Malaysia phong tỏa toàn quốc, cấm dân xuất cảnh vì dịch bệnh

Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đêm 16/3 tuyên bố lệnh phong tỏa toàn quốc có hiệu lực trong vòng 2 tuần, trong nỗ lực ngăn đà lây lan của virus corona.

Trong phát biểu được truyền hình trực tiếp ngày 16/3, Thủ tướng Muhyiddin Yassin thông báo chính phủ sẽ thực thi Lệnh Kiểm soát Di chuyển từ ngày 18-31/3. Quyết định được đưa ra sau khi số ca nhiễm virus corona tại Malaysia tăng đột biến, với 125 ca nhiễm mới phát hiện, nâng tổng số ca dương tính ở nước này lên 553.

Malaysia đã trở thành nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á tiến hành phong tỏa toàn quốc để ứng phó với Covid-19. Theo New Straites Times, người dân Malaysia sẽ không được xuất cảnh trong thời gian Lệnh Kiểm soát Di chuyển có hiệu lực trừ một số trường hợp đặc biệt.

Trước đó, Philippines đã phong tỏa nhưng chỉ mới áp dụng cho khu vực vùng thủ đô Manila.

“Chính phủ đánh giá tình hình hiện nay rất nghiêm trọng, đặc biệt với diễn biến của làn sóng lây nhiễm thứ hai”, ông Yassin cho biết.

“Chúng ta không thể chờ tình hình xấu hơn nữa. Cần hành động quyết liệt ngay lập tức, hạn chế di chuyển trong xã hội để ngăn dịch bệnh lan rộng. Đây là cách duy nhất để chúng ta ngăn số người nhiễm gia tăng và đợt bùng phát có thể hủy hoại cuộc sống nhiều người”, ông cho biết.

Tín đồ Hồi giáo rời một thánh đường ở Kuala Lumpur hôm 13/3. Ảnh: Reuters.

Lệnh phong tỏa chính thức có hiệu lực từ ngày 18/3, áp dụng với mọi hoạt động tập trung đông người, bao gồm cả hoạt động thể thao, xã hội, văn hóa và tôn giáo. Những địa điểm tôn giáo và cơ sở kinh doanh trên cả nước buộc phải đóng cửa, trừ siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi và cửa hàng bán nhu yếu phẩm.

Ông Muhyiddin Yassin cho biết mọi hoạt động trong các nhà thờ Hồi giáo sẽ tạm dừng, bao gồm cả hoạt động cầu nguyện vào các ngày thứ sáu hàng tuần. Công dân Malaysia trể về từ nước ngoài buộc phải kiểm tra y tế và tự cách ly trong 14 ngày. Sẽ có lệnh hạn chế nhập cảnh cho khách du lịch đến Malaysia.

Mọi cơ sở giáo dục gồm các nhà trẻ, trường tiểu học, trung học và trường tư, cùng với các trường đại học công lập và tư nhân, cơ sở đào tạo nghề, sẽ tạm dừng hoạt động. Tất cả cơ sở chính phủ và tư nhân đều đóng cửa, trừ những dịch vụ thiết yếu với xã hội là điện, nước, năng lượng, viễn thông, vận tải, phát thanh truyền hình, tài chính, an ninh và y tế.

“Đừng hoảng loạn. Đừng lo sợ. Và hãy bình tĩnh. Tôi tin với các biện pháp hạn chế mà chính phủ đặt ra, chúng ta sẽ chặn đứng được sự bùng phát của dịch bệnh”, thủ tướng Malaysia nhấn mạnh.

Kệ hàng trống trơn tại một siêu thị ở Kuala Lumpur hôm 16/3. Ảnh: Reuters.

“Tôi hiểu mọi người sẽ cảm thấy bất tiện và cuộc sống hàng ngày bị đảo lộn vì những quy định này. Tuy nhiên, đây là hành động cần thiết của chính phủ nhằm khống chế Covid-19 lan rộng và có thể cướp đi sinh mạng của nhân dân đất nước chúng ta”.

“Chúng ta đã nhìn thấy số ca bệnh Covid-19 tăng đột ngột trong một thời gian ngắn ở nhiều nước khác. Tôi chắc chắn các bạn không muốn điều đó xảy ra ở đất nước chúng ta”, ông chia sẻ.

“Tôi đã chỉ đạo bộ Thương mại giám sát tình hình thực phẩm và nhu cầu thường ngày trong xuyên suốt thời gian thực hiện lệnh hạn chế đi lại. Tôi cầu xin tất cả người dân tuân thủ lệnh hạn chế đi lại. Đây là nghĩa vụ của tất cả và chúng ta phải thực hiện đúng nghĩa vụ công dân, ý thức quan tâm đến gia đình, cộng đồng và đất nước”, ông nói.

Tuyên bố phong tỏa toàn quốc được Thủ tướng Muhyiddin Yassin công bố sau khi nước ngày ghi nhận thên 125 ca nhiễm mới trong ngày 16/3. Trước đó một ngày, số ca nhiễm tăng đột biến với 190 trường hợp dương tính. Phần lớn ca nhiễm có liên quan đến một buổi lễ Hồi giáo được tổ chức vào tháng 2, theo thông báo của Bộ Y tế Malaysia.

Buổi lễ “tabligh” này có khoảng 16.000 người tham dự cầu nguyện, diễn ra từ ngày 27/2 đến 1/3.

Trong số 14.500 người Malaysia tham dự, mới có khoảng 7.000 người khai báo để tiến hành xét nghiệm, bất chấp những nỗ lực kêu gọi của chính phủ và chức sắc tôn giáo.

Trong 553 ca nhiễm tại Malaysia, mới có 42 người hồi phục. Còn đến 511 trường hợp được điều trị tại các bệnh viện, trong đó có 12 trường hợp cần hồi sức tích cực. Những biện pháp hạn chế mạnh tay được tiến hành với hy vọng giảm tốc độ lây nhiễm trong cộng đồng và giảm sức ép lên hệ thống y tế quốc gia, ngăn xảy ra tình trạng quá tải về nguồn lực và sụp đổ cả hệ thống.