Bảo tồn rừng gắn với sinh kế người dân

ThienNhien.Net – Nhằm hạn chế tác động xấu của việc khai thác tài nguyên và bảo vệ rừng hiệu quả tại vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy, hơn 10 năm qua, VQG đã cùng chính quyền địa phương thực hiện thành công cơ chế chia sẻ lợi ích nguồn tài nguyên thiên nhiên. Người dân ổn định cuộc sống nhờ phát triển nhiều mô hình kinh tế dưới tán rừng ngập mặn như: Nuôi ngao, tôm, nuôi ong lấy mật, trồng nấm, khai thác rau câu…

Bảo vệ rừng từ cơ chế chia sẻ lợi ích

VQG Xuân Thủy (Nam Định) là vùng đất ngập nước rộng lớn, trong đó diện tích vùng lõi khoảng 7.100 ha, và 8.000 ha vùng đệm, thuộc 5 xã của huyện Giao Thủy. Những năm gần đây, tình hình biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái của VQG, gây thiệt hại đến sản xuất, sinh hoạt của người dân khu vực này, xâm nhập mặn đã vào sâu nội đồng hơn 50 km. Chính quyền các cấp đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó chú trọng khôi phục và mở rộng hệ sinh thái rừng ngập mặn nhằm tạo tấm lá chắn xanh cho vùng ven biển.

Mô hình nuôi ngao quảng canh tại VQG Xuân Thủy giúp người dân ổn định đời sống.
Mô hình nuôi ngao quảng canh tại VQG Xuân Thủy giúp người dân ổn định đời sống.

Ông Nguyễn Phúc Hội, Phó giám đốc VQG Xuân Thủy cho biết, thời gian trước đây, kinh tế biển là một nguồn thu nhập chính đối với nhiều hộ gia đình ở gần VQG. Chính vì thế, các biện pháp khai thác tận thu và hủy diệt phát triển rầm rộ bất chấp sự ngăn cấm của Ban quản lý vườn cũng như chính quyền địa phương. Cùng với đó, việc giải tỏa đàn gia súc chăn thả trong vùng lõi của VQG nhiều năm vẫn rất khó khăn. Trước tình hình đó, VQG phối hợp cùng các dự án và chính quyền địa phương triển khai và khuyến khích người dân thực hiện những mô hình kinh tế mới, ổn định và bền vững về thu nhập, lại vừa bảo vệ tài nguyên như: nuôi giun quế, trồng nấm, nuôi ong…

Cùng với đó, mô hình du lịch sinh thái cộng đồng cũng được phát triển. Người dân địa phương tham gia các khóa đào tạo, tập huấn, được trang bị những kĩ năng cơ bản, hỗ trợ cải tạo nhà để đón khách du lịch và phát triển các đặc sản địa phương. Họ đã dần làm chủ được mô hình và có thu nhập thay thế cho canh tác lúa, hoa màu, khai thác hải sản thủ công như trước.

Song song phát triển kinh tế, VQG cũng tuyên truyền, giáo dục về môi trường cho cộng đồng địa phương. Người dân có ý thức giữ gìn rừng ngập mặn và sử dụng, bền vững nguồn tài nguyên đất ngập nước.

Đem lại hiệu quả kinh tế

Việc chuyển đổi sinh kế cho người dân dựa trên sự chia sẻ lợi ích và thích ứng với biến đổi khí hậu tại Nam Định đã đem lại hiệu quả kinh tế. Đơn cử như tại xã Giao An, là một trong những xã vùng đệm của VQG Xuân Thủy có tới 70% hộ làm nghề nông, sau khi được hỗ trợ kỹ thuật trồng nấm đã giúp thay đổi đời sống người dân. Trồng nấm giúp cho nguồn rơm rạ được tận thu, tạo điều kiện cho các hộ gia đình làm việc trong nội đồng cũng như hạn chế tình trạng khai thác tài nguyên vùng bờ biển một cách bừa bãi của người dân khi lúc nông nhàn với mức thu nhập bình quân gần 30 triệu đồng/năm.

Đặc biệt, mô hình nuôi ngao quảng canh ở khu vực VQG theo cơ chế “đồng quản lý và chia sẻ lợi ích”, sản lượng nuôi ngao ở đây được xếp loại hàng đầu cả nước. Với mô hình này các bên tham gia thực hiện gồm VQG Xuân Thủy, chính quyền (xã, huyện) và cộng đồng địa phương. VQG Xuân Thủy được huyện Giao Thủy ủy quyền triển khai ký hợp đồng chia sẻ lợi ích thông qua việc cho phép các đối tượng trong cộng đồng sử dụng đất mặt nước để nuôi ngao quảng canh ở khu vực; đồng thời thu tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng theo thỏa thuận. Tổng số tiền thu được từ 2 – 3 tỷ đồng/năm tùy vào tình hình giá cả và sản lượng ngao thu hoạch được sử dụng chi cho công tác quản lý khu nuôi ngao quảng canh, bảo tồn thiên nhiên và phát triển cộng đồng quỹ phúc lợi của UBND các xã vùng đệm tham gia đề án và của UBND huyện Giao Thủy. Dự án đồng quản lý và chia sẻ lợi ích cộng đồng này đã được Bộ TN&MT ủng hộ được đánh giá là giải pháp khắc phục trở ngại nhằm tăng cường hiệu quả quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam.

Là một trong những hộ đang thực hiện nuôi ngao quảng canh tại đây, ông Nguyễn Văn Quang cho biết, gia đình ông nhận nuôi với diện tích gần 10 ha, với thu nhập 100 triệu/năm. “So với việc trước đây sống phụ thuộc vào đánh bắt tự nhiên thì việc nuôi ngao đã đem lại lợi nhuận cao hơn và đời sống gia đình tôi ổn định hơn”, ông Quang cho biết.

Đại diện Ban quản lý VQG Xuân Thủy cho biết, với những phương thức quản lý mới cùng với những mô hình sinh kế người dân gắn với bảo tồn đã đem lại hiệu quả cao, hài hòa giữa yêu cầu bảo tồn và phát triển. Đồng thời, giúp cho Chính phủ hiện thực hóa cam kết quốc tế ở VQG – Khu Ramsar quốc tế Xuân Thủy và Khu dự trữ sinh quyển thế giới đất ngập nước liên tỉnh ven biển đồng bằng châu thổ sông Hồng. Bài học về cơ chế quản lý mới ở Xuân Thủy sẽ góp phần cho cơ quan quản lý Trung ương xây dựng chính sách bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước của quốc gia hiệu quả và khả thi hơn trong tương lai.

Đến hết năm 2015, toàn tỉnh có trên 3.110 ha rừng; trong đó rừng phòng hộ là 1.955 ha, tập trung ở các xã vùng đệm VQG Xuân Thủy (Giao Thủy) gần 585 ha, các xã của Nghĩa Hưng: Nam Điền 186 ha, Nghĩa Lâm 275 ha, Nghĩa Hải 221 ha, Nghĩa Thành 282 ha… và rải rác tại các xã, thị trấn ven biển. Tại khu vực VQG Xuân Thủy, đã tạo được bức tường rừng ngập mặn dày khoảng 1 – 2 km tính từ đê biển đến rìa của khu rừng.