Phản ứng trước việc Lào xúc tiến xây đập Xayaburi

ThienNhien.Net – Lễ động thổ xây dựng đập thủy điện Xayaburi của Lào trên sông Mê Kông trị giá 3,5 tỉ USD đã diễn ra ngày 7/11. Chính phủ Lào thông báo sẽ bắt đầu xây dựng dự án đập thủy điện đang gây tranh cãi này sau khi thay đổi thiết kế nhằm làm giảm những mối lo ngại của các nước láng giềng về vấn đề môi trường. Các tổ chức bảo vệ môi trường tại các nước láng giềng và ngay cả Mỹ cũng đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại về ảnh hưởng của dự án này đối với hàng triệu người ở Đông Nam Á.

Lào sẽ tiến hành xây dựng con đập Xayaburi bất chấp những chỉ trích liên quan tới ảnh hưởng của nó đối với hệ thống sông Mê Kông tại vùng hạ lưu, đặc biệt là tại Campuchia và Việt Nam. Dự án thủy điện Xayaburi, được tiến hành bởi tập đoàn CH KarnChang của Thái Lan, (có khả năng) sẽ là một trong số 10 dự án kiểu này ở khu vực hạ lưu sông Mê Kông chảy qua Thái Lan, Lào, Campuchia, vùng đồng bằng Việt Nam và ra Biển Đông. Đây là những nước dựa rất nhiều vào hệ thống sông về thủy lợi và nguồn lợi hải sản.

Đập thủy điện Xayaburi – dự kiến dài 810 m, cao 32 m và có công suất 1.260 MW – được đánh giá sẽ trở thành nguy cơ lớn đối với môi trường trong khu vực. Các tổ chức bảo vệ môi trường e ngại về ảnh hưởng lâu dài của con đập, vì nó ngăn tuyến đường di thực của cá, có tiềm năng gây phương hại tới kế sinh nhai của khoảng 60 triệu người.

Sông Mê Kông (Ảnh: ThienNhien.Net)

Chiến dịch của Tổ chức Sông ngòi Quốc tế đã cáo buộc Chính phủ Lào vẫn tiếp tục tiến hành dự án mà không tiến hành đầy đủ các nghiên cứu về môi trường. 50 người dân Thái Lan tại một ngôi làng đã đại diện cho cư dân dọc sông Mê Kông đệ trình đơn kiện lên tòa án tại Bankok vào tháng 8 vừa qua, nhằm ngăn chặn việc mua điện từ dự án này. Campuchia và Việt Nam cũng bày tỏ sự lo ngại rằng đập thủy điện có thể ảnh hưởng đến nền nông nghiệp và nguồn lợi thủy sản của các nước này. Việt Nam kêu gọi hoãn lại 10 năm tất cả mọi dự án trên sông Mê Kông.

Các nhà môi trường cho rằng đập thủy điện này sẽ là thảm họa cho 60 triệu người sống phụ thuộc vào dòng sông trong việc vận chuyển, cung cấp nguồn thức ăn và vấn đề kinh tế. Họ lo ngại các loài cá ở sông Mê Kông sẽ gặp nguy hiểm vì các chất dinh dưỡng cần thiết không lưu thông được và hàng chục loài không thể bơi ngược dòng để giao phối.

Mỹ đã khuyến cáo dự án thủy điện của Lào với những quan ngại về môi trường đối với các quốc gia láng giềng. Mặc dù công nhận vai trò quan trọng của việc xây dựng các đập thủy lợi đối với việc phát triển kinh tế, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn nhấn mạnh: “Những kinh nghiệm của chúng tôi đã giúp nhận thức sâu sắc về tác động kinh tế, xã hội và môi trường có thể gây tác động trong dài hạn. Mức độ và giới hạn tác động từ đập Xayaburi trên một hệ sinh thái cung cấp an ninh lương thực và sinh kế cho hàng triệu người vẫn chưa được làm rõ. Chúng tôi lo ngại việc xây dựng được tiến hành trước khi tiến hành các nghiên cứu về ảnh hưởng đối với môi trường”.

Mỹ cũng kêu gọi các bên liên quan lên tiếng về mối quan tâm của họ thông qua Ủy hội Sông Mê Kông. Trong một tuyên bố, Mỹ nhấn mạnh: “Chúng tôi quan tâm mạnh mẽ đến việc quản lý bền vững của sông Mê Kông và chúng tôi coi sự tham gia mạnh mẽ của chúng tôi như là một dấu hiệu của sự cam kết của chúng tôi hướng tới mối quan hệ lâu dài và tích cực với khu vực. Chúng tôi hy vọng Chính phủ Lào sẽ tôn trọng cam kết của mình để làm việc với các nước láng giềng, trong việc giải quyết các câu hỏi còn lại liên quan đến Xayaburi. Chúng tôi khuyến khích các nước Ủy hội sông Mê Kông tiếp tục làm việc với nhau để nhận ra tầm nhìn chung của họ về vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường lưu vực sông Mê Kông”.

Một giới chức thuộc Ủy hội Sông Mê Kông (Cơ quan giám sát các dự án hợp tác tại con sông này giữa Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam) nói với Đài VOA rằng Ủy hội đang trông đợi sự giải thích từ phía Lào để xem lễ động thổ này có phải là quyết định cuối cùng của Lào để xúc tiến dự án này hay không.

Trong khi đó, Lào cho rằng đập thủy điện Xayaburi sẽ giúp Lào trở thành “nguồn điện của Đông Nam Á”, thông qua việc bán điện cho những quốc gia lân cận. Theo một thỏa thuận chung giữa Thái Lan và Lào, 95% sản lượng điện từ đập thủy điện Xayaburi sẽ được bán cho Thái Lan. Báo chí Thái Lan ngày 7/11 đưa tin Chính phủ nước này đã bày tỏ sự ủng hộ quyết định của Lào tiến hành xây dựng đập thủy điện Xayaburi.

Thứ trưởng Năng lượng Lào, Viraphonh Viravong, cho biết Lào đã tiến hành một số thay đổi trong thiết kế của đập Xayaburi nhằm bảo đảm với các quốc gia láng giềng rằng không có những tác động bất lợi về mặt môi trường, đồng thời nhấn mạnh những phản đối từ phía các quốc gia láng giềng sẽ không thể làm ảnh hưởng đến kế hoạch hoàn thành đập vào cuối năm 2019. Trước đó, hồi năm 2011, Chính phủ Lào đã thỏa thuận ngưng dự án này cho tới khi hoàn tất các cuộc thẩm định thêm về môi trường.

Tháng 7/2012, trên tờ Thời báo Viêng Chăn, Thứ trưởng Viraphonh đã nói rằng đây sẽ là “một trong những đập thủy điện hiện đại nhất thế giới’, kèm theo lời hứa rằng công trình sẽ chưa được tiến hành nếu vẫn còn những quan ngại từ các quốc gia láng giềng. Ông cho biết những thay đổi của dự án sẽ giải quyết hai vấn đề chính: vấn đề cá di cư và dòng chảy trầm tích – thông qua việc tạo một dòng lưu thông cho phép 85% cá di chuyển dọc bờ sông và một hệ thống xả nước để ngăn chặn trầm tích xây dựng.