Ấn Độ “trao đổi” với Bhutan sau động thái mới của Trung Quốc

Ấn Độ đang trao đổi với Bhutan trong bối cảnh Bắc Kinh vừa khơi mở một cuộc tranh chấp mới với Thimphu liên quan đến một khu bảo tồn thậm chí không tiếp giáp lãnh thổ Trung Quốc.

Báo điện tử The Print của Ấn Độ ngày 7-7 đưa tin New Delhi “đang trao đổi” với Thimphu sau khi Trung Quốc khơi mở một cuộc tranh chấp mới liên quan đến Khu bảo tồn động vật hoang dã Sakteng ở miền đông Bhutan.

Tờ báo dẫn các nguồn tin cho biết Ấn Độ tin lý do chính của việc Trung Quốc khơi mở cuộc tranh chấp mới với Bhutan liên quan đến khu bảo tồn nói trên là nhằm “khiêu khích” Ấn Độ. Các nguồn tin này cho biết khu bảo tồn Sakteng nằm tiếp giáp bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.

Một cửa khẩu giữa Bhutan và Ấn Độ. Ảnh: HINDUSTAN TIMES/ANI

Theo các nguồn tin chính thức, trong khi Ấn Độ không định “can dự trực tiếp” vào cái mà họ cho là vấn đề song phương giữa Bhutan và Trung Quốc, New Delhi đang theo dõi những diễn biến như là một toan tính khác của Bắc Kinh nhằm khẳng định chủ quyền ở khu vực Hinalaya.

Các nguồn tin trong chính phủ Bhutan nói với The Print rằng biên giới với Trung Quốc đang được đàm phán và chưa được phân định, nhưng đồng thời nhắc lại thực tế rằng không có tranh chấp ở vùng lãnh thổ phía Đông.

Trong những năm qua, đã có 24 vòng đàm phán vể biên giới được tổ chức giữa Bhutan và Trung Quốc. Vòng đàm phán thứ 25 đã bị hoãn do dịch COVID-19.

“Tất cả các khu vực tranh chấp sẽ được thảo luận trong vòng đàm phán biên giới tiếp theo, vốn sẽ được tổ chức ngay vào thời điểm thuận tiện cho hai bên” – một quan chức cấp cao của Bhutan cho biết, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng khu vực phía đông biên giới của họ không hề là điểm tranh chấp giữa nước này với Trung Quốc.

Theo báo India Today, tuần qua Bộ Ngoại giao Bhutan đã gửi công hàm đến Đại sứ quán Trung Quốc ở New Delhi để phản đối việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với khu bảo tồn Sakteng. Bhutan, một trong những đồng minh truyền thống của Ấn Độ, không có quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc.

Việc Trung Quốc gần đây nói rằng khu bảo tồn Sakteng ở Bhutan là địa điểm tranh chấp đã bị các chuyên gia bác bỏ vì không chính xác về mặt lịch sử. Nhà báo Tenzing Lamsang của Bhutan hôm 7-7 đã đăng một bản đồ năm 1977 do Trung Quốc ấn hành cho thấy khu bảo tồn Sakteng nằm trong lãnh thổ Bhutan ngay cả khi nó phản ánh yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với bang Arunachal Predesh của Ấn Độ.