Giải cứu sông Mê Kông

Các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đang ra sức làm sạch dòng sông Mê Kông.

Ảnh: baomoi.com

Giữa tháng 8 năm ngoái, toàn thế giới sửng sốt khi nhìn thấy một em bé bơi trong biển rác. Cả cơ thể em chìm trong rác, chỉ còn cái đầu ngoi lên mệt mỏi. Đó là bức ảnh được tác giả ghi lại trong lần ghé đến sông Mê Kông vào mùa lũ tại Phnom Penh.

Không riêng Campuchia, trẻ em các vùng dọc sông Mê Kông gồm Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Việt Nam cũng đang ngụp lặn trên những dòng sông ô nhiễm.

Nhìn các em bì bõm, mưu sinh và cả ăn uống, chơi đùa… ngay trên những dòng sông hôi thối bẩn thỉu, ai nấy đều cảm thấy xót xa.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng là người vừa thực hiện chuyến đi dọc bờ biển để chụp hình về rác. Sau gần 2 tháng độc hành rong ruổi qua 28 tỉnh thành từ Bắc tới Nam, với khoảng 7.000km, điều anh nhìn thấy là rác thải ở khắp nơi.

Có những bãi biển kéo dài cả cây số không thấy cát đâu, chỉ thấy toàn rác. Nhiều vùng miền, người ta còn vô tư quăng rác ra sông, ra biển.

Thực trạng đó khiến Nguyễn Việt Hùng không khỏi bàng hoàng và càng thôi thúc anh phải chụp thật nhiều bức ảnh chân thực, với hy vọng sẽ tác động vào cảm xúc người xem, giúp người dân dần thay đổi nhận thức, từ đó thay đổi hành vi.

Thực tế, theo công bố của Chương trình Môi trường Liên hiệp Quốc (UNEP), mỗi năm thế giới thải ra lượng nhựa đủ để trải quanh trái đất 4 lần, với khoảng 500 tỉ túi nhựa.

Trong đó, Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về thải rác, với khối lượng rác nhựa thải ra biển Đông vào khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển của thế giới.

Đây là con số đáng báo động. Nhìn ra toàn sông Mê Kông, công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Christian Schmidt, nhà địa chất thủy văn học tại Trung tâm Nghiên cứu môi trường Helmholtz (Đức) chỉ ra, sông Mê Kông là 1 trong 10 con sông gây ô nhiễm nhất thế giới.

Các con sông này “đóng góp” tới 88-95% lượng rác thải toàn cầu ra biển. Sông Mê Kông giờ đây đã không còn huyền bí hấp dẫn, với hệ thiên nhiên nhiệt đới lớn, mức độ đa dạng sinh học chỉ đứng sau sông Amazon, cung cấp lượng cá nước ngọt khổng lồ…

Dòng sông này hiện bị khai thác triệt để, với hàng chục đập thủy điện mọc lên.

Các con đập trên sông Mê Kông đã đe dọa nghiêm trọng sức khỏe sinh thái, nền kinh tế và an ninh lương thực của khu vực. Theo Trung tâm Quản lý môi trường Quốc tế (ICEM), nếu cả 11 đập được xây dựng thì đến năm 2030, tài nguyên cá bị giảm 26-42% so với năm 2000.

Ủy hội Sông Mê Kông (MRC) thì ước tính, nếu tất cả các dự án thủy điện được xây dựng, lượng phù sa mịn sẽ giảm tiếp một nửa.

Thiếu phù sa, đồng bằng sẽ không được bồi đắp, sức tàn phá của dòng chảy tăng lên, sạt lở sẽ dữ dội hơn. Khi đó, ông Lê Anh Tuấn, chuyên gia môi trường và tài nguyên, thuộc Trung tâm Biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), dự báo: “Sự tan rã của đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn là vấn đề thời gian“.

Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) đã kêu gọi 6 nước ở sông Mê Kông có cách tiếp cận khác đối với phát triển kinh tế khu vực.

Về vấn đề rác thải nhựa trên sông Mê Kông, bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, từng kêu gọi chính phủ, doanh nghiệp và người dân các nước thuộc vùng Mê Kông hãy hành động thiết thực. Đó là nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần; sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; thu gom, xử lý rác thải nhựa; cùng tạo ra một Việt Nam xanh hơn, sạch hơn.

Thực tế, như xác nhận của bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Phó Trưởng Đại diện Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) tại Việt Nam, “thu gom, xử lý rác thải nhựa là một việc không dễ dàng”. Thứ nhất, rác trên sông Mê Kông đã dày đặc, với nhiều loại rác quá lớn, trôi nổi. Thứ 2, Việt Nam thiếu các cơ sở hạ tầng cho quản lý, phân loại, xử lý rác thải nhựa…

Mặc dù vậy, nhiều cá nhân, tổ chức vẫn mong muốn góp phần làm sạch dòng sông Mê Kông.

Mới đây, Tập đoàn  Hanwha (Hàn Quốc) đã phối hợp với Tổng cục Môi trường Việt Nam và GGGI phát động chiến dịch “làm sạch sông Mê Kông”. Trong dịp này, Hanwha đã tặng tỉnh Vĩnh Long 2 thuyền vớt rác.

Điểm đặc biệt là thuyền chạy bằng năng lượng mặt trời, không thải khí gây ô nhiễm, chạy khá êm, tiếng máy nhỏ, không gây ảnh hưởng đến động vật.

Theo ông Sun-Mok Choi, Chủ tịch kiêm Trưởng ban Truyền thông Tập đoàn Hanwha, nếu thử nghiệm thành công, Hanwha sẽ mở rộng hoạt động ra các tỉnh thành khác.

Trước đó, tổ chức The Ocean Cleanup (TOC) của Hà Lan cũng đã làm việc với Cần Thơ để đặt hệ thống thu gom rác nổi tự động trên sông tại thành phố này. Đây là thuyền thu gom rác thải trên sông tự động do TOC tự nghiên cứu.

Thiết bị này sử dụng năng lượng mặt trời, được kết nối với điện thoại để biết lượng rác thu gom. TOC đặt mục tiêu thu gom khoảng 90% lượng rác nổi trên sông. Nếu thuận lợi, TOC sẽ nhân rộng hàng trăm hệ thống thu gom rác tự động như thế trên các con sông toàn thế giới.

Tình trạng rác thải ra sông ra biển là vấn nạn toàn cầu. Vì thế, nhiều công ty đã tìm cách thu gom rác thải hiệu quả. RanMarine Technology (Hà Lan) đã sáng chế thiết bị hút rác trên mặt nước. Chiếc máy này có thể tiêu thụ 350kg rác và hoạt động 16 tiếng mỗi ngày, chạy bằng pin, không thải khí, có khả năng thu thập thông số của nước (độ mặn, sâu, nồng độ hóa chất, độ pH, nhiệt độ…).

Hay Urban Rivers đã phát minh một loại robot thùng rác có khả năng làm sạch bất cứ dòng sông nào trên thế giới. Một mạng lưới gồm khoảng 10 doanh nghiệp Đức cũng đã xây dựng hệ thống thu gom, tái chế nhằm dọn rác nhựa trên biển trên phạm vi toàn cầu.

Dù nỗ lực của các tổ chức vẫn còn khiêm tốn so với mức độ ô nhiễm và tình trạng rác thải trên thế giới nhưng các công ty hy vọng, những hành động của họ sẽ có tác động lan tỏa, khơi dậy ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân ở các vùng ô nhiễm,