OECM mang lại cách tiếp cận toàn diện hơn để bảo tồn đa dạng sinh học

Bạn đã bao giờ nghe nói về “các biện pháp bảo tồn dựa trên khu vực hiệu quả khác (OECM)”?

Cụm từ OECM xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2010 trong Công ước về Đa dạng sinh học (CBD). Ở giai đoạn đó, “các biện pháp khác” này chưa thực sự được xác định, chúng chỉ là một khái niệm mơ hồ, một tuyên bố về bất cứ điều gì không đáp ứng các tiêu chí cho một khu bảo tồn. Cho đến khi Harry Jonas, đồng chủ tịch nhóm chuyên gia về các OECM tại Ủy ban Thế giới về các Khu bảo vệ của IUCN (WCPA) và đồng nghiệp quyết định nghiên cứu sâu hơn về thuật ngữ này thì khái niệm OECM mới bắt đầu phát triển một số nội dung và đến năm 2018, CBD đã thông qua định nghĩa về OECM.

OECM là một khu vực được xác định về mặt địa lý, có một số hình thức quản lý tại chỗ và đạt được các kết quả tích cực bền vững về đa dạng sinh học. Định nghĩa này rất giống với định nghĩa của IUCN về khu bảo tồn và với 7 hạng mục khu bảo tồn khác nhau được nêu ra, bạn có thể tự hỏi các OECM phù hợp với vị trí nào?

Cơ sở vệ tinh của trường đại học nằm trong Khu dự trữ sinh quyển Kruger to Canyons, Nam Phi. Hình ảnh: ReWild.

Theo định nghĩa của IUCN về một khu bảo tồn, bảo tồn phải là một phần của các mục tiêu quản lý cốt lõi cho một khu vực. Nhưng đối với một OECM, chỉ cần có các lợi ích bảo tồn bền vững, bất kể các mục tiêu quản lý cốt lõi là gì. Đối với những người ủng hộ OECM, sự khác biệt này có thể là tinh tế nhưng nó rất quan trọng.

Emily Darling, Giám đốc bảo tồn san hô tại WCS cho biết: “OECM có thể bao gồm các khu vực được quản lý bởi nghề cá quy mô nhỏ, bởi phương pháp nông lâm kết hợp ít tác động, trong số nhiều loại chủ thể quyền và tác nhân khác quản lý các khu vực. Điều này có thể thu hút nhiều người quan tâm tới bảo tồn hơn và đó là điều rất quan trọng”.

Trên thực tế, có rất nhiều khu vực được bảo vệ, bao gồm cả các khu vực sử dụng bền vững, trong đó nhiều địa điểm tiềm năng cho các OECM có thể trở thành các khu bảo tồn nếu có đủ ý chí chính trị. Nhưng chắc chắn khái niệm khu vực được bảo vệ sẽ đi kèm với rất nhiều vấn đề chưa được làm rõ.

Danh sách các vụ vi phạm nhân quyền liên quan đến các khu bảo tồn còn dài, từ các cuộc “tái định cư” tàn bạo trong quá trình thành lập các khu bảo tồn trong thời thuộc địa cho đến ngày nay với các báo cáo về tình trạng lạm dụng của các kiểm lâm viên do WWF tài trợ ở Trung Phi và Nam Á. Một số cộng đồng địa phương và người dân bản địa vẫn coi việc bảo tồn như một sự áp đặt từ trên xuống theo hướng ưu tiên thiên nhiên hơn quyền con người của họ.

“Người bản địa là những người quản lý kiến ​​thức hàng nghìn năm không thể chứa đựng trong các khuôn khổ thông thường”, Emma Lee, thành viên nghiên cứu thổ dân và cư dân trên eo biển Torres tại Đại học Công nghệ Swinburne, Tasmania, người đã làm việc với Jonas để tham gia vào các OECM.

Khu vực đất ngập nước được bảo tồn trên diện tích đất lâm nghiệp, một trong những khu vực được đánh giá là một OECM tiềm năng trong Khu dự trữ sinh quyển Kruger to Canyons, Nam Phi. Hình ảnh: ReWild.

