Đắk Nông: Lạ lùng chuyện cứ quản lý là rừng lại bị xâm chiếm

Thanh tra Chính phủ vừa thông báo kết luận thanh tra số 2365/TB-TTCP về việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất nông, lâm nghiệp tại một số công ty, doanh nghiệp được giao, thuê đất trên địa bàn tỉnh Đắk Nông từ năm 2012 đến năm 2018, tập trung vào các huyện, thị xã có nhiều khiếu nại, tố cáo.

Cứ quản lý là để rừng bị xâm chiếm

Theo đó, Tổng diện tích rừng và đất quy hoạch cho lâm nghiệp trên địa bàn được UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt đến tháng 12/2017 là 329.330,34ha. Trong đó, diện tích đất có rừng 256.850,33ha, đất chưa có rừng quy hoạch cho phát triển rừng 72.480,01ha, độ che phủ của rừng đạt 39,42%.

Diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng giao và cho thuê quản lý, sử dụng, gồm Ban quản lý rừng đặc dụng là 45.129,57ha, Ban quản lý rừng phòng hộ 46.405,97ha, doanh nghiệp Nhà nước 107.593,20ha, doanh nghiệp ngoài quốc doanh 32.890,10ha, đơn vị vũ trang 16.716,38ha, cộng đồng dân cư 3.659,82ha, hộ gia đình, cá nhân 399,84ha, UBND cấp xã 67.620,25ha; các tổ chức khác 8.915,25ha.

Thanh tra Chính phủ xác định, trong quá trình thực hiện sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường, doanh nghiệp nhà nước, UBND tỉnh Đắk Nông đã thu hồi 113.346ha đất, rừng của các nông, lâm trường giao cho các Ban quản lý rừng, Khu Bảo tồn thiên nhiên, Vườn Quốc gia, các địa phương và một số các đơn vị, tổ chức, hộ gia đình cá nhân quản lý.

Trong đó, UBND tỉnh đã giao 44.520,8ha đất cho 52 công ty, doanh nghiệp tư nhân thuê để thực hiện 54 dự án nông, lâm nghiệp theo hình thức thỏa thuận địa điểm với các nông, lâm trường để lấy đất. Sau đó UBND tỉnh đồng thời ra quyết định thu hồi đất của nông lâm trường với các lý do nông lâm trường tự nguyện trả lại đất hoặc lý do để cho doanh nghiệp tư nhân thuê đất thực hiện dự án. Cách làm này là không đúng quy định – Thanh tra Chính phủ kết luận.

Thông báo kết luận thanh tra chỉ rõ khuyết điểm tồn tại là việc quản lý, sử dụng đất, rừng sau khi thực hiện sắp xếp, đổi mới theo Nghị định 200/2004/NĐ-CP tại các Công ty nông, lâm nghiệp, Ban quản lý rừng đã để xảy ra nhiều sai phạm, nhiều diện tích rừng bị hủy hoại, đất rừng bị lấn chiếm.

Bên cạnh đó, công tác quản lý bảo vệ rừng chưa được kịp thời, để rừng tự nhiên bị chặt phá, đất rừng bị lấn chiếm, một số đơn vị để mất rừng với diện tích lớn. Cụ thể tại 7/14 Công ty TNHH MTV lâm nghiệp, từ năm 2004 đến tháng 01/2018, diện tích rừng đã bị giảm 8.520,8ha. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên sản xuất giảm 7.921,44ha, diện tích rừng trồng sản xuất giảm 179,3ha, diện tích rừng phòng hộ giảm 420,1ha; diện tích đất đang bị người dân lấn, chiếm 2.306,5ha.

Thanh tra Chính phủ cũng kết luận, theo tổng hợp báo cáo, tính đến tháng 5.2018, một số công ty nông lâm nghiệp, ban quản lý rừng đang quản lý, sử dụng đã buông lỏng quản lý để diện tích đất, rừng bị xâm chiếm lớn. Chẳng hạn như Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng, Công ty Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đức Hòa, Công ty Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đắk Măng (nay là Ban quản lý rừng phòng hộ Đắk Măng), Công ty Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đắk N’tao, Công ty Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Quảng Sơn, Trung đoàn 726 (Binh đoàn 16).

“Để xảy ra sai phạm trên, trách nhiệm thuộc về lãnh đạo UBND tỉnh, giám đốc các Sở Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc các công ty TNHH MTV lâm nghiệp, giám đốc các ban quản lý rừng, giám đốc các công ty, doanh nghiệp được giao, cho thuê đất” – kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Cứ cho thuê là lại… sai

Ngoài ra, UBND tỉnh còn cho 43 công ty, doanh nghiệp thuê đất thực hiện 44 dự án đầu tư quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng và sản xuất nông lâm kết hợp, với tổng diện tích 33.937,5ha. Trong đó, có 448ha nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là không đúng với quy định tại Điều 23 Luật bảo về và phát triển rừng năm 2004.

UBND tỉnh còn chấp thuận chủ trương đầu tư cho 18 dự án chưa được thẩm định nhu cầu sử dụng đất, điều kiện cho thuê đất là không đúng với quy định. Cho 2 doanh nghiệp thuê đất là công ty TNHH TMDVKS Phú Gia Phát và HTX Nông nghiệp TMDV Hợp Tiến nhưng chưa thực hiện ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án là không đúng.

Một số công ty, doanh nghiệp được giao, thuê đất để thực hiện dự án không chấp hành nghĩa vụ tài chính, còn nợ tiền, những chưa có biện pháp kiên quyết thu hồi, chưa xử lý phạt chậm nộp theo quy định, điển hình như: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp Đức Hòa 37,552 tỉ đồng; Công ty trách nhiệm hữu hạn khai thác khoáng sản Đắk Nông Sài Gòn 1,359 tỉ đồng; Công ty cổ phần Đông Bắc 2,652 tỉ đồng; Công ty trách nhiệm hữu hạn Hào Quang 1,408  tỉ đồng; Công ty cổ phần chế biến Nông lâm sản dược liệu sạch 3,225 tỉ đồng…

Ngoài ra một số doanh nghiệp sai phạm, sử dụng dất không hiệu quả, UBND tỉnh đã thu hồi nhưng việc xử lý nghĩa vụ tài chiến chưa dứt điểm như Công ty CP ĐTXD 59 nợ 1,130 tỷ đồng; Công ty TNHH Bảo Lâm 2,792 tỷ đồng; Công ty TNHH Greenfeed 1,028 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ xác định: Tình hình khiếu kiện tranh chấp đất giữa người dân với một số công ty, doanh nghiệp được giao, thuê đất trên địa bàn, trong thời gian qua diễn biến phức tạp, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh thành điểm nóng, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

“Nguyên nhân chính là do khi thu hồi đất của các nông lâm trường để cho các công ty, doanh nghiệp thuê đất, các cơ quan chức năng của tỉnh thiếu kiểm tra, rà soát các đối tượng đang sử dụng đất nằm trong diện tích đất thu hồi để có phương án giải quyết hợp lý; việc quản lý của các cơ quan nhà nước bị buông lỏng, các công ty, doanh nghiệp sau khi được giao, thuê đát nông lâm nghiệp để diện tích rừng bị phá, lấn chiếm với diện tích lớn…”, kết luận chỉ rõ.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Đắk Nông và các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, TNMT, Công an, Kế hoạch và đầu tư, tài chính thực hiện nghiêm các nội dung kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.