TPHCM: Nhìn đâu cũng thấy ô nhiễm

Ngày 02/08, Hội đồng Nhân dân (HĐND) TPHCM đã có buổi làm việc với Sở Tài nguyên – Môi trường (TNMT) để giám sát về các hoạt động bảo vệ môi trường. Qua buổi giám sát cho thấy, chưa bao giờ vấn đề môi trường của thành phố lại đáng báo động như hiện nay.

Hơn 10 triệu người sử dụng nguồn nước ô nhiễm
Kết quả quan trắc chất lượng nước mặt của hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai – nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho toàn bộ 8 triệu cư dân TPHCM nói riêng và các tỉnh, thành miền Đông Nam Bộ khác – đã bị ô nhiễm trầm trọng. Chẳng hạn, kết quả quan trắc nồng độ dầu của 5 tháng đầu năm 2007 đã đạt đến con số 0,03 đến 0,09mg/l, cao hơn 3 lần so với các số liệu quan trắc cùng kỳ năm 2006.
Về ô nhiễm vi sinh, hàm lượng Coliform vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,5 đến 74 lần. Vấn đề ô nhiễm của hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai, cũng là nguồn nước sinh hoạt chính của các tỉnh, thành trong khu vực kinh tế trong điểm phía nam đã được đặt ra từ nhiều năm nay, thế nhưng tiến độ của các chương trình cải thiện ô nhiễm vẫn giậm chân tại chỗ.
Theo ông Nguyễn Văn Phước – Phó Giám đốc Sở TNMT thành phố, để giải quyết vấn đề này phải có sự chung tay của 12 tỉnh, thành trong lưu vực sông Sài Gòn – Đồng Nai; với sự chỉ đạo điều hành dự án của Chính phủ, chứ riêng thành phố thì không thể làm được. Hiện nay, tỉnh, thành nào cũng có khu công nghiệp, nguy cơ gia tăng ô nhiễm là rất cao. Trong khi đó, đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Sài Gòn – Đồng Nai đã được trình từ năm 2005 đến nay vẫn chưa được thông qua.
Bó tay với nước thải công nghiệp
Theo Sở TNMT TP, đến nay mới chỉ có 6/15 khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trước đó, theo kế hoạch, đến cuối năm 2006, bằng mọi giá các khu chế xuất, khu công nghiệp phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nếu không sẽ bị đóng cửa. Thậm chí, đã có 2 khu công nghiệp là Bình Chiểu và Cát Lái đã bị Sở TNMT đề nghị TP có biện pháp xử lý hành chính đối với chủ đầu tư.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Phước – Phó GĐ Sở TNMT, các chế tài chưa đủ sức răn đe bất cứ ai, đã không làm cho chủ đầu tư các khu công nghiệp buộc phải chấp hành. Chỉ tính riêng 8 khu công nghiệp, bình quân mỗi ngày thải ra môi trường hơn 25.000m3 nước thải độc hại chưa qua xử lý. Trong khi hệ thống kênh rạch thành phố đang từng ngày “chết dần, chết mòn”, thì khu công nghiệp vẫn cứ thản nhiên xả nước thải.
Tồn đọng hàng ngàn mét khối nước rỉ rác
Tình hình xử lý rác thải của thành phố cũng đang trong tình trạng bức xúc không kém so với vấn đề ô nhiễm nguồn nước. Sau khi bãi rác Gò Cát đóng cửa (ngày 01/08), công trường xử lý rác Đa Phước (Bình Chánh) không kịp tiến độ, bãi rác Phước Hiệp (Củ Chi) phải tiếp nhận từ 5.500 đến 6.000 tấn rác thải/ngày.
Chưa bao giờ, tình trạng xử lý rác của thành phố lại mong manh, phập phồng như hiện nay. Chỉ cần một sự cố xảy ra với bãi rác Phước Hiệp (trước đây từng xảy ra sụt lún, trượt) thì hơn 5.000 tấn rác/ngày của thành phố không biết phải đổ đi đâu! Mặc dù công trường xử lý rác Gò Cát đã đóng cửa, nhưng phần hậu của nó đến nay vẫn chưa thể giải quyết.
Nhà máy xử lý nước rỉ rác Gò Cát – sử dụng công nghệ lọc nano – bị hỏng, buộc phải xếp xó làm tiêu tốn nhiều triệu USD, trong khi hàng ngàn mét khối nước rỉ rác của bãi rác này được đưa lên bãi rác Đông Thạnh chứa tạm vẫn chưa có hướng xử lý sáng sủa.