Những "hố bom" thời bình (Kỳ 1)

Tỉnh Long An đang phát triển công nghiệp. Nhiều khu, cụm công nghiệp đã và sẽ ra đời. Long An có chương trình dân sinh vùng lũ với hàng trăm cụm, tuyến dân cư vượt lũ. Nhu cầu đất, cát cho san lấp mặt bằng khá cao. Một lĩnh vực kinh doanh mới đã xuất hiện – khai thác đất san lấp. Hàng ngàn hécta đất nông nghiệp (NN) bỗng chốc bị "khai tử" mà không cần những đánh giá nghiêm túc về hậu quả để lại…

Trong chiến tranh, tỉnh Long An bị bom đạn cày xới tan nát. Sau ngày miền Nam giải phóng, hàng ngàn hố bom đã được san lấp nhường chỗ cho cây lúa, cây tràm. Ngày nay, trên vùng đất đã liền da ấy, bỗng nhiên xuất hiện hàng ngàn “hố bom” mới, rộng và sâu hơn nhiều lần những hố bom chiến tranh.

Vào Internet (Google Earth) để quan sát Trái đất từ vũ trụ, chúng tôi phải ngỡ ngàng khi những bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy nhiều vùng đất ở Long An nham nhở những “hố bom”. Thực ra đó là những cái hố khổng lồ còn lại sau khi người ta khai thác hầm đất.

Nóng bỏng chuyện đất hầm

Vào tháng 06/2007 đã xảy ra một vụ thanh toán có rút súng xung quanh chuyện khai thác hầm đất ở huyện Đức Hoà. Đó là một trong những bằng chứng cho thấy trong việc khai thác hầm đất đang manh nha một “thế giới ngầm” với đầy đủ các đặc tính: Tranh giành siêu lợi nhuận, vi phạm pháp luật, phân chia lãnh địa, luật ngầm…

Trong năm 2007, trên địa bàn tỉnh Long An có khoảng 100 dự án (DA) khai thác đất san lấp nằm trong tay khoảng 30 doanh nghiệp (DN), cá nhân. Khu vực khai thác đất được gọi là “mỏ đất” hoặc “hầm đất”. Từ năm 2006 trở về trước, ai tìm được “mỏ” (mua lại ruộng của dân), thì chạy lo thủ tục làm DA. Từ 2007 trở đi, “mỏ đất” không được chọn tuỳ tiện nữa mà có khu vực quy định của tỉnh. Nhưng dù tự kiếm “mỏ” hay khai thác theo quy hoạch, thì việc “chạy” DA, “cò” hầm đất, rồi sang tay lấy chênh lệch luôn diễn ra nhộn nhịp. Theo quy định, DN khai thác đất san lấp phải có đủ phương tiện và năng lực, phải làm thủ tục thuê đất của Nhà nước, rồi khoan thăm dò, tác động môi trường…

Chủ DA cũng phải có hợp đồng với một công trình phát triển nào đó để tiêu thụ đất (thường là các khu công nghiệp). Khai thác xong, đất được trả về cho địa phương quản lý sau khi đắp bờ bao, trồng cây, rào chắn… Thế nhưng giữa quy định và thực hiện là cả một khoảng cách. Thường thì một số người có “khả năng” chuyên lo “chạy” DA. Xong bán sang tay cho những người khác hoặc “ngụy trang” bằng các hợp đồng “liên doanh”.

Người ta bán “hầm” ngay khi DA còn chờ ký duyệt. Rồi lại sang tay khi đã có giấy phép. Có những DA được sang tay 3-4 lần. Tất nhiên là chuyện mua bán giữa họ không hề khai báo (vì không hợp pháp), không nộp thuế. “Chạy” được 1 DA, người ta kiếm tiền tỉ là chuyện bình thường. Chỉ sau năm ba năm “cạp đất”, khá nhiều người “chạy” DA đã phất lên thành “đại gia” với tài sản hàng chục tỉ đồng.

