Khai thác vàng trái phép trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ

Vào những ngày nông nhàn cuối năm, tình trạng khai thác vàng trái phép trong khu rừng bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ tại xã Kim Hỷ (huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) lại bắt đầu diễn ra đông hơn, mặc dù các cấp chính quyền các xã lân cận khu bảo tồn như: Kim Hỷ, Lương Thượng (Na Rì) và xã Vũ Muộn (Bạch Thông) cùng lực lượng kiểm lâm Khu bảo tồn có nhiều nỗ lực kiểm tra truy quét. Tuy nhiên, khi các đoàn liên ngành này rút khỏi rừng, người khai thác vàng trái phép lại tiếp tục hoạt động trở lại.

Theo số liệu thống kê của kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, cuối năm 2006 lực lượng kiểm lâm nơi đây cùng các cơ quan chức năng tuần tra, kiểm soát, tháo dỡ 38 lán khai thác vàng trái phép, trục xuất trên 300 người tham gia khai thác. Do làm “mạnh tay” hơn những lần trước, khu bảo tồn bình yên được gần một tháng.

Đầu tháng 05/2007, tình hình khai thác vàng trái phép lại bắt đầu bùng lên, sơ bộ 47 lán khai thác vàng qui mô, cùng 36 máy nổ và hàng trăm người khắp nơi đổ về đào bới. Lực lượng kiểm lâm Khu bảo tồn đã lập biên bản yêu cầu 36 chủ lán phải rút khỏi nơi đây, thậm chí có một số chủ lán đã bị lập biên bản trục xuất từ 2 đến 3 lần, đến nay vẫn chưa dứt điểm, bởi người làm vàng không chịu chấp hành.

Tất cả các lán trên đều tập trung tại các điểm: Lủng Quang, Xạ Hang, Lủng Mòn, Nặm Đẩy… (xã Kim Hỷ); Lủng Cà, Lủng Phấy, Lủng Xỏm (xã Lương Thượng); Lủng Nặm, Lũng Duốc (xã Vũ Muộn). Điều đáng nói là nhiều đối tượng khai thác vàng đã có thâm niên trên 20 năm sống trong rừng của khu bảo tồn này, họ thông thuộc các hang cùng ngõ hẻm trong rừng. Khi nào bị truy quét là di chuyển sâu vào trong rừng, khi nào hết truy quét họ lại kéo nhau đến các điểm khai thác bình thường, đặc biệt có nhiều đối tượng đã nghiện ma túy đã lấy nơi rừng sâu này làm chốn nương thân, hàng ngày đào đất kiếm vàng đổi ma tuý để sống qua ngày.

Để “phục vụ” tốt các “thượng đế”, người dân còn mở 7 điểm bán hàng 24/24 giờ quanh cửa rừng với đủ các loại hàng hóa, ngoài ra còn một tiểu đội xe gắn máy tiếp tế lương thực từ các huyện bên ngoài như: Bạch Thông, Ngân Sơn vào tận cửa rừng để bảo đảm nhu cầu hàng ngày của người làm vàng.

Chính từ sự tiện lợi đó, người làm vàng cứ ung dung sống trong “lõi” khu bảo tồn, mặc cho chính quyền truy quét. Chính quyền và các ngành chức năng có nỗ lực hết mình cũng không thể kiên trì bằng người làm vàng, chính vì vậy hơn 20 năm qua đã có bao nhiêu lần truy quét dân đào vàng trái phép tại khu rừng bảo tồn này, nhưng đâu lại vào đó khi lực lượng truy quét rút về.

Nói về những bức xúc đó, anh Nông Xuân Lanh – kiểm lâm Khu bảo tồn Kim Hỷ cho biết: Khu bảo tồn rộng hơn 14.000 km2, lực lượng kiểm lâm chưa tới 20 người. Khó khăn nhất hiện nay là việc xử lý sai phạm, bởi phương tiện khai thác vàng trái phép phải vận chuyển bộ từ trong rừng về kho bảo quản cũng mất 3 tiếng leo núi đá dựng đứng, do là “tang vật” nên không được phép phá hủy bừa bãi, trong khi chúng tôi cũng không đủ lực lượng và kinh phí thuê dân đưa về, còn lập biên bản để xử phạt hành chính cũng rất khó, vì các đối tượng làm vàng chẳng bao giờ chịu nộp phạt…

Chính vì vậy, nạn “vàng tặc” cứ hoành hành trong khu bảo tồn; cùng với nó là việc chặt phá rừng để làm lán trại, khai thác vàng gây ô nhiễm môi trường sinh thái, phá vỡ cảnh quan tự nhiên… và cũng chưa biết bao giờ mới được xử lý dứt điểm.