Phòng ngừa say nắng, say nóng cho trẻ

Mấy ngày nay, nhiệt độ và độ ẩm tăng cao bất thường kéo theo nguy cơ trẻ bị suy kiệt vì nóng, thậm chí là say nắng. Quá nhiều hoạt động ở ngoài trời, ở lâu dưới ánh nắng gay gắt, không uống đủ nước và mặc quần áo không thích hợp có thể khiến trẻ mắc các bệnh do nắng nóng.

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, trong thời gian này, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng từ 2500-3000 lượt bệnh nhân đến khám. Đặc biệt, khoa Cấp cứu – Chống độc của bệnh viện luôn “tấp nập” người ra vào.

Bác sĩ Ngô Anh Vinh (Khoa Cấp cứu – Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm, mỗi ngày khoa tiếp nhận hơn 100 ca cấp cứu. Bệnh nhân nhập viện chủ yếu là các bệnh lý đặc trưng của mùa hè là sốt virus, tiêu chảy, nhiều trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính như viêm họng, ho, chuyển biến nặng hơn là viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não…

Tuy nhiên cũng có một số trẻ nhập viện vì sốc nhiệt, viêm đường hô hấp biến chứng sang viêm phổi nặng, sốt cao khó hạ thân nhiệt. Theo các bác sĩ, chính sự thay đổi của thời tiết đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như: vi khuẩn, virus… dễ bùng phát và tấn công khiến trẻ rất dễ mắc bệnh vì trẻ em có sức đề kháng còn yếu kém.

Bệnh viện Nhi Trung ương đón nhiều người bệnh trong những ngày nắng nóng (Ảnh: Mạnh Hà)

Các nhóm trẻ có nguy cơ gặp vấn đề về sức khỏe do nắng nóng gồm: Trẻ dưới 4 tuổi; trẻ bị bệnh cấp tính, đặc biệt là sốt và bệnh đường tiêu hóa; trẻ vận động quá nhiều, nhất là khi chưa quen với nắng nóng, quá béo hoặc không thật khỏe mạnh; trẻ đang dùng các loại thuốc làm giảm khả năng điều hòa nhiệt của cơ thể (ví dụ như thuốc kháng histamin chống dị ứng, thuốc lợi tiểu hay thuốc điều trị bệnh tâm thần); trẻ từng có tiền sử bị bệnh liên quan tới nắng nóng.

Thân nhiệt cao dễ gây tổn thương não

Bác sỹ Trần Thu Thủy, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Để có thể hoạt động bình thường, cơ thể phải liên tục duy trì nhiệt độ ở mức 37 độ C. Thân nhiệt chịu sự kiểm soát chặt chẽ của tuyến dưới đồi nằm ở não.

Khi thân nhiệt tăng cao, tuyến dưới đồi “bật đèn xanh,” giúp khởi động một loạt thay đổi trong cơ thể. Trẻ thở nhanh hơn và nông hơn, lượng máu di chuyển tới da tăng lên và mồ hôi toát ra.

Phần lớn nhiệt dư thừa được thải qua da. Điều này sẽ diễn ra dễ dàng nếu không khí xung quanh mát và khô. Khi không khí nóng, ẩm, trẻ lại ở trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời thì việc thải nhiệt sẽ gặp nhiều khó khăn.

Mồ hôi không thể bốc hơi nhanh, cơ thể không giải phóng đủ nhiệt, thân nhiệt vì thế sẽ tăng lên nhanh chóng. Thân nhiệt quá cao có thể gây tổn thương cho não và các bộ phận quan trọng khác.

Bác sỹ Trần Thu Thủy nhấn mạnh, các bệnh liên quan tới nắng nóng, ra mồ hôi nhiều mà không được bù nước đầy đủ có thể dẫn tới mất nước và chuột rút. Khi cơ thể không thải đủ nhiệt sẽ dẫn tới suy kiệt vì nóng, thậm chí là say nắng cần cấp cứu.

Chuột rút, kiệt sức vì nóng hay say nóng thường xuất hiện ở trẻ lớn tham gia hoạt động thể lực kéo dài dưới nắng nóng, ví dụ như trong giờ chơi thể thao. Với trẻ nhỏ, bệnh chủ yếu liên quan tới nắng nóng là mất nước…

Trẻ bị mất nước

Theo bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ bị mất nước khi lượng dịch thoát ra qua mồ hôi và nước tiểu lớn hơn lượng dịch uống vào.

Mất nước ở mức độ nhỏ, kể cả chỉ tương đương 2% cân nặng cũng có thể ảnh hưởng xấu tới trẻ. Mất nước làm giảm khả năng điều hòa thân nhiệt và do đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh do nắng nóng khác.

Biểu hiện của bệnh là môi khô, khát nước, tiểu ít hoặc không tiểu, nước tiểu cô đặc, sẫm màu; khóc không có nước mắt; trẻ quấy khóc, khó chịu; có vẻ ủ rũ, lờ đờ, mệt mỏi.

