Các loài linh trưởng khu vực Mê Kông đối mặt với các mối đe dọa dai dẳng

Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) là nơi sinh sống của 44 loài linh trưởng không phải người bao gồm vượn, cu li, voọc, khỉ và voọc mũi hếch, với một số loài được mô tả lần đầu tiên trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, mất môi trường sống và nạn săn bắn, buôn bán động vật hoang dã đã khiến nhiều loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, không ít loài tồn tại như những quần thể bé nhỏ trong các khu vực sinh sống biệt lập, chia cắt.

Khi các nhà khoa học mô tả voọc Popa (Trachypithecus popa) là một loài mới vào năm 2020 thì loài này đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, ước tính chỉ còn chưa đầy 260 cá thể tồn tại trên 4 khu rừng bị cô lập ở đồng bằng trung tâm. Tuy nhiên, voọc Popa không đơn độc bởi có khoảng 90% các loài linh trưởng ở GMS bị xếp vào danh sách bị đe dọa tuyệt chủng, theo báo cáo được WWF công bố hồi đầu tháng.

Cá thể vượn trong cảnh quan rừng Dawna Tenasserim giữa Thái Lan và Myanmar. Ảnh: Christy Williams / WWF Myanmar

Trong số 44 loài linh trưởng ở GMS, có 12 loài được coi là cực kỳ nguy cấp. Quần thể toàn cầu một số loài đặc hữu rất nhỏ, chẳng hạn, ít hơn 100 cá thể voọc mũi hếch (Rhinopithecus avunculus) tồn tại trong một khoảnh rừng núi đá vôi nhỏ ở Việt Nam và dưới 140 cá thể vượn Cao Vít (Nomascus nasutus) sống sót trong một khu rừng ở biên giới Trung Quốc-Việt Nam. Đáng chú ý là khoảng một nửa số loài đang có nguy cơ tuyệt chủng, bao gồm vượn Hoolock tianxing, loài mới được mô tả vào năm 2017 từ phía Đông Myanmar và Tây Nam Trung Quốc và loài cu li nhỏ (Nycticebus pygmaeus) thường bị buôn bán làm vật nuôi hoặc sử dụng làm thuốc.

Báo cáo cảnh báo các loài linh trưởng cũng có nguy cơ mắc các mầm bệnh từ người, như virus corona, và có thể truyền từ người sang động vật. Thậm chí, mối đe dọa này ngày càng gia tăng do môi trường sống tiếp tục bị suy thoái và phân mảnh, buộc con người và động vật hoang dã tiếp xúc gần nhau hơn. Bên cạnh đó, nạn săn bắn, buôn bán động vật hoang dã cũng đe dọa nghiêm trọng các loài linh trưởng ở GMS. Nghiên cứu năm 2017 cho thấy từ năm 2005 – 2014, hơn 450.000 loài linh trưởng bị buôn bán trên toàn cầu, trong đó các loài châu Á chiếm tới 93%. Ngoài ra, có sự bùng nổ buôn bán hợp pháp các loài linh trưởng được nuôi nhốt để nghiên cứu y sinh, chất độc và dược phẩm. Tại khu vực GMS, các “trang trại” khỉ đuôi dài ở Campuchia, Lào và Việt Nam xuất khẩu hàng nghìn cá thể cho các cơ sở nghiên cứu ở các khu vực như Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản và Mỹ mỗi năm.

Bẫy ảnh chụp được một con voọc Popa (Trachypithecus popa) ở vùng đồng bằng trung tâm Myanmar. Ảnh: WWF Myanmar.

Tuy tỷ lệ buôn bán nội địa khá cao nhưng sự thiếu giám sát cùng giao dịch trực tuyến gia tăng đã cản trở nỗ lực của các chuyên gia trong việc đánh giá tính hợp pháp và tác động đến quần thể hoang dã. Mặc dù hầu hết hoạt động thương mại quốc tế này được ghi nhận thông qua CITES và bề ngoài có vẻ hợp pháp nhưng “có những hoạt động bất hợp pháp tiềm ẩn với các mối đe dọa và rủi ro liên quan”, theo Yoganand Kandasamy, phụ trách chương trình động vật hoang dã và tội phạm về động vật hoang dã tại WWF Greater Mekong cho biết.

Theo Yoganand, hành động ở cấp địa phương có vai trò rất lớn trong việc đảo ngược quỹ đạo đối với nhiều loài trong khu vực bao gồm các loài linh trưởng. Đã có những câu chuyện rất thành công về sự hợp tác với các cộng đồng địa phương trong việc bảo tồn linh trưởng, giúp cả động vật và cộng đồng cùng được hưởng lợi.

Ý Nhi (Theo Mongabay)

Nguồn: