Cứu "Biển Chết" A-ran

Chính phủ Ca-dắc-xtan vừa ký kết một khoản vay 126 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới (WB) để thực hiện tiếp dự án cứu biển A-ran – được nhiều người gọi với cái tên: “Biển Chết”.

A-ran là biển kín ở vùng Trung Á, trên lãnh thổ 2 quốc gia U-dơ-bê-ki-xtan và Ca-dắc-xtan, thuộc Liên bang Xô viết cũ. Biển này từng trải dài trên 67.000 km2, là nơi chứa nước lớn thứ tư trên thế giới. Trong những năm 1950, một dự án thủy lợi khổng lồ đã được những quốc gia trong vùng thực hiện để dẫn nước của hai dòng sông A-mua và Xi-rơ – hai con sông góp phần hình thành biển A-ran – về tưới cho những cánh đồng bông bát ngát ở U-dơ-bê-ki-xtan. Từ năm 1960, một lượng nước từ 20 đến 50 tỷ m3 hằng năm đã được dẫn đến các cánh đồng thay vì chảy vào biển A-ran.

Việc ưu tiên sử dụng nước cho nông nghiệp đã đưa sản lượng bông tăng gần gấp đôi trong thời gian từ năm 1960 đến 1980, biến U-dơ-bê-ki-xtan thành một trong các quốc gia xuất khẩu bông hàng đầu thế giới. Nhưng sự kiện này đã khiến mực nước biển A-ran sụt giảm nhanh chóng. Do bị mất đi nguồn nước bổ sung, biển kín này bắt đầu bị thu nhỏ dần từ những năm 1960. Hậu quả là nhiều thành phố và bến cảng tấp nập trước đây đã phải vật lộn chống lại sự xâm lấn của sa mạc. Những vùng đồng bằng sa mạc hóa trắng xóa đầy muối mặn trải dài mênh mông, khiến hàng chục triệu người dân sinh sống trong vùng phải đối mặt với nạn nghèo đói và dịch bệnh ngày càng tăng. Nhiều người đã phải rời bỏ quê hương đi tìm nơi khác để sinh sống.

Sau 40 năm, lượng nước của biển này bị mất đi đến 80%, mực nước bị hạ thấp xuống 21 mét so với trước. Do mực nước giảm, từ năm 1987, biển A-ran đã bị tách ra thành hai phần và có nguy cơ còn bị thu nhỏ hơn nữa. Sự kiện biển A-ran được Liên hợp quốc đánh giá là thảm họa sinh thái nhân tạo lớn nhất trên hành tinh do con người gây ra cho môi trường.

Trước tình hình trên, từ năm 1994, một chương trình cứu vãn biển A-ran, mang tên Chương trình Lưu vực biển A-ran (ASBP), đã được đề ra, với sự tham gia của 8 quốc gia. Trong đó, quan trọng nhất là việc xây lên 2 con đập để giữ nước cho biển A-ran. Đến nay, một trong hai con đập đã hoàn thành, nâng cao được mực nước biển trung bình ở phía Bắc biển A-ran lên hơn 8m so với trước, và 40% biển phần phía Bắc của biển này đã phục hồi trở lại. Nhờ đó, sản lượng hải sản đánh bắt được đã tăng gấp 10 lần so với trước khi thực hiện dự án. Sự khôi phục mực nước biển đã mang lại những đám mây và các trận mưa vốn từ lâu vắng bóng. Những khu vực nông thôn đã trở nên xanh tươi hơn, và nhiều người dân đã trở về nơi ở cũ. Thành công ban đầu của dự án đã gây được tiếng vang trong dư luận.

Giờ đây, với khoản hỗ trợ mới của WB, con đập thứ 2 dự kiến sẽ được xây dựng trong thời gian tới, mang lại hy vọng cho sự hồi sinh của biển A-ran.

Hậu quả do biến đổi môi trường ở biển A-ran là bài học cho nhiều quốc gia trên thế giới về tác hại nghiêm trọng nếu tác động đến thiên nhiên một cách thiếu cân nhắc.