Trường hợp nặng, trẻ có biểu hiện mắt trũng, thóp trũng, buồn nôn, nôn, lờ đờ hay hôn mê. Nếu nghi ngờ bé bị thiếu nước, cần chuyển trẻ vào nơi thoáng mát, cho trẻ uống nước. Nếu trẻ không cảm thấy dễ chịu hơn thì cần tìm sự trợ giúp của y tế.

Chuột rút do nóng

Chuột rút do nóng là tình trạng đau cơ hay co cứng cơ, thường xuất hiện ở vùng bụng, cánh tay hay cẳng chân khi vận động quá mức trong thời tiết nóng.

Trẻ hay vã mồ hôi nhiều khi hoạt động mạnh dễ bị chuột rút. Ra mồ hôi nhiều khiến cơ thể mất nước và muối, hàm lượng muối thấp trong cơ khiến cơ co rút đau đớn. Chuột rút do nóng cũng có thể là biểu hiện của kiệt sức do nóng.

Khi bị chuột rút, người bệnh cần ngừng hoạt động thể lực và ngồi yên ở nơi râm mát; uống nhiều nước; tiếp tục ngừng hoạt động thể lực mạnh trong vòng vài giờ sau khi hết bị chuột rút để tránh rơi vào kiệt sức. Sau 1 giờ, nếu tình trạng không cải thiện, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được trợ giúp.

Kiệt sức do nóng

Khi trẻ bị kiệt sức do nóng thường có những biểu hiện như vã mồ hôi như tắm, người nhợt nhạt, chuột rút, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, nôn, ngất; da lạnh và ẩm ướt; mạch nhanh và yếu; thở nhanh và nông.

Nếu không được điều trị, kiệt sức vì nóng có thể tiến triển thành say nắng. Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế nếu tình trạng này không giảm sau một giờ.

Khi trẻ bị kiệt sức do nóng, người lớn cần giúp trẻ hạ thân nhiệt bằng các biện pháp như cho uống nước mát, tắm nước mát, lau người bằng khăn mát, đưa trẻ tới nơi có quạt mát, điều hòa, mặc quần áo nhẹ nhàng, thoáng mát. .

Say nắng cần được cấp cứu kịp thời

Các bác sỹ cho biết say nắng là căn bệnh nghiêm trọng nhất do nắng nóng. Bệnh xuất hiện khi cơ thể không còn khả năng kiểm soát nhiệt độ như: thân nhiệt gia tăng nhanh chóng, ra mồi hôi không đủ để giải tỏa nhiệt, cơ thể không thể tự làm mát.

Thân nhiệt người bị say nắng có thể lên tới 39,5 độ C hoặc cao hơn trong vòng 10-15 phút. Say nắng có thể dẫn tới tử vong hoặc tàn phế vĩnh viễn nếu không được điều trị cấp cứu kịp thời.

Trẻ bị say nắng có các biểu hiện như thân nhiệt lên cao (trên 39,5 độ C); da nóng, đỏ và khô (không ra mồ hôi); mạch nhanh, mạnh; đau đầu, nhức nhối; chóng mặt, buồn nôn, mê sảng; có thể mất ý thức.

Khi thấy trẻ có những dấu hiệu trên, người lớn cần nhanh chóng gọi xe cấp cứu trong khi chuyển trẻ tới khu vực râm mát và làm các biện pháp hạ thân nhiệt của trẻ cho tới khi nhiệt độ xuống còn 38,5 hay 39 độ C.

Các bác sỹ khuyến cáo cha mẹ cần tham khảo dự báo thời tiết để lập kế hoạch cho các hoạt động ngoài trời của trẻ.

Trước khi ra đường, trẻ em và người lớn đều phải đội mũ rộng vành, mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi, sáng màu, bôi kem chống nắng trước 30 phút.

Người dân cần tránh những nơi nắng gắt, không đứng trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời hay đứng ở nơi đông người; hạn chế hoạt động thể lực mạnh, tranh thủ tìm chỗ trú ở nơi có bóng râm.

Điều quan trọng là người dân, đặc biệt là trẻ em nên uống đủ nước, dùng các loại dịch không gây lợi tiểu (như nước lọc), tránh các loại nước có cồn vì chúng càng làm gia tăng tình trạng mất nước. Khi hoạt động thể lực trong môi trường nóng bức, trẻ có thể uống 0,5-1 lít nước mát mỗi giờ.

Các gia đình cần lưu ý quạt máy có thể khiến trẻ thấy bớt nóng nhưng khi nhiệt độ môi trường lên quá cao, quạt sẽ không giúp phòng ngừa bệnh do nắng nóng. Quạt máy đẩy không khí chạy quanh nhưng không làm nguội không khí (quạt phát huy tác dụng nhiều hơn nếu được đặt gần cửa sổ để mở).

Tắm nước mát hoặc chuyển vào nơi có điều hòa sẽ giúp trẻ hạ thân nhiệt hiệu quả hơn nhiều. Ở trong phòng có điều hòa vài giờ mỗi ngày cũng giúp làm giảm nguy cơ bị bệnh do nắng nóng…