Bất ổn trong đánh giá tác động môi trường

ThienNhien.Net – Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 và 3 (bài “Vựa lúa và thủy sản dưới khói bụi điện than”) đều do đại diện nhà đầu tư làm, không được bình duyệt độc lập bởi bên thứ ba. NNVN có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Thiện để làm sáng tỏ thêm vấn đề này.

Sáng 19/9, tại Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) tổ chức hội thảo “Sự tham gia của cộng đồng trong đánh giá tác động môi trường – từ chính sách đến thực tiễn”, lấy vấn đề trên làm ví dụ điển hình.

Chuyên gia nghiên cứu ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện cho biết: Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 và 3 (bài “Vựa lúa và thủy sản dưới khói bụi điện than”) đều do đại diện nhà đầu tư làm, không được bình duyệt độc lập bởi bên thứ ba. NNVN có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Thiện để làm sáng tỏ thêm vấn đề này.

Ông Nguyễn Hữu Thiện
Ông Nguyễn Hữu Thiện

Đưa vào sự đã rồi

Từ nội dung cuộc hội thảo, ông thấy việc tham vấn cộng đồng trong báo cáo ĐTM của các nhà máy điện Duyên Hải được thực hiện thế nào?

Mặc dù được thực hiện theo quy định hiện hành nhưng quá trình tham vấn là không có ý nghĩa. Nhà đầu tư chỉ gửi văn bản đến UBND và UBMTTQ xã. Cộng đồng địa phương không được tham vấn về tác động của nhà máy. Vì vậy, không ngạc nhiên là UBND và UBMTTQ xã đều bày tỏ ủng hộ dự án vì đã có phê duyệt quy hoạch của cấp trên. Trong báo cáo ĐTM tính toán rằng vùng tác động là 2.656 – 2.712m cách ống khói (xã Long Khánh, xã Đông Hải, và một phần xã Dân Thành trong mùa khô) nhưng xã Long Khánh không được tham vấn.

Duyên Hải là vùng rừng ngập mặn có nhiều nguồn lợi về thủy sản, nông nghiệp; báo cáo ĐTM có xem xét hiện trạng và theo dõi tác động?

Trong báo cáo ĐTM không có thông tin điều kiện hiện trạng của thủy sản. Hầu hết các mẫu nước được lấy ở các sông rạch trong đất liền gần nhà máy. Chỉ có một mẫu nước ven biển mà không có đánh giá tài nguyên thủy sản.

Vì vậy, tác động đối với tài nguyên thủy sản, tổn thất giá trị kinh tế của tài nguyên này, và tác động lên sinh kế của người dân không được tính đến trong báo cáo ĐTM. Báo cáo ĐTM không đánh giá các tác động lên nông nghiệp và thủy sản, trong khi thực tế đất nông nghiệp và ao nuôi thủy sản đang bị bỏ hoang hoặc không còn sử dụng có năng suất nữa.

Các báo cáo ĐTM cũng không đề cập việc mất rừng ngập mặn, không đánh giá tác động lên động thực vật. Chỉ liệt kê một số động thực vật có mặt trong vùng dự án nhưng trong đoạn về đánh giá tác động và giảm thiểu tác động thì không đề cập tác động và các biện pháp giảm thiểu tác động.

Hai nhà máy đã vận hành gây tiếng ồn và bụi, làm người dân xung quanh rất khổ sở, báo cáo ĐTM có đề cập không?

Báo cáo ĐTM cho rằng tiếng ồn và rung xảy ra trong giai đoạn xây dựng sẽ thấp hơn mức cho phép và không ảnh hưởng cộng đồng xung quanh nhà máy. Thực tế, cộng đồng địa phương cho biết họ bị ảnh hưởng lớn bởi âm thanh rất to trong quá trình vận hành thử của nhà máy Duyên Hải 3 vào tháng 7/2016 khoảng 4 lần ban ngày và 4 lần ban đêm, mỗi lần kéo dài 5 phút, làm người dân mất ngủ kể từ ngày 18/7/2016.

Về khói bụi, các mô hình phát tán khói bụi trong các báo cáo ĐTM dựa vào số liệu trước năm 2010. Điều này có thể dẫn đến lỗi vì sự bất thường của gió hiện nay tạo ra sự khác biệt so với trung bình trước đây. Ngoài ra, dữ liệu được lấy từ thành phố Trà Vinh chứ không phải huyện ven biển Duyên Hải. Số liệu được lấy ở độ cao 10m trong khi ống khói nhà máy cao 210m, mà không có hiệu chỉnh là không đúng.