Chính Giám đốc Sở TNMT Long An Nguyễn Văn Thiệp cũng nhìn nhận, do còn kẽ hở trong quản lý khai thác đất san lấp nên một số DN đã lợi dụng. Cũng theo ông, việc quản lý khoáng sản ở Long An còn quá mới mẻ vì ở đây không có mỏ, nên khi chuyển quản lý đất đai sang hình thức quản lý mỏ, có gặp lúng túng thời gian đầu.

Chùm khế ngọt…

Người ta tranh nhau xin DA khai thác hầm đất vì lẽ đơn giản đó là lĩnh vực siêu lợi nhuận. Ai cầm được giấy phép trong tay, có nghĩa là đã cầm những tờ vé số trúng độc đắc. Hãy xem cách người ta “khai thác” một DA để thấy lợi nhuận thế nào. Mỏ đất Lập Điền (ấp Lập Điền, xã Tân Mỹ, Đức Hoà) có diện tích 14,48ha, do Cty TNHH Thành Hậu “chạy” giấy phép. Ngay khi còn đang lập hồ sơ xin giấy phép, tháng 11/2005, Cty này đã “nhượng” cho Cty Bá Trường Thọ một phần diện tích, với giá 375 triệu đồng/ha (trong khi giá bồi hoàn cho dân chỉ khoảng từ 10.000đ – 18.000đ/m2).

Tháng 06/2006, Cty Thành Hậu lại “bán” cho Cty CPĐT&VL Đồng Nai, với giá gần 460 triệu đồng/ha. Tháng 04/2007, đến lượt Cty Bá Trường Thọ nhượng lại cho Cty Bình Nhật diện tích 3,6ha, với giá 670 triệu đồng/ha.Trong khi DA khai thác đất ở ấp Lập Điền cho đến thời điểm ấy vẫn chưa được cấp phép, người dân còn đang thưa kiện chuyện lấy ruộng của họ. Ông Cao Văn Nù – Bí thư Chi bộ ấp – cho biết, DA này cho phép khai thác đất bưng bị nhiễm phèn, nhưng nhà đầu tư lấn lên đất NN đang canh tác. Có người không chịu bán, thì bị doạ “cho trở thành ốc đảo” khi ruộng 4 phía trở thành hầm đất. Nhiều cán bộ hưu trí xã Tân Mỹ đã kiến nghị các cấp có thẩm quyền không cho khai thác đất NN san lấp mặt bằng.

Ông X – nguyên là cán bộ lãnh đạo huyện Đức Hoà – tỏ ra bức xúc trước tình hình khai thác đất tràn lan như hiện nay. Ông cho biết, hơn 10 năm trước, huyện Đức Hoà đã quy hoạch vùng khai thác đất san lấp là khu vực đất gò ở các xã An Ninh, Lộc Giang. Việc khai thác đó chẳng những không “bức tử”, mà còn có thể cải tạo đất gò thành ruộng trũng, canh tác tốt hơn. Nhưng thế hệ sau đã không nghĩ như thế.

Ông H – một người trong giới mua bán sang tay các hầm đất – cho biết, dù giá bán chênh lệch thấy rõ như thế và họ cũng lách được thuế thu nhập, nhưng “tính hết chi phí không còn bao nhiêu”. Ông cho biết, “chi phí” để có DA không phải thấp, “chi phí” sau khi có DA lại càng cao. Theo quy định, DA phải đảm bảo các biện pháp an toàn, như đường vận chuyển đất theo tuyến kinh phải làm kè, xây đê chắn chống sạt lở. Rồi xe đổ đất phải phủ bạt kín mui, đất không được rơi vãi, không được chở quá tải, quá khổ. Rồi phải đảm bảo không ô nhiễm, phải tưới nước, rửa đường…

Ông H nói: “Nếu tuân thủ đúng các quy định thì khai thác hầm đất không có lời nhiều. Nhờ lách luật nên mới siêu lợi nhuận”. Trong vai một người đi hợp đồng đổ đất xây dựng nhà máy, chúng tôi đã tiếp xúc với một “đầu nậu” tên L. Ông L ra giá: Đất đến tận nơi giá 24 ngàn đồng/m3, nếu mua tại hầm (người mua tự “lo đường” và phương tiện vận chuyển) giá 15 ngàn đồng/m3. Nếu giao ông lo “đường đi” thì phải thêm “2 phân”, tức 17 ngàn đồng/m3. Điều đó có nghĩa, để “lo” cho chuyện sạt đường, quá tải, rơi vãi…, mỗi hécta đất khai thác phải “chi” trên 100 triệu đồng. Có lẽ vì vậy mà những con đường nhựa mới làm ở Đức Hoà phải ngày đêm oằn mình gánh “xe vua” quá tải, nay nhiều đoạn đã xuống cấp.

