân khẩu đang sống xung quanh.

Thời gian qua, chính quyền xã đau đầu vì tình trạng ô nhiễm ngày càng báo động nhưng chưa tìm được cách giải quyết. Lãnh đạo xã Xuân Hòa đã kiến nghị đến các ngành chức năng huyện, tỉnh nhờ giúp sức nhưng đến nay vẫn giậm chân tại chỗ .