Thiếu điện : đến hẹn lại lên

Vừa mới chớm đầu mùa khô mà tình hình thiếu điện đã trở nên căng thẳng. Nhiều khu vực trên địa bàn Hà Nội và một số địa phương đã bị cắt điện vào giờ cao điểm.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), do một loạt sự cố tại các nhà máy điện BOT cùng với việc chậm trễ đi vào hoạt động các nhà máy điện mới là nguyên nhân gây ra thiếu điện.

Tháng 12/2007, dự kiến điện lượng bình quân/ngày trên hệ thống cần 192 triệu KWh, với công suất lúc cao điểm là 11.200MW, thì công suất khả dụng chỉ có từ 9.600-9.800MW, thiếu khoảng 1.400-1.600MW.

Hiện nay 2 tổ máy (mỗi tổ 360MW) của Nhiệt điện BOT Phú Mỹ 2-2 và Phú Mỹ 3 đang phải ngừng phát điện để sửa chữa.

Tổ máy số 1 của Phú Mỹ 3 bị sự cố máy biến thế từ tháng 05/2007 đến nay, còn một tổ máy của Phú Mỹ 2-2 dự kiến ngày 15/12/2007 đi vào hoạt động nhưng trong quá trình sửa chữa, phát hiện bị nứt tầng cánh của turbin, phải mang sang Singapore sửa.

Nguồn điện lớn nữa cũng không huy động được là Cà Mau 1, mùa khô năm 2007 đã phát điện chu trình đơn (500MW), nay buộc phải xuất ra khỏi lưới để hoàn tất chu trình hỗn hợp (lắp đặt thêm đuôi hơi). Nhiệt điện Uông Bí mở rộng đang trong quá trình chạy thử không ổn định nên chưa huy động được đủ 300MW.

Để giải quyết nguy cơ thiếu hụt nguồn điện vào cao điểm mùa khô, EVN cho biết đang tích cực phối hợp với chủ đầu tư các nhà máy BOT thuê máy biến áp tại Singapore về thay thế cho tổ máy Phú Mỹ 3, đưa tổ máy Phú Mỹ 2-2 sang Singapore sửa, cố gắng trong tháng 01/2008 đưa vào vận hành.

Bên cạnh đó là chỉ đạo các đơn vị cố gắng ở mức tối đa để khôi phục và đưa vào vận hành các nguồn điện Cà Mau 1 khoảng tháng 04/2008, Uông Bí, Đại Ninh trong tháng 12/2007 thì sẽ đảm bảo lấy lại 1.500MW. Ngoài ra, để đảm bảo bù đắp sản lượng cũng như công suất thiếu hụt trên hệ thống, EVN chấp nhận huy động cả các nguồn điện đắt tiền như nhiệt điện chạy dầu (FO, DO) và những nguồn diesel hiện có, chủ yếu là chạy phủ đỉnh vào các giờ cao điểm để tránh phải cắt điện.

Nhưng theo các chuyên gia, những nguồn điện mới kỳ vọng sẽ bổ sung vào hệ thống điện quốc gia trong những tháng đầu năm 2008 khó có khả năng đúng tiến độ.

Việc sửa tổ máy Phú Mỹ 2-2 tại Singapore cố gắng hoàn thành và đưa vào vận hành trong tháng 01/2008 là điều rất khó thực hiện bởi thời gian quá gấp, theo kế hoạch ban đầu phải tới tận tháng 05/2008 mới sửa chữa xong.

Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án Khí điện đạm Cà Mau với tiến độ thi công hiện nay, thì chu trình hỗn hợp của Nhà máy Điện Cà Mau 1 sẽ hoà đồng bộ tổ máy tua-bin hơi – máy phát điện vào ngày 25/01/2008 và vận hành thương mại chu trình hỗn hợp vào ngày 30/03/2008. Đối với Nhà máy Điện Cà Mau 2, dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 15/06/2008. Tuy nhiên, đây mới chỉ là dự kiến và điều này cũng chưa phải là chắc chắn. Như vậy, khả năng đi vào vận hành của hai nguồn điện lớn nhất và được trông chờ để cứu mùa khô năm 2008 là Cà Mau 1 và Cà Mau 2, với tổng công suất lên tới 1.500 MW vẫn rất mong manh.

Còn nhiệt điện Uông Bí mở rộng I, theo báo cáo của Đoàn kiểm tra các công trình điện của Chính phủ mới đây cho biết, dự kiến là sẽ chạy tin cậy vào tháng 03/2008 và phát điện tin cậy vào tháng 04/2008, việc đưa vào vận hành tin cậy sớm hơn là rất khó. Bên cạnh đó, Thuỷ điện Đại Ninh cũng đang chậm tiến độ.

Điều đáng nói nữa là, khi các nguồn điện mới không thể đưa vào vận hành như mong đợi thì việc tích nước tại các hồ thuỷ điện cũng gặp phải khó khăn lớn. Nước hồ thủy điện năm nay được đánh giá là tích khó hơn các năm trước bởi phải phát điện đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải cao, trong khi diễn biến thời tiết rất khó lường.

Với tình hình này, nguy cơ đối mặt với một mùa khô căng thẳng về điện là khó tránh khỏi.

Mới đây, ông Thái Phụng Nê, phái viên Thủ tướng Chính phủ đã có báo cáo lần thứ 2 về tiến độ các dự án nguồn điện, một lần nữa cho thấy, tình trạng chậm tiến độ vẫn là phổ biến. Tuy nhiên, tiến độ chậm mà không có được những giải pháp thực sự đột phá khiến cho nhiều người e ngại về nguy cơ thiếu điện.

Theo đoàn kiểm tra, phần lớn các dự án dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2008 – 2009 đều bị chậm từ 2 đến 4 tháng, thậm chí là 2 năm so với tiến độ. Theo đánh giá của đoàn kiểm tra, vai trò của tổng thầu không được phát huy đầy đủ và khó chủ động trong điều hành do các nhà thầu đã được cổ phần hoá.

Trước đây, nhiều dự án nguồn điện đã được giao cho tổ hợp các nhà thầu trong nước triển khai. Tuy nhiên, cách đây 4-5 năm, các nhà thầu này là những doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thì “lọt sàng xuống nia” còn được, giờ đây, nhiều nhà thầu đã trở thành công ty cổ phần nên đòi hỏi vấn đề hiệu quả rất gắt gao, nhất là trong điều kiện giá vật tư, máy móc thiết bị đã nâng lên mặt bằng mới cao hơn. Chính vì vậy, nếu không có những chế tài cần thiết sẽ càng khiến công trình đã chậm lại chậm hơn.