Cuộc thảo luận xung quanh các OECM diễn ra vào thời điểm quan trọng, khi các quốc gia cân nhắc việc tham gia chiến dịch toàn cầu “30 by 30” nhằm mục tiêu bảo vệ 30% diện tích đất và đại dương trên trái đất vào năm 2030. Chiến dịch thu hút sự quan tâm của Tổng thống Mỹ Joe Biden và đã được đưa vào bản dự thảo đầu tiên của Hiệp ước đa dạng sinh học của Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng mục tiêu này không có cơ sở khoa học và nó có thể dẫn đến tình trạng chiếm đất rộng rãi khiến người dân bản địa bị tước quyền sử dụng đất.

Những người ủng hộ thì nói rằng mục tiêu “30 x 30” có thể đạt được theo cách công bằng hơn bởi các nhà bảo tồn và chính phủ làm việc với các nhóm hiện có và các chủ sở hữu để củng cố thay vì thay thế họ. Nhưng với lịch sử u ám của khu bảo tồn về nhân quyền, không phải ai cũng bị thuyết phục bởi điều này, trong đó có Fiore Longo, một nhà vận động tại Survival International, tổ chức phi chính phủ làm việc với các nhóm bản địa.

Longgo cho rằng: “Họ chỉ đang phát minh ra một thể loại khác. Nếu chúng ta có bằng chứng khoa học rằng các vùng đất bản địa, như nó vốn có, đang hoạt động vì tự nhiên, tại sao chúng ta không kêu gọi sự công nhận rộng rãi về vùng đất bản địa?”. Cô cũng bày tỏ sự lo ngại về bất kỳ chính sách nào khiến các quyền của người bản địa theo bất kỳ cách nào có khả năng phụ thuộc vào các kết quả bảo tồn.

Diễn đàn Bản địa quốc tế về Đa dạng sinh học cũng nêu lên những băn khoăn tương tự khi được tham vấn về hướng dẫn của OECM. Các nhà nghiên cứu viết trên tạp chí Nature cho biết họ cũng nhận ra sự nguy hiểm của việc áp đặt quan điểm của thế giới bên ngoài.

Liệu các OECM có đạt được sức hút và cuối cùng chúng trông như thế nào trong thực tế sẽ phụ thuộc vào việc các nhóm chọn tham gia vào khái niệm nào và cách họ thực hiện theo lựa chọn ấy.

Cộng đồng sinh sống trong Khu dự trữ sinh quyển Kruger to Canyons, Nam Phi. Hình ảnh: ReWild.

Những người ủng hộ nói rằng việc CBD đưa tham chiếu đến Tuyên bố của Liên hợp quốc về Quyền con người – điều rất hiếm trong các công cụ môi trường – là một tín hiệu cho những người bên ngoài thế giới bảo tồn truyền thống rằng đây có thể không chỉ là hoạt động đơn thuần. Và có một số dấu hiệu cho thấy điều này có thể đang diễn ra.

“Đối với tôi, là một người bản địa…, tôi đã tìm thấy một nơi mà tôi được chào đón và kiến ​​thức của tôi được đánh giá cao”, Emma Lee nói. “Có rất ít con đường để những người như tôi được lắng nghe, OECMs đã tạo ra không gian an toàn về văn hóa để tôi tham gia vào hoạt động bảo tồn ở vị thế cao hơn”.

Theo những người ủng hộ thì không chỉ các thành viên của cộng đồng bản địa mới bắt đầu tham gia OECM.

Darling và Jonas nói rằng khái niệm OECM đang mở ra các cuộc đối thoại khác mà trước đây đã tạm dừng, chẳng hạn như với ngành đánh cá vốn thường xung đột với ngành bảo tồn về việc thành lập các khu bảo tồn biển (MPA).

E là “hiệu quả”

Chữ E trong OECM là viết tắt của từ “hiệu quả” và đó là điều mà những người ủng hộ OECM muốn nhấn mạnh.

