Mạng lưới buôn lậu hổ, báo trên dãy Himalaya

Là nơi trú ngụ của 50% số hổ hoang dã trên thế giới, Ấn Độ trở thành mục tiêu chính của những kẻ buôn da thú quý hiếm. Sự gắn kết trong hoạt động của các thương nhân ở nước này với những kẻ "cùng hội cùng thuyền" tại Nepal không phải là điều gây ngạc nhiên. Lí do là cho tới tận đầu những năm 1990, Nepal vẫn đóng vai trò là trung tâm của việc buôn bán da, lông động vật, kể cả những loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Thủ đô Kathmandu của Nepal không còn là thị trường béo bở cho hoạt động buôn lậu da thú như trước đây, nhưng nơi này vẫn là một địa bàn hoạt động quan trọng cho những vụ vận chuyển trái phép da hổ, báo từ Ấn Độ tới Tây Tạng và các vùng đất khác thuộc Trung Quốc. Trong đường dây này, Tây Tạng là điểm đến cuối cùng của nhiều mặt hàng buôn lậu.

Con đường buôn lậu

Đối với vụ buôn lậu tại Tây Tạng hồi tháng 10/2003, các tấm da bị tịch thu chắc chắn có xuất xứ từ Ấn Độ. Điều này không chỉ được khẳng định trong các bài báo của tờ Times of India mà còn qua sự hiện diện của 3 người Tây Tạng trong 2 tháng tại thị trấn Shiquanhe ở phía tây vùng tự trị, giáp biên giới với Ladakh, Ấn Độ.

Trong thực tế, theo văn phòng chống buôn lậu của cục hải quan Lhasa, cảnh sát trước đó từng ngăn chặn âm mưu vượt biên giới trái phép sang Ấn Độ của 3 nhân vật khả nghi này. Các điều tra viên khẳng định với EIA, các nghi can đã không tiết lộ điều gì về những kẻ chủ mưu thương vụ, dù phải đối mặt với án phạt tù kéo dài.

Những kẻ này sợ các ông trùm hơn việc phải “bóc lịch” trong trại giam cả phần đời còn lại. Luật pháp Trung Quốc quy định, nếu bị bắt quả tang mang theo dù chỉ 1 tấm da hổ cũng có thể phải lĩnh án tới 10 năm tù giam.

Các bằng chứng đã đưa EIA tới Kathmandu vào năm 2002. Vì tình hình an ninh tại đây lúc đó đang suy yếu nên các điều tra viên EIA được thông báo: nạn buôn lậu các sản phẩm hoang dã, kể cả da động vật, đã lắng xuống trước việc thiết lập hàng loạt các trạm kiểm soát khắp đất nước.

EIA cũng gặp gỡ một số cá nhân dính líu tới vụ thu giữ hàng buôn lậu Khaga, lớn nhất Ấn Độ năm 2000. Dù không sẵn lòng thảo luận trực tiếp về việc buôn bán da động vật quý hiếm, nhưng những người này chứng tỏ họ có những mối quan hệ và khả năng vận chuyển hàng hóa dễ dàng giữa Nepal và Tây Tạng.

Một nhân vật cũng công khai thừa nhận đã buôn lậu đồ cổ ra khỏi Tây Tạng. Một người khác, dù phủ nhận sự liên can cá nhân tới việc kinh doanh da, đã để lộ ra những thông tin mới về hoạt động này như các trung tâm thu mua và phân phối da ở Ấn Độ là Delhi và Lucknow. Các tấm da tới Lhasa được dùng để may trang phục truyền thống và các con đường buôn lậu chính từ Ấn Độ là thông qua Ladakh và Shimla, thẳng tới Tây Tạng.

Với nhiều vụ thu giữ giữa Ấn Độ – NepalNepal – Tây Tạng, không có thêm thông tin mới về con đường Ladakh. Tuy nhiên, đây là tuyến đường thường được sử dụng để buôn lậu xương và da hổ từ Ấn Độ vào đầu những năm 1990.

