Kinh phí bảo vệ và phát triển rừng

ThienNhien.Net – Đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng theo quy định tại điều 2 Nghị định số 75/2015/NĐ-CP.

Ảnh minh họa: Mạnh Linh/TTXVN
Ảnh minh họa: Mạnh Linh/TTXVN

Địa phương chưa tự cân đối, TƯ hỗ trợ 100% kinh phí

Bộ Tài chính và Bộ NN-PTNT vừa ban hành Thông tư liên tịch số 93/2016/TTLT-BTC-BNNPTNT, hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP về cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2016.

Đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng theo quy định tại điều 2 Nghị định số 75/2015/NĐ-CP.

Nguồn kinh phí để thực hiện khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung, trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy quy định được bố trí hàng năm trong kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020, phần kinh phí sự nghiệp, cụ thể:

Ngân sách TƯ đảm bảo kinh phí đối với diện tích rừng thuộc Bộ, ngành quản lý. Đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách và tỉnh Quảng Ngãi thì ngân sách TƯ hỗ trợ 100% kinh phí.

Đối với các địa phương có tỷ lệ điều tiết nguồn thu về TƯ dưới 50% thì ngân sách TƯ hỗ trợ 50% kinh phí, ngân sách địa phương đảm bảo 50% nhu cầu kinh phí. Các địa phương còn lại sử dụng ngân sách địa phương.

Kinh phí quản lý, kiểm tra, nghiệm thu hàng năm được tính bằng 7% trên tổng kinh phí khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung của chủ rừng thuộc sở hữu nhà nước và không trùng với các chương trình, dự án khác, được bố trí trong tổng kinh phí cấp cho các đơn vị, địa phương theo quy định.

Kinh phí lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng 50.000 đồng/ha; kinh phí lập hồ sơ thiết kế, dự toán khoanh nuôi tái sinh rừng có trồng bổ sung 900.000 đồng/ha. Việc hỗ trợ kinh phí lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng có trồng bổ sung chỉ thực hiện 01 lần trước khi tiến hành khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng có trồng bổ sung.

Ngân sách TƯ đảm bảo kinