Vụ mất hơn 550 ha rừng: Gia Lai khẳng định làm đúng theo luật

Mặc dù kết luận Ban Quản lý rừng phòng hộ Ayun Pa thiếu trách nhiệm, không ngăn chặn kịp thời để xảy ra việc xâm chiếm, chặt phá hơn 550ha rừng, nhưng cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai vẫn ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự nên gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Để phá rừng trong thời gian dài

Theo Thanh tra tỉnh Gia Lai, trong những năm từ 2015-2018, Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Ayun Pa do ông Rcom Jem làm trưởng ban, phó ban là ông Lê Đức Danh và kế toán là Bùi Văn Thanh. Đơn vị này được giao nhiệm vụ quản lý và bảo vệ hơn 10.000ha rừng. Tuy nhiên, trong thời gian kể trên, BQL đã để người dân di cư tự do và các đối tượng xấu xâm chiếm, chặt đốt, phá hơn 550ha rừng, làm rừng mất đi khả năng phục hồi.

Thanh tra tỉnh Gia Lai kết luận, việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng diễn ra hàng năm, nhưng đơn vị không phát hiện ngăn chặn, theo dõi, thống kê, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) và UBND tỉnh.

Ngoài ra, BQL rừng phòng hộ Ayun Pa đã giao khoán bảo vệ rừng cho 13 nhân viên sai quy định, dẫn đến thất thoát số tiền gần 263 triệu đồng. Mặc dù không có rừng nhưng ông Rcom Jem và cán bộ dưới quyền vẫn lên kế hoạch bảo vệ trên giấy tờ nhằm mục đích trục lợi tiền ngân sách hơn 70 triệu đồng. Tổng số tiền giao khoán bảo vệ rừng chi không đúng quy định hơn 333 triệu đồng.

Trong công tác quản lý tài chính, BQL còn chi sai quy định hơn 1,3 tỉ đồng. Cụ thể, quyết toán sai nguyên tắc với số tiền hơn 800 triệu đồng, chủ yếu chi sai ngân sách và chi sai tiền dịch vụ môi trường rừng. Dù không đúng đối tượng, BQL rừng vẫn xin phụ cấp cho nhân viên của ban hơn 545 triệu đồng. BQL còn tổ chức bán gỗ thanh lý nhưng không đưa vào công quỹ.

Nhiều vụ phá rừng ở Gia Lai mà chủ rừng gần như vô can. Ảnh: KHÁNH ANH

Quyết định thiếu thuyết phục

Với các sai phạm có tính chất hệ thống và nghiêm trọng như vậy song mới đây, Công an tỉnh Gia Lai đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự liên quan đến trách nhiệm quản lý, điều hành của BQL rừng khiến dư luận băn khoăn và ngỡ ngàng.

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Dương Hoàng Nguyện – Trưởng phòng Thanh tra Pháp chế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai – cho biết: “Việc cơ quan Công an tỉnh không xử lý hình sự được cũng là theo quy định pháp luật. Nếu không truy cứu trách nhiệm hình sự, chắc chắn bên phía ngành Kiểm lâm và Sở NNPTNT Gia Lai sẽ xem xét xử lý trách nhiệm về mặt hành chính, về mặt Đảng đối với BQL rừng phòng hộ Ayun Pa”.

Ông Nguyện nói rằng, liên quan đến những sai phạm hàng tỉ đồng trong công tác tài chính, bắt buộc phải khắc phục, nộp đủ số tiền vào tài khoản ngân hàng theo quy định.

Còn ông Ngô Ngọc Sinh – Chánh Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai – cho hay, trong quyết định, Công an tỉnh Gia Lai cũng nêu kiến nghị xử lý về nhiều vấn đề, ngoài thu hồi tiền về cho Nhà nước thì phải có phòng ban chức năng tổ chức giám sát. Sắp tới, UBND tỉnh Gia Lai sẽ giao cho các đơn vị chủ quản xử lý kỷ luật cán bộ nghiêm túc theo đúng chức năng, nhiệm vụ.

Có thể nói, việc trả lời không đi sâu vào bản chất vấn đề và khẳng định làm theo quy trình pháp luật của cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai còn thiếu thuyết phục được dư luận. Chưa kể, vụ xâm chiếm, phá rừng đã được Thanh tra tỉnh kết luận từ năm 2018 mà đến nay Sở NNPTNT Gia Lai vẫn chưa ra thông báo kỷ luật cán bộ, viên chức BQL rừng phòng hộ Ayun Pa. Dư luận có quyền hoài nghi ngờ về sự dung túng sai phạm của cơ quan chủ quản.