Vào tháng 08/1993, vụ thu giữ 287 kg xương hổ, 8 tấm da hổ và 43 tấm da báo đã thức tỉnh công luận về việc kinh doanh xương động vật quý hiếm ở Delhi. Những cá nhân bị bắt bao gồm Pema Thinley, một người Tây Tạng sống ở Ladakh và Mohammed Yakub.

Thinley thừa nhận chuyến hàng này đang trên đường vận chuyển lậu tới Trung Quốc qua Ladakh. Đây cũng là tuyến đường vận chuyển số da động vật bị thu giữ ở Tây Tạng hồi tháng 10/2003.

Nhiều tấm da hổ, báo được vận chuyển trái phép trên một chiếc xe tải. Những kẻ điều hành rất tự tin về việc tránh được sự kiểm tra, có thể vì chúng đã sử dụng tuyến đường này nhiều lần trước đó. Các cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được phải mất bao nhiêu thời gian mới tập hợp được các tấm da ở Ấn Độ hay làm cách nào số hàng quý hiếm này được vận chuyển qua vùng đồng bằng tới khu vực biên giới.

Để hiểu thêm về thị trường, EIA đã lần theo dấu vết các chuyến hàng tới Lhasa. Việc đánh giá toàn bộ quy mô và thực chất hoạt động kinh doanh da hổ, báo và rái cá ở Lhasa là không khả thi. Nhưng người ta nhanh chóng phát hiện ra có hai thị trường riêng biệt dành cho mặt hàng da động vật quý hiếm ở Tây Tạng.

Đó là thị trường địa phương phục vụ nhu cầu may mặc các trang phục truyền thống và thị trường xuất khẩu. Các du khách từ Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Đài Loan và châu Âu mua da hổ, báo để trang trí nhà cửa và mang lậu chúng ra khỏi Tây Tạng trong những hành lý cá nhân.

Khu Barkhor tại Lhasa là điểm viếng thăm yêu thích của nhiều du khách và là trung tâm tôn giáo của cả thành phố. Ở chính giữa Barkhor ngự trị ngôi đền Jokhang, bao quanh bởi một mê cung các con phố hẹp và ngõ hẻm, chật ních các loại cửa hàng phục vụ khách tham quan và những người hành hương.

Trước một số các cửa hàng bán đồ dệt, may, có trưng ra các ma-nơ-canh khoác trên mình trang phục làm từ da động vật quý hiếm.

Qua trò chuyện với chủ hai cửa hàng khác nhau, đại diện EIA đã xác thực được rằng các tấm da này được may từ da báo và rái cá thứ thiệt. Các điều tra viên cũng được tận mắt chứng kiến những tấm da của nguyên một con báo ở những căn phòng phía sau các cửa hàng.

Trong một cửa hàng, da được thuộc và gập lại rất tinh xảo cùng một cách với những tấm da bị thu giữ ở Ấn Độ, Nepal và Tây Tạng. Chủ cửa hàng đề nghị bán cho các điều tra viên EIA giả trang thành khách hàng một tấm da báo nguyên vẹn với giá 850 USD. Người này tuyên bố ông ta vẫn thường xuyên có những thương vụ như vậy với các khách hàng Trung Quốc và châu Âu.
Chủ hàng này giải thích, vì da được thuộc rất tốt nên có thể dễ dàng gập lại và bỏ giữa đống quần áo trong một vali mà máy soi kiểm tra của hải quan không thể phát hiện được. Ông ta cũng khoe là đang có một tấm da hổ nhưng quả quyết nó quá đắt đối với khách du lịch. Ông ta nói thêm rằng khách mua da hổ luôn là những người Trung Quốc giàu có, sẵn sàng chi tới 10.000 USD cho những tấm da dùng để phủ quanh ghế ngồi hoặc treo trên tường.

Đối phó

Hoạt động buôn bán da thú quý hiếm đặc trưng bởi sức chống chịu bền bỉ của mạng lưới tội phạm. Những kẻ điều hành các đường dây buôn lậu vẫn duy trì được hoạt động trái phép bất chấp hàng loạt các vụ thu giữ ảnh hưởng tới công việc làm ăn của chúng.

