Việc tiêu thụ protein động vật sẽ chững lại ở các nước thu nhập cao trong vòng 10 năm tới, theo Triển vọng Nông nghiệp 2021-2030 do OECD và FAO hợp tác thực hiện.
Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Tổ chức Nông lương của Liên Hợp Quốc (FAO) nêu bật các xu hướng kinh tế và xã hội cơ bản thúc đẩy ngành nông sản toàn cầu, với giả định không có thay đổi lớn về điều kiện thời tiết hoặc chính sách.
Tiêu thụ protein động vật chững lại
Báo cáo nêu rõ, ngành nông nghiệp thực phẩm toàn cầu đã cho thấy khả năng phục hồi trong đại dịch Covid-19, nhưng thiệt hại về thu nhập và giá lương thực tăng cao khiến tình trạng suy dinh dưỡng gia tăng.
Các thách thức xóa đói sẽ khác nhau giữa các quốc gia.
Theo triển vọng, lượng lương thực cung cấp trung bình trên toàn cầu cho mỗi người được dự báo tăng 4% trong 10 năm tới, đạt hơn 3.025 kcal/ngày vào năm 2030.
Người tiêu dùng ở các nước thu nhập trung bình được dự báo tăng nhiều nhất lượng thực phẩm ăn vào, trong khi chế độ ăn ở các nước thu nhập thấp không thay đổi nhiều.
Một số thay đổi về chế độ ăn uống cũng được dự đoán trong thập kỷ tới. Ở các nước có thu nhập cao, mức tiêu thụ protein động vật bình quân đầu người dự kiến chững lại.
Do những lo ngại về sức khỏe và môi trường ngày càng tăng, mức tiêu thụ thịt bình quân đầu người dự kiến không tăng, người tiêu dùng dần dần thay thế thịt đỏ bằng thịt gia cầm cũng như các sản phẩm từ sữa.
Ở các nước có thu nhập trung bình, sự ưa chuộng đối với các sản phẩm chăn nuôi và cá được kỳ vọng sẽ tiếp tục mạnh mẽ; lượng protein động vật sẵn có trên đầu người dự kiến tăng 11%, thu hẹp 4% khoảng cách tiêu dùng với các nước thu nhập cao, xuống còn 30g mỗi người trong một ngày, vào năm 2030.
Hiệu quả sử dụng thức ăn và dịch bệnh bùng phát
Hiệu quả sử dụng thức ăn và sự bùng phát dịch bệnh sẽ ảnh hưởng lớn đối với xu hướng sản xuất vật nuôi cũng như thị trường nông sản trong tương lai.
Dự báo tăng trưởng chăn nuôi thấp hơn, cải thiện hiệu quả cho ăn ở các nước có thu nhập cao và một số nền kinh tế mới nổi dẫn đến tăng trưởng nhu cầu thức ăn chăn nuôi chậm hơn so với thập kỷ trước.
Ngược lại, một số quốc gia có thu nhập thấp và trung bình lại tăng trưởng mạnh về nhu cầu thức ăn chăn nuôi trong thập kỷ tới, khi ngành chăn nuôi của họ mở rộng và tăng cường.
Việc phát triển chăn nuôi ở Trung Quốc, nước tiêu thụ thức ăn chăn nuôi lớn nhất thế giới, sẽ là trọng tâm thúc đẩy thị trường thức ăn chăn nuôi toàn cầu tăng trưởng.
Sau khi dịch tả lợn châu Phi (ASF) bùng phát, Trung Quốc bắt đầu xây dựng lại và tái cơ cấu đàn lợn của mình vào năm 2020, tuy nhiên, điều này được cho là không ảnh hưởng nhiều đến việc sử dụng thức ăn trung bình trên một đơn vị sản phẩm chăn nuôi.
Triển vọng khu vực: châu Âu và Trung Á
Cụ thể, tại hai khu vực này, “sự sụt giảm dài hạn trong sử dụng đất nông nghiệp” được dự đoán tiếp tục diễn ra trong tương lai – mặc dù với tốc độ chậm – cho thấy khả năng tăng trưởng hơn nữa trong lĩnh vực này “sẽ được củng cố nhờ tăng năng suất”.
Liên quan đến những thay đổi trong sử dụng đất, phát thải khí nhà kính trực tiếp từ nông nghiệp được dự báo giảm 1,2% trong thập kỷ tới.
Giá trị sản xuất trồng trọt trong khu vực dự kiến tăng 11% trong 10 năm tới, chiếm gần 75% mức tăng trưởng của khu vực trong sản xuất nông nghiệp và cá.
Tăng trưởng sản xuất chăn nuôi chậm hơn với mức tăng 0,34%/năm trong thập kỷ tới.
Tây Âu chiếm phần lớn giá trị chăn nuôi trong khu vực, nhưng khi quá trình chuyển đổi sang môi trường bền vững tiếp tục, một sự thu hẹp nhỏ trong thập kỷ tới sẽ khiến thị phần của Tây Âu giảm từ 64% xuống 61% vào năm 2030.
Tuy nhiên, tăng trưởng mạnh hơn ở các khu vực còn lại vẫn khiến tổng giá trị sản xuất chăn nuôi tăng 4% trong giai đoạn 10 năm.
Trong toàn khu vực, nhu cầu thực phẩm trong nước đối với các sản phẩm từ sữa sẽ vẫn tăng mạnh, đóng góp 12% lượng calo hàng ngày vào năm 2030 và 19% vào lượng protein cung cấp hàng ngày.
Được định hình bởi quá trình chuyển đổi theo hướng bền vững về môi trường, tỷ trọng sản xuất sữa toàn cầu của EU dự kiến giảm xuống còn 16% vào năm 2030.
Thói quen tiêu dùng
Tiêu thụ thịt bình quân đầu người ở châu Âu và Trung Á có thể tăng nhẹ lên 59kg/người/năm, phần lớn là do tiêu thụ thịt gia cầm cao hơn. Thịt gia cầm được dự đoán là mặt hàng thịt tăng trưởng nhanh nhất, đạt 24kg trên đầu người.
Tiêu thụ thịt bò và thịt lợn trên đầu người được dự đoán sẽ giảm trong giai đoạn này, lần lượt là 2,2% và 2,5%.
Tiêu thụ sản phẩm sữa dự kiến tăng nhanh hơn so với các loại thịt, tăng thêm 8% so với mức hiện tại vào năm 2030.
Do tầm quan trọng của các sản phẩm từ động vật, khu vực này tiêu thụ gần một phần tư lượng thức ăn protein toàn cầu.
Với dự báo tăng trưởng chậm hơn cho ngành chăn nuôi, kèm theo đó là ngành chăn nuôi lợn và trâu, bò đang giảm, nên dù có đóng góp tích cực của chăn nuôi gia cầm và cừu, việc sử dụng thức ăn chăn nuôi được dự đoán chỉ tăng 4% vào năm 2030.