Trung Quốc ra giải pháp tăng hiệu quả vắc xin COVID-19 nội địa vì khả năng bảo vệ không cao

Quan chức kiểm soát dịch bệnh hàng đầu của Trung Quốc cho biết nước này đang chính thức xem xét việc trộn vắc xin COVID-19 như một cách để nâng cao hơn nữa hiệu quả của vắc xin.

Dữ liệu hiện có cho thấy vắc xin COVID-19 của Trung Quốc tụt hậu so với các vắc xin nước khác, gồm cả Pfizer và Moderna (Mỹ), về hiệu quả, nhưng yêu cầu kiểm soát nhiệt độ ít nghiêm ngặt hơn trong quá trình bảo quản.

Ông Cao Phúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, đã phát biểu tại một hội nghị ở thành phố Thành Đô, Trung Quốc rằng các loại vắc xin hiện có “không có tỷ lệ bảo vệ cao”.

Ông nói: “Việc tiêm chủng bằng cách sử dụng các loại vắc xin thuộc các dòng kỹ thuật khác nhau đang được xem xét”.

Ông Cao Phúc nói rằng thực hiện các bước để “tối ưu hóa” quy trình vắc xin bao gồm thay đổi số liều và khoảng thời gian giữa các liều là một giải pháp xác định cho các vấn đề về hiệu quả.

Ông Cao Phúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, thừa nhận vắc xin nội địa có hiệu quả không cao

Trung Quốc đã phát triển 4 loại vắc xin COVID-19 nội địa được chấp thuận cho sử dụng công khai và một quan chức cho biết rằng nước này có thể sẽ sản xuất 3 tỉ liều vào cuối năm nay.

Một loại vắc xin COVID-19 do Sinovac của Trung Quốc phát triển đã được phát hiện có tỷ lệ hiệu quả trên 50% một chút trong các thử nghiệm lâm sàng ở Brazil. Một nghiên cứu riêng biệt ở Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nó có hiệu quả 83,5%.

Không có dữ liệu chi tiết về hiệu quả được công bố về vắc xin do Sinopharm của Trung Quốc sản xuất. Sinopharm cho biết hai loại vắc xin do các đơn vị của mình phát triển có hiệu quả tương ứng là 79,4% và 72,5%, dựa trên kết quả tạm thời.

Cả hai nhà sản xuất vắc xin đã trình bày dữ liệu về vắc xin COVID-19 của họ cho thấy mức độ hiệu quả phù hợp với yêu cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một hội đồng WHO cho biết vào tháng 3.2021.

Trung Quốc đã vận chuyển hàng triệu vắc xin ra nước ngoài và các quan chức cũng như truyền thông nhà nước đã quyết liệt bảo vệ các mũi tiêm này khi bị đặt câu hỏi về tính an toàn, khả năng bảo quản.

“Dữ liệu kiểm tra tỷ lệ bảo vệ vắc xin toàn cầu cao, thấp khác nhau. Làm thế nào để nâng cao tỷ lệ bảo vệ của vắc xin là một vấn đề đòi hỏi các nhà khoa học toàn cầu phải xem xét”, Cao Phúc nói, cho biết thêm rằng việc trộn vắc xin và điều chỉnh phương pháp tiêm chủng là những giải pháp mà ông đã đề xuất.

Thời gian qua ghi nhận một số trường hợp mắc COVID-19 sau khi tiêm vắc xin Trung Quốc. Đáng chú ý là Thủ tướng Pakistan – Imran Khan.

Hôm 20.3, Bộ trưởng Y tế Pakistan – Faisal Sultan xác nhận Thủ tướng Imran Khan đã dương tính với COVID-19 hai ngày sau được tiêm liều đầu tiên của vắc xin do Trung Quốc sản xuất.

Thủ tướng Imran Khan được tiêm liều đầu tiên của vắc xin do tập đoàn dược Sinopharm chế tạo hôm 18.3.

Thủ tướng Imran Khan mắc COVID-19 sau 2 ngày được tiêm liều đầu tiên vắc xin của Sinopharm hôm 18.3

Trước lo ngại rằng vắc xin Sinopharm có hiệu quả bảo vệ thấp, Bộ Y tế Pakistan cho hay sau khi được tiêm vắc xin COVID-19, một người có thể mất nhiều tuần mới có được sự miễn nhiễm với coronavirus. Bộ Y tế Pakistan kêu gọi người dân không nên e ngại tiêm vắc xin Trung Quốc chỉ vì trường hợp của Thủ tướng Khan.

“Thủ tướng Imran Khan không được tiêm đầy đủ khi ông ấy mắc COVID-19. Ông ấy nhận liều thứ nhất chỉ cách đây hai ngày, quá ngắn để bất kỳ vắc xin nào phát huy hiệu quả. Các kháng thể phát triển 2-3 tuần sau khi được tiêm liều thứ 2 của vắc xin COVID-19”, Bộ Y tế Pakistan viết trên Twitter ngày 20.3.