Hơn 7 năm sống chung với nước thải chăn nuôi

Đó là tình trạng của hơn 4.000 người dân ở 2 ấp Tân Cang và Tân Lộc thuộc xã Phước Tân, huyện Long Thành (Đồng Nai). Từ năm 2000 đến nay, người dân 2 ấp này phải hứng chịu nguồn nước thải từ các trại nuôi lợn ở xã Bắc Sơn thuộc huyện Trảng Bom. Từ một con suối trong lành trước đây cung cấp nước sinh hoạt cho người dân sống dọc 2 bờ, nay đã trở thành "suối chết" với dòng nước đen ngòm và mùi hôi thối xông lên nồng nặc, ruồi nhặng bu đen suốt một đoạn dài hơn 1 km. Một số giếng đào của các hộ dân 2 bên bờ phía hạ lưu con suối hiện không sử dụng được. Nhiều nhà phải khoan đi, khoan lại nhiều lần vẫn không chắc nguồn nước sinh hoạt có đảm bảo vệ sinh.

Nguyên nhân gây nên tình trạng trên là tại khu vực thượng nguồn suối Tân Cang có 2 doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn (hàng chục ngàn con) ở ấp Phú Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, đó là Công ty cổ phần chăn nuôi heo Phú Sơn và Xí nghiệp chăn nuôi heo Thanh Bình.

Ngoài ra còn hàng chục hộ chăn nuôi ở ấp Phú Sơn cũng có các trại nuôi lợn từ vài trăm con đến cả ngàn con. Tất cả nguồn chất thải của 2 doanh nghiệp và các hộ dân nói trên ngày đêm không ngừng xả ra suối Tân Cang, gây hậu quả khôn lường cho các hộ dân sống phía hạ lưu dòng suối.

Ông Lê Văn Mẽ, Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi Phú Sơn – nơi hiện có đàn lợn 22.000 con thừa nhận: Biết nguồn nước do Công ty thải ra gây ô nhiễm, mặc dù Công ty đã cố gắng xử lý nhưng nguồn nước thải ra suối Tân Cang vẫn chưa đạt tiêu chuẩn về môi trường. Trước đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai phải tìm mọi cách xử lý triệt để nguồn nước thải, Công ty chăn nuôi Phú Sơn kiến nghị chờ thêm thời gian nữa vì đang làm thủ tục để hợp tác với một công ty nước ngoài chuyên mua bán khí thải. Trong khi chờ đợi, nguồn nước thải vẫn lặng lẽ đổ ra suối Tân Cang.

Còn Xí nghiệp chăn nuôi Thanh Bình cũng chỉ làm các bể lắng lọc phân lợn tại chỗ, nhưng rồi nước thải chăn nuôi vẫn tràn ra đổ vào con suối. Trong khi đó chính quyền địa phương ở 2 xã Bắc Sơn và Phước Tân cho biết: Do không có thẩm quyền để giải quyết ô nhiễm môi trường nên đành chịu! Trong khi chờ đợi quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung của tỉnh, người dân ở xã Phước Tân vẫn phải hứng chịu cảnh sống chung với nước thải từ các trại chăn nuôi và chưa biết đến bao giờ, tình trạng trên mới chấm dứt.