Bọn chủ đường dây có tiền, ảnh hưởng và dường như đủ “rắn” để đảm bảo rằng không một ai trong số những thợ thuộc da hay bọn vận chuyển tự do khai báo với các nhà chức trách khi bị bắt. Với lợi nhuận khổng lồ có thể thu được và sự buông lỏng kiểm soát của các cơ quan chức năng, chúng có thể mạo hiểm tiến hành những chuyến hàng lậu lớn hơn và có giá trị cao hơn.

Trong khi Ấn Độ, Nepal và Trung Quốc đáng được hoan nghênh về những vụ thu giữ đã tiến hành, họ và phần còn lại của cộng đồng thế giới không nên sao lãng sự thật là việc kinh doanh da động vật quý hiếm đang diễn tiến vượt ngoài tầm kiểm soát và rằng cần có những nỗ lực hợp tác mới để đối phó với vấn nạn này.

Theo EIA, Trung Quốc đã cố gắng phối hợp với Ấn Độ và Nepal sau vụ thu giữ chuyến hàng lớn ở Tây Tạng năm 2003. Ấn Độ cũng nỗ lực liên lạc với Trung Quốc về vấn đề này vài tháng sau đó. Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại những trở ngại đối với tính hiệu quả của sự chia sẻ thông tin giữa các nước này.

Trong khi các nhà chức trách Ấn Độ hiểu mơ hồ về các thị trường tiêu thụ các mặt hàng da thú thì những người đồng nghiệp Trung Quốc không được thông báo đầy đủ về các biện pháp săn bắn trộm và phương thức thuộc da hổ, báo. Điều này có nghĩa bức tranh toàn cảnh về hoạt động kinh doanh trái phép còn lờ mờ và những cơ hội triệt phá các đường dây buôn lậu đang bị lãng phí.

Dù tích cực tham gia công tác chống buôn lậu nhưng hoạt động này ở Ấn Độ vẫn không hiệu quả, chủ yếu do chính quyền không coi tội liên quan tới động vật hoang dã là nghiêm trọng. Trong số 748 vụ kinh doanh trái phép da hổ, báo và rái cá bị phát hiện thì chỉ có 14 nghi phạm bị kết tội.

Thêm vào đó, quốc gia này vẫn chưa thành lập một cơ quan chuyên trách việc đối phó với những vi phạm kiểu này. Chính vì vậy, các cuộc điều tra tội phạm chỉ được tiến hành một cách tình cờ hoặc khi có thông tin do các tổ chức phi chính phủ cung cấp.

Mãi tới gần đây, luật bảo vệ thế giới hoang dã có từ năm 1972 của Ấn Độ mới được sửa đổi và tăng hình phạt đối với những kẻ buôn lậu da hổ, báo từ 1 năm tù giam lên 7 năm tù giam và số tiền nộp phạt tối thiểu từ 108USD lên 216 USD. Nếu tái phạm, số tiền phạt sẽ lên tới 450 USD và toàn bộ số tang vật sẽ bị thu giữ.

Tại Nepal, chính phủ chủ yếu tập trung sự chú ý vào tình hình bất ổn trong nước. Tuy nhiên, do đã kí kết CITES, nên Nepal có nghĩa vụ phải tuân thủ các quy định và ngăn chặn hoạt động buôn lậu quốc tế. Sự thiếu hợp tác chặt chẽ với Ấn Độ đã dẫn tới lỗ hổng lớn trong chiến lược trấn áp bọn tội phạm kinh doanh thú quý hiếm. Tuy nhiên, các nhà lập pháp đã sửa đổi luật và tăng hình phạt đối với những kẻ dính líu đến việc giết hại hổ, báo trái phép lên 670-1350USD tiền phạt và án phạt tù từ 5-10 năm.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, các tội gây hại cho động vật hoang dã hiện bị xử phạt rất nặng. Việc sở hữu dù chỉ 1 tấm da hổ cũng có thể dẫn tới án phạt tù 10 năm cộng khoản tiền phạt gấp 10 lần giá trị vật sở hữu trái phép và bị tịch thu toàn bộ lợi nhuận thu được từ việc buôn lậu.