Vậy các báo cáo ĐTM đánh giá tác động kinh tế – xã hội như thế nào?

Rất sơ sài. Thực tế, trong giai đoạn xây dựng, chỉ những người lao động dưới 40 tuổi được thuê mướn làm công việc đơn giản còn những người trên 40 tuổi không được thuê mướn. Kế hoạch hỗ trợ những người mất sinh kế hoặc bị ảnh hưởng phải thay đổi sinh kế vẫn chưa được tiến hành. Người dân địa phương đang lo lắng rằng trong 2 năm nữa, lượng di cư ra khỏi địa phương sẽ tăng do thất nghiệp càng cao.

Tham vấn cộng đồng không có ý nghĩa

Nhận xét của ông về quy định tham vấn cộng đồng trong Luật Bảo vệ môi trường?

Hiện nay, nhà đầu tư chỉ được yêu cầu gửi văn bản kèm theo bản tóm tắt ĐTM đến UBND và UBMTTQ xã và nhận lại phản hồi bằng văn bản. Cấp xã không đủ năng lực kỹ thuật để hiểu tác động, hơn nữa, cũng không muốn trái ý cấp trên và chính sách thu hút đầu tư của địa phương, vì vậy không phản ánh được nguyện vọng của người dân.

Hai nhà máy ở Trung tâm Điện lực Duyên Hải đã vận hành
Hai nhà máy ở Trung tâm Điện lực Duyên Hải đã vận hành

Luật Bảo vệ môi trường 2014 yêu cầu ĐTM tham vấn tổ chức và cộng đồng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án. Tuy nhiên, không có định nghĩa “tác động trực tiếp” là thế nào. Trong thực tế, điều này được diễn dịch lỏng lẻo là người dân trong xã có dự án và bị ảnh hưởng về thu hồi đất, ảnh hưởng hoa màu, nhà cửa, và tái định cư. Vì vậy, trong hầu hết trường hợp, chỉ một ít hộ gia đình được hỏi ý kiến về tái định cư, đền bù, không phải về tác động của dự án.

Người dân trong vùng dự án phàn nàn họ không được cung cấp thông tin?

Quy định hiện hành có hạn chế đó. Cộng đồng giới chuyên gia cũng không tiếp cận được bản ĐTM đầy đủ để phản biện. Sau khi phê duyệt ĐTM, công chúng không có bản ĐTM để biết nhà đầu tư đã hứa hẹn những biện pháp gì để bảo vệ môi trường và dự án đã tiến hành như thế nào so với báo cáo ĐTM. Vì vậy, luật pháp nên được sửa đổi theo hướng bắt buộc công bố bản báo cáo ĐTM trước khi phê duyệt trên internet để công chúng có thông tin.

Đầu năm nay, diêm dân ở xã Đông Hải (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh), xa nhà máy khoảng 4km, bị khói bụi bay đến làm đen hàng trăm hec-ta muối, khiếu nại tốn công mà không đạt kết quả gì. Ý kiến của ông?

Người dân gặp khó vì hiện tại không có cơ chế để người dân khiếu nại khi bị thiệt hại. Luật pháp nên bắt buộc xây dựng cơ chế khiếu nại để giải quyết xung đột giữa người dân và nhà đầu tư.

Đối với những cụm dự án cỡ lớn như Trung tâm Điện lực Duyên Hải, cần thực hiện Đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) và Đánh giá tác động tích lũy (Cumulative Impact Assessment) để giúp lãnh đạo ra quyết định ở tầm chiến lược trong giai đoạn sớm của quá trình ra quyết định.

Nếu đã có ĐMC và Đánh giá tác động tích lũy thì lãnh đạo đã có thể đặt lên bàn cân so sánh những phương án chiến lược, ví dụ về loại năng lượng, vị trí dự án, có xem xét đến tính nhạy cảm về sinh thái, dân sinh, chính trị của các phương án thay thế về vị trí, công nghệ, kích cỡ dự án. Trong khi đó ĐTM là chấp nhận dự án, không bàn cãi gì thêm, và tạo ra tình trạng đã rồi.

(Chuyên gia ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện)