Phê duyệt Đề án “Phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030”

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt Đề án “Phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt Đề án “Phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030”. Ảnh: Ngọc Hà

Theo Tổng cục Phòng, Chống thiên tai, thời gian qua, do diễn biến bất thường của thời tiết, nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cùng với tác động tiêu cực của phát triển kinh tế-xã hội, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển và bồi lấp cửa sông đã và đang diễn biến rất phức tạp trên phạm vi cả nước, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, các công trình phòng chống thiên tai, cơ sở hạ tầng ven sông, ven biển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái.

Để có các giải pháp căn cơ, lâu dài ứng phó với tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030. Theo đó, Đề án đã đặt ra mục tiêu là chủ động phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển tạo điều kiện ổn định và phát triển kinh tế – xã hội khu vực ven sông, ven biển, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng đến năm 2030, gồm: Điều tra, đánh giá, cập nhật cơ sở dữ liệu về sạt lở bờ sông, bờ biển; Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, giám sát sạt lở và quản lý bờ sông, lòng sông, bờ biển; Quản lý việc xây dựng công trình, nhà cửa tại khu vực ven sông, ven biển; Xử lý sạt lở các khu vực trọng điểm xung yếu, chỉnh trị ổn định dòng chảy tại một số phân lưu, hợp lưu, trên các đoạn sông chính, khu vực cửa sông, ven biển.

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, Đề án “Phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 đã đề ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp, bao gồm: Truyền thông, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về phòng chống sạt lở; tăng cường quản lý các hoạt động ven sông, ven biển; hiện đại hóa công tác quan trắc, dự báo, kịp thời cảnh báo nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển;

Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; xây dựng công trình tại các khu vực trọng điểm để phòng chống sạt lở, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và công trình hạ tầng thiết yếu.

Sạt lở đê ở Cà Mau. Ảnh: Nhật Hồ

Nguồn vốn thực hiện Đề án bao gồm ngân sách nhà nước, quỹ phòng chống thiên tai và các nguồn vốn hợp pháp khác, trong đó cũng đã xác định cụ thể những hoạt động trong việc sử dụng các nguồn vốn, đặc biệt là ngân sách trung ương, ngân sách địa phương.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ quản lý thực hiện các nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Đề án.