Vụ để mất 551ha rừng tại Ayun Pa: Vì sao không khởi tố vụ án hình sự?

Ngoài việc chi tiêu sai, để thất thoát công quỹ hàng tỉ đồng, Ban quản lý rừng phòng hộ Ayun Pa, Gia Lai còn để mất hơn 550ha trong số 10.000 ha đất rừng được giao quản lý. Thế nhưng, không có cá nhân, tổ chức nào bị truy cứu trách nhiệm…

Hiện trường một vụ phá rừng ven đường Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Hải

Ngày 23.6, Công an tỉnh Gia Lai cho biết sẽ không khởi tố vụ án hình sự liên quan đến trách nhiệm quản lý, điều hành của Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Ayun Pa vì chưa có đầy đủ căn cứ.

Dù trước đó, thời điểm cuối năm 2018, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã chuyển hồ sơ sang Công an tỉnh, kiến nghị khởi tố BQL rừng phòng hộ Ayun Pa, vì đã không thực hiện đúng chức năng, trách nhiệm của chủ rừng.

Đơn vị này được giao quản lý, bảo vệ hơn 10.000 ha đất rừng, nhưng chỉ trong 3 năm – từ 2015-2018, đã để mất hơn 550 ha đất rừng mà không phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004. Ngoài ra, BQL rừng phòng hộ Ayun Pa cũng sai phạm trong vấn đề tài chính với số tiền hơn 1,3 tỉ đồng.
Nhận định vấn đề nghiêm trọng nên Thanh tra tỉnh Gia Lai đã chuyển toàn bộ hồ sơ và bản kết luận thanh tra cho cho công an để điều tra, xử lý hình sự.

Tuy nhiên, sau thời gian dài nghiên cứu hồ sơ, làm việc với những người có chức trách trong BQL rừng phòng hộ Ayun Pa, Công an tỉnh Gia Lai quyết định không khởi tố vụ án hình sự do không có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội được quy định tại khoản 2, Điều 157 Bộ Luật Tố tụng hình sự.

Mất rừng ở Ayun Pa không đơn thuần chuyện gỗ rừng bị lâm tặc đốn hạ, vận chuyển, buôn bán trái phép mà còn công khai đốt phá, lấn chiếm đất để canh tác, mua bán chuyển nhượng đất rừng… diễn ra suốt nhiều năm. Vấn đề là nhà nước phải chi cả trăm tỉ đồng mỗi năm cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhưng ở Ayun Pa, BQL rừng đã buông lỏng quản lý, không kịp thời theo dõi, thống kê đối tượng, diện tích rừng bị phá, tình trạng đất bị lấn chiếm. Khi mất rừng cũng không báo cáo kịp thời cho cơ quan quản lý cấp trên.

Hơn 550 ha bị mất không có khả năng khắc phục. Đó không chỉ là rừng, là đất lâm nghiệp bị mất, mà hệ sinh thái đã bị phá vỡ, mất cân đối môi trường, và phá vỡ luôn sự tôn nghiêm của pháp luật, làm giảm uy tín của nhà nước.

Khi chưa đủ cơ sở, bằng chứng phạm tội thì công an không truy cứu được trách nhiệm hình sự, nhưng hậu quả của mất đất, mất rừng thì hiển hiện, không bao giờ khắc phục được. Rừng không chỉ là “lá phổi xanh” cho vạn vật, nhân loại, mà có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đất, nguồn nước, điều hòa khí hậu.