Vẫn còn nhiều bất cập trong phát triển năng lượng tái tạo

Ngày 15/10, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức Diễn đàn khoa học “Chính sách phát triển năng lượng tái tạo trong việc đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường ở nước ta”.

Chủ trì diễn đàn là TS Phan Tùng Mậu, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam; Ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; Ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế T.Ư.

Trao đổi tại diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế T.Ư nhấn mạnh: Việc đảm bảo an ninh năng lượng trên phương diện quốc gia chính là sự duy trì liên tục, ổn định và đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng năng lượng với mức giá cả chấp nhận được. Trong đó các vấn đề về giá cả và sự đa dạng về nguồn cung cấp là những yếu tố có tính quyết định đến an ninh năng lượng xét trên góc độ lợi ích quốc gia. Do việc dần cạn kiệt của các nguồn nhiên liệu hóa thạch, suy thoái môi trường toàn cầu, các biến động chính trị, an ninh thế giới trị khó lường trước và các khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra trên phạm vi toàn cầu thì vấn đề an ninh năng lượng càng được nhiều quốc gia quan tâm và tìm giải pháp giải quyết vấn đề an ninh năng lượng của quốc gia mình.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Trưởng phòng, Phòng Kinh tế dự báo (P9), Viện Năng lượng, Bộ Công Thương cho rằng, phát triển năng lượng tái tạo là tất yếu, tuy nhiên vấn đề của năng lượng tái tạo không chỉ ở sự phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên mà còn là sự gia tăng về quy mô không đủ nhanh để đạt tới mức giá rẻ và thực tế trước những yêu cầu của nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng. Năng lượng tái tạo đang phải đối mặt thách thức lớn, bản chất của năng lượng sạch là dạng năng lượng không có sự ổn định, khó vận hành hơn so với năng lượng truyền thống. Điều này đặt ra thách thức làm sao phát triển nhanh và mạnh, trong khi đó phải đảm bảo sự an toàn, tin cậy của hệ thống điện.

Ông Đặng Đình Thống, Tổng Thư ký Hội sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam cho biết, sự phát triển năng lượng tái tạo vẫn còn một số bất cập như còn mang tính “thời vụ”, “tự phát”, không có quy hoạch, dẫn đến những bất cập về truyền tải điện, lãng phí tiền của nhà đầu tư và tài nguyên của đất nước. Thời gian có hiệu lực của một số Chính sách còn quá ngắn (ví dụ, Quyết định số 11 về ĐMT chỉ có hiệu lực từ tháng 4/2017 – 30/6/2019; Quyết định số 13 về ĐMT chỉ có hiệu lực từ tháng 4/2020 đến tháng 12/2020; Quyết định số 39 về điện gió chỉ có hiệu lực từ tháng 9/2018 đến tháng 12/2021) không phù hợp với quá trình phát triển và xây dựng dự án năng lượng tái tạo, dẫn đến hiện tượng “chụp giật” trong việc triển khai thực hiện nhiều  dự án ĐMT và điện gió. Thiếu các Tiêu chuẩn quốc gia về các nguồn điện năng lượng tái tạo, dẫn đến những sai lệch về mặt kỹ thuật trong lắp đặt các nguồn điện, nói riêng là các nguồn điện mặt trời áp mái. Điều này làm giảm hiệu quả kinh tế – kỹ thuật của các nhà đầu tư cũng như ảnh hưởng đến hệ thống điện nói chung. Việc vận hành hệ thống điện tích hợp, trong đó có các nguồn điện mặt trời và điện gió luôn bị thay đổi theo thời gian, thời tiết… còn gặp rất nhiều khó khăn do cán bộ vận hành thiếu kiến thức và kinh nghiệm; Thiếu nhân lực chuyên môn về quản lý, xây lắp và vận hành các nguồn năng lượng tái tạo.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận và đưa ra nhiều ý kiến, tuy nhiên vẫn đồng quan điểm rằng, việc phát triển năng lượng tái tạo và nâng tỷ lệ của năng lượng tái tạo vừa là định hướng vừa là nhiệm vụ, trọng tâm chính là tạo ra nguồn năng lượng sạch, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm thiểu sử dụng năng lượng hoá thạch, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Việc phát triển các dự án cần phải quan tâm đúng mức đối với các tác động đến môi trường, xã hội, bảo vệ văn hoá và tập quán bản địa, đảm bảo sinh kế cho người dân địa phương. Các dự án năng lượng tái tạo khi triển khai sẽ mang lại lợi ích về mặt kinh tế nếu chúng sử dụng lao động địa phương, vật liệu và dịch vụ kinh doanh địa phương.