Bất chấp luật pháp

Nghị định 68/CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Khoáng sản, ghi rõ: “Việc khai thác các loại đất nhằm mục đích cung cấp vật liệu san lấp trong xây dựng công trình đô thị, bảo đảm những yêu cầu sau: Đất xin khai thác không phải là đất NN, đất rừng phòng hộ; hoạt động khai thác không gây tác động xấu đến môi trường sinh thái”.

Trong số gần 200 giấy phép khai thác đất san lấp mà UBND tỉnh Long An đã ký cấp cho các DN, phần nhiều là đất NN chuyển mục đích sử dụng. Hàng ngàn hécta đất NN ở Long An đang bị “bức tử”. Không chỉ đất NN loại 5, loại 6 bị “xẻ thịt”, mà cả đất NN loại 4, loại 3; thậm chí loại 2, loại 1 cũng chịu chung số phận. Cách trung tâm tỉnh lỵ Tân An chừng vài km, trên một cánh đồng trồng lúa 3 vụ ở xã Nhơn Thạnh Trung có một “hố bom” rộng 2ha.

Theo thống kê của tỉnh Long An làm cơ sở cho Chính phủ ban hành Nghị quyết số 8/2007/NQ-CP về quy hoạch sử dụng đất ở Long An đến năm 2010, thì vào năm 2005 tỉnh Long An có 99ha đất được khai thác “sản xuất vật liệu xây dựng, gốm sứ” (trong đó bao gồm cả đất khai thác cho san lấp). Nhưng trên thực tế, không ai có thể thống kê diện tích đất đã bị “xẻ thịt” đến thời điểm đó và đến hiện nay. Bởi ở Long An có nhiều “hầm đất” đã được khai thác xong, nhưng lại không có trong danh sách DA đã được cấp phép của tỉnh. Giám đốc Sở TNMT Long An Nguyễn Văn Thiệp, cho biết, do trước đây phân cấp hầm đất dưới 5.000m2 do huyện cấp phép, tỉnh không quản lý. “Vận dụng” sự phân cấp đó, suốt một thời gian dài nhiều huyện đã cấp phép tràn lan khai thác đất, cả những hầm có diện tích trên 5.000m2, mà xã Thuận Nghĩa Hoà (huyện Thạnh Hoá) là một thí dụ.

Tuỳ theo địa hình mà ngành TNMT cho phép khai thác độ sâu đến 8 hay 10 mét, trường hợp đặc biệt lắm mới cho 12 mét. Thế nhưng, rất nhiều hầm đất khai thác sâu trên 12 mét. Không ít hầm sâu từ 15 đến 20 mét. Thường thì người ta khai thác sâu đến khi nào hết được nữa thì mới thôi. Chủ hầm nào càng có tay nghề cao, khai thác được càng sâu, thì càng lời nhiều. Trên địa bản tỉnh Long An, không phải mọi mỏ đất đều có khảo sát, thăm dò, lập dự án quy hoạch… Nhiều hầm đất đã khai thác xong, thành những “hố bom”, nhưng không hề có bất kỳ thủ tục nào theo quy định quản lý khoáng sản. (còn tiếp)

Tiến sĩ Phùng Chí Sĩ – Q.GĐ Trung tâm Công nghệ môi trường – Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam – cho biết, luật pháp Việt Nam quy định khá đầy đủ về việc khai thác khoáng sản. Trước khi khai thác phải có quy hoạch, có phương án “hoàn thổ” (tức sau khi khai thác xong sẽ sử dụng diện tích đã khai thác vào mục đích gì), có báo cáo đánh giá tác động môi trường… Nếu không làm đúng quy trình này, hoặc đúng quy trình mà vi phạm các nội dung của nó, đều vi phạm pháp luật.