Nhập nhằng quản lý để rừng bị lấn chiếm

ThienNhien.Net – Đắk Lắk là một trong những tỉnh có diện tích rừng lớn ở Tây Nguyên và cả nước. Nhiều năm qua, không chỉ rừng ở vùng sâu, vùng xa bị người dân lấn chiếm mà ngay giữa lòng thành phố, khu rừng thực nghiệm (tại xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột) cũng bị người dân chôn trụ lấn đường, chiếm đất rừng. Trong khi người dân cố tình lấn đất thì chính quyền địa phương, đơn vị được giao bảo vệ rừng lại lúng túng.

Những cây bạch đàn, Căm xe gần trăm tuổi trong khu vườn của ông Lục.

Khu rừng thực nghiệm rộng 71,09 ha (tại xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột) được Bộ NN&PTNT cùng UBND tỉnh Đắk Lắk giao lại cho Công ty TNHH Một thành viên Đô thị và Môi trường quản lý, bảo vệ và phát triển kể từ năm 2012.

Theo Quyết định số 1030/QĐ-UBND ngày 16/5/2007 của UBND tỉnh Đắk Lắk đây là khu rừng phòng hộ bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, do nhập nhằng trong việc quản lý trước đây, khiến cho khu rừng này đã bị nhiều hộ dân lấn chiếm và phát sinh nhiều vấn đề phức tạp và đến nay vẫn chưa được giải quyết. Hiện có 78 căn nhà của các hộ dân lấn chiếm xây dựng trên diện tích rừng này. Trong đó có 2 chòi tạm, 13 nhà tạm và 63 căn nhà xây kiên cố.

Cụ thể, tại khu rừng bạch đàn thực nghiệm và rừng Sao, Căm xe, gia đình ông Nguyễn Hữu Lục trú tại thôn 1, xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột (trước đây là lái xe Văn phòng Liên hiệp Lâm công nghiệp Ea Súp) năm 1990 được Tổng Giám đốc Liên hiệp Lâm công nghiệp Ea Súp cấp 300m2 đất ở.

Mặc dù trong Quyết định cấp đất quy định rõ ranh giới nhưng trên thực tế, sau khi bán một phần diện tích đất được giao, gia đình ông Lục đã tiến hành xâm lấn hơn 2,5 sào đất rừng bạch đàn và rừng Căm xe phía sau để canh tác cũng như rào chắn, trồng thêm các loại cây khác để lấn chiếm đất rừng.

Theo quan sát của chúng tôi, hiện trong diện tích vườn ông Lục lấn chiếm còn có rất nhiều cây bạch đàn và một cây gỗ Căm xe khoảng 2 người ôm, tất cả các cây này đều có tuổi đời cả trăm năm.

Ông Lục cho biết, đất này ông nhận liên kết sản xuất dưới tán rừng nhưng chỉ mượn miệng chứ không có giấy tờ và khi ông canh tác ở đây, chính quyền không ai có ý kiến gì cả.

Theo nhiều người dân sống ở khu vực này từ trước những năm 1975 đến nay cho biết, khi gia đình ông Lục đến ở thì ngay sát lô đất này có một con đường rộng, hai ô tô có thể tránh nhau và cũng là ranh giới giữa nhà dân với khu rừng thực nghiệm.

Vậy nhưng sau khi đến đây sinh sống, ông Lục đã tự ý rào lấn và chiếm luôn con đường này. Mặc dù trên thực tế, con đường này không còn, nhưng trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ ông Y Kun Ktul (địa chỉ ở thôn 1, xã Hòa Thắng) các năm 1999, 2010 do UBND thành phố Buôn Ma Thuột cấp thì đều thể hiện rõ con đường này trên bản đồ.

Ông Mai Văn Phúc-Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Buôn Ma Thuột cho biết: “Chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra lại thông tin này và chúng tôi sẽ làm việc với xã, đồng thời đề nghị xã lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính vì hành vi lấn chiếm đất rừng, đất công cộng. Vì trên bản đồ thể hiện có con đường thì đây là đất công cộng, con đường có trên bản đồ thì chắc chắn nó phải có trên thực tế. Thành phố sẽ ban hành Quyết định xử phạt nếu còn thời hiệu sử dụng xử phạt hành chính, còn nếu quá thời hạn thì không phạt tiền mà sẽ ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả yêu cầu trả lại đất này”.

Bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng cho biết, ngày xưa khu này có con đường mòn cạnh bìa rừng, còn từ năm 2004 đến nay chúng tôi không thấy có con đường này.

Việc ông Lục chiếm đất rừng hay không là trách nhiệm của đơn vị quản lý rừng, chứ chính quyền địa phương không quản lý, nên xã không có trách nhiệm về việc này. Địa phương chỉ thu tiền thuế đất theo quy định.

Lý giải về việc rừng đã được UBND tỉnh giao cho phía Công ty TNHH Một thành viên Đô thị và Môi trường quản lý, bảo vệ và phát triển nhưng để người dân lấn chiếm sử dụng, ông Đặng Ngọc Huê, Phó phòng Kế hoạch-Vật tư kỹ thuật Công ty này cho biết: Do diện tích rừng này trước đây được giao cho các đơn vị quản lý khác nhau nên sau khi được UBND tỉnh giao lại cho phía Công ty thì đã xảy ra tình trạng lấn chiếm rồi.

Trên thực tế việc bàn giao tại hiện trường nhiều điểm chưa rõ ràng, nên phía Công ty chưa xác định được cụ thể ranh giới chính thức giữa đất ở của người dân và đất rừng của Công ty.

Bởi trước đây khu rừng này thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên quản lý và Viện này ký hợp đồng với các hộ dân liên kết trồng cà phê dưới tán rừng.

Khảo sát thực địa tại khu đất gia đình ông Lục đang lấn chiếm, ông Huê xác nhận diện tích ông Lục đang lấn chiếm thuộc đất rừng quản lý của Công ty, tuy nhiên đất này vẫn chưa được giải quyết hợp đồng liên kết với Viện nên Công ty vẫn chưa thể thu hồi để quản lý và việc thu hồi diện tích đất này thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.

Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thường-Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, đây là rắc rối do lịch sử để lại.

Trước đây diện tích này thuộc Trung tâm Lâm nghiệp Ea Kát và trung tâm này ký kết hợp đồng liên kết với người dân, sau này trung tâm sát nhập vào với viện.

Sau này, viện đề xuất trả lại diện tích rừng cho tỉnh để họ quản lý. Hiện chúng tôi đang phối hợp với chính quyền địa phương để giải quyết vấn đề cho xong.

Trước thực trạng rừng và đất rừng bị người dân lấn chiếm, thiết nghĩ tỉnh Đắk Lắk cần có chỉ đạo các cơ quan chức năng cần quyết liệt trong việc giải tỏa các hộ lấn chiếm đất rừng trái quy định.