Phát triển ngành sản xuất điện xanh: Khó vì giá

Việc Công ty Môi trường đô thị đưa vào hoạt động trạm xử lý rác thành điện tại bãi rác Gò Cát (Bình Chánh – TP HCM) không những khắc phục đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây mà còn mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực nhờ nguồn thu từ việc bán điện. Những tưởng việc hiện thực hóa dự án trên sẽ mở tung cánh cửa bế tắc đối với việc phát triển ngành điện xanh bao lâu nay, nhưng xem ra không phải vậy.

Giá mua thấp

Tổng Công ty cổ phần Xây dựng Điện Việt Nam đã hoàn tất nghiên cứu khả thi Nhà máy Phong điện Phương Mai 3 trên diện tích 138,8ha tại KCN phong điện ở Nhơn Hội, Bình Định có công suất 26,4mW với tổng mức đầu tư hơn 53 triệu USD. Theo tính toán của chủ đầu tư, sau khi hoàn thành xây dựng, Nhà máy Phong điện Phương Mai 3 sẽ cung cấp khoảng 67 triệu kWh điện mỗi năm. Hiện dự án này đã nhận được sự thỏa thuận cấp đất của UBND tỉnh Bình Định, được Ngân hàng Nordea (Đan Mạch) cam kết cho vay dài hạn 100% giá trị hợp đồng cung cấp thiết bị và xây lắp, Tổ chức phát triển quốc tế Đan Mạch cam kết hỗ trợ 100% lãi suất. Tuy nhiên, dự án này có nguy cơ không thể triển khai thực hiện được vì giá bán điện. Phương án giá mà Nhà máy Phong điện Phương Mai 3 đề xuất là 6,7 cent/kWh trong khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ chấp nhận ở mức 4 cent/kWh, quá thấp so với chi phí sản xuất. Đây cũng là thực trạng mà TPHCM chưa giải quyết được trong suốt gần 3 năm qua. Giữa EVN và các chủ đầu tư dự án sản xuất điện xanh không thể thống nhất giá mua điện và giá bán điện. Theo đó, EVN đề xuất mua điện xanh với mức giá khoảng 4 cent/kWh, trong khi giá các nhà sản xuất điện xanh đưa ra là 7-8 cent/kWh.

Trên thực tế, việc bất cập về giá trong thời gian qua đã khiến cho TPHCM mất đi rất nhiều cơ hội phát triển ngành điện xanh. Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc thường trực Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, thời gian qua nhiều chủ đầu tư rất mặn mà với việc xây dựng nhà máy xử lý rác thành điện. Tuy nhiên, phần lớn đã bỏ cuộc vì không thể thương thảo giá thành với EVN. Nhiều chủ đầu tư đề nghị mức giá bán 8 cent/kWh và chính quyền địa phương không phải trả chi phí xử lý rác cho các chủ đầu tư nhưng cũng chưa thuyết phục được EVN. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã lựa chọn được một nhà đầu tư dự án xử lý rác thành điện có đủ năng lực về tài chính và chuyên môn, nhưng xem ra rất khó khả thi để dự án này có thể triển khai vì giá thu mua điện của EVN quá thấp.

Cần một chính sách hỗ trợ

Có thể nói, không phải ngẫu nhiên mà việc xử lý rác thải thành điện được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Nhà máy Điện Gò Cát sản xuất điện từ rác với công suất 750kW và đi vào hoạt động từ tháng 07/2005. Cho đến nay, nhà máy đã cung cấp 6.444.000 kWh điện, tạo nguồn thu khoảng 4,2 tỷ đồng. Theo Công ty Môi trường đô thị TPHCM (chủ đầu tư của Nhà máy Điện Gò Cát), do còn thiếu một số điều kiện, nên hiện mới chỉ có một tổ máy phát điện đi vào hoạt động, 2 tổ máy còn lại sẽ hoạt động trong thời gian tới. Khi cả 3 tổ máy của nhà máy cùng hoạt động thì lượng điện sản xuất ra khoảng 2.400 kW mỗi giờ sẽ được hòa vào lưới điện quốc gia và số tiền thu được từ rác mỗi năm sẽ gấp 3 lần hiện nay.

Ngoài ra, rác thải sau khi được ủ lấy khí có thể tận dụng sản xuất phân compost. Riêng phần khí gas thu được để sản xuất điện sẽ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường vì loại khí này là một trong những tác nhân gây nên hiệu ứng nhà kính, thậm chí gấp 21 lần khí CO2. Và chỉ tính riêng tại bãi rác Gò Cát, lượng khí gas sinh ra từ gần 2,5 triệu tấn rác đã được chôn lấp và tương lai sẽ là 4 triệu tấn rác thì lượng khí sinh ra ước tính khoảng 140.000 tấn, tương đương gần 3 triệu tấn CO2. Con số này sẽ tăng lên gấp rất nhiều lần khi mà lượng rác thải mỗi ngày của TP là khoảng 6.500 tấn rác. Đặc biệt, việc thu khí từ rác biến thành điện có thể thu thêm một nguồn lợi lớn từ việc bán quỹ tín dụng CO2 cho các nước phát triển.

Thông thường, tại các nước có nguồn điện xanh phát triển là nhờ có chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước. Cụ thể như nước Đức với giá bán điện xanh là 1.936 đồng/kWh, Thụy Sĩ: 1.456 đồng/kWh, Pháp: 928 đồng/kWh, Hà Lan là 12,7 cent/kWh; Tây Ban Nha là 11,4 cent/kWh; Nhật là 11 cent/kWh; Hàn Quốc là 10,5 cent/kWh; Trung Quốc là 8,6 cent/kWh… Lợi ích của việc biến rác thành nguồn năng lượng xanh đã thể hiện rất rõ. Việc phát triển ngành sản xuất năng lượng xanh sẽ mở ra một hướng đi mới nhằm nâng cao chất lượng xử lý rác thải, giải quyết vấn đề an ninh năng lượng cho nước ta trong thời gian tới nhưng để phát triển nguồn năng lượng xanh khá mới mẻ này, nhất thiết phải có sự can thiệp, hỗ trợ từ phía nhà nước.