Hiện tại, định nghĩa về một khu bảo tồn không có biện pháp nào về tính hiệu quả. Thật vậy, các nhà bảo tồn đã cáo buộc nhiều khu bảo tồn trên khắp thế giới chẳng khác gì “vườn quốc gia trên giấy” và không thực sự đóng góp vào đa dạng sinh học. Ví dụ, ở Anh, mạng lưới các khu bảo tồn biển được bán như một biểu tượng đáng tự hào về mục tiêu của chính phủ là bảo vệ 30% đa dạng sinh học đại dương vào năm 2030. Tuy nhiên, tổ chức phi chính phủ Oceana nhận thấy hoạt động đánh bắt dưới đáy biển, một trong những hoạt động đánh bắt hủy diệt nhất đang được thực hiện nằm trong 97% các MPA của Vương quốc Anh.

Bằng cách tập trung vào tính hiệu quả, những người ủng hộ OECM hy vọng sẽ vượt qua những gì thực sự quan trọng. Họ nói rằng bất kỳ khu vực nào nhận được kết quả về đa dạng sinh học đều có thể được kiểm tra và công nhận là đang làm như vậy, bất kể khu vực đó được quản lý để làm gì và không có yêu cầu thay đổi. Tuy nhiên, làm thế nào để xác định và đo lường hiệu quả đối với nhiều loại hình sử dụng đất và biển khác nhau cũng như các các chủ thể quyền có thể là một thách thức.

Canada là một trong những quốc gia duy nhất sử dụng OECM cho đến nay và đã làm như vậy ngay cả trước khi có định nghĩa được CBD đưa ra vào năm 2018. Một trong những lý do chính khiến Canada chấp nhận OECM là một cách để đạt được mục tiêu bảo vệ 10% bờ biển vào năm 2020.

Romy Antrobus-Wuth, nhà sinh thái học quản lý tại Khu dự trữ sinh quyển Kruger to Canyons ở Nam Phi, đồng tác giả báo cáo IUCN về tiềm năng của các OECM ở Nam Phi cho biết: “Điều quan trọng là xác định cách thức kiểm tra các địa điểm một cách thường xuyên để đảm bảo rằng đất tiếp tục được quản lý theo những cách đạt được kết quả bảo tồn khi đạt được trạng thái OECM”.

Tuy nhiên, cách thức giám sát như thế nào và nguồn kinh phí được lấy từ đâu hiện vẫn chưa được công bố. Những người ủng hộ hy vọng tình trạng OECM có thể thu hút thêm kinh phí để hỗ trợ giám sát vì các lợi ích bảo tồn nhưng chưa rõ nguồn kinh phí sẽ đến từ đâu.

Cuối cùng, cũng như đối với các khu bảo tồn, chính phủ các quốc gia sẽ tùy thuộc vào việc xác định OECM là gì ở quốc gia của họ và báo cáo các OECM mà họ xác định cho Trung tâm Giám sát Bảo tồn Thế giới của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc. Liệu các OECM có đáp ứng được hy vọng của những người ủng hộ? Điều này sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc các chính phủ có tham gia trên tinh thần bình đẳng mà OECM được thiết kế hay không. Tuy nhiên, hồ sơ theo dõi của nhiều chính phủ về chính sách môi trường cho thấy viễn cảnh này còn khá xa.

Jonas và các đồng nghiệp nói rằng họ không hề ảo tưởng OECM là chiếc chìa khóa vạn năng để bảo tồn nhưng hy vọng chúng có thể là một công cụ mới giúp thúc đẩy các cuộc đối thoại trong tương lai. Chính vì là một khái niệm mới như vậy nên sẽ còn nhiều năm nữa chúng ta mới biết liệu các OECM có thể thực hiện được lời hứa đó hay không.

“Dù mọi người nghĩ gì về khuôn khổ OECM thì ít nhất nó cũng đại diện cho một bước tiến tới các hình thức bảo tồn được dân chủ hóa hơn, bản địa hóa hơn, đa dạng hơn”, Jonas nhấn mạnh.

Thảo Linh (Theo Mongabay)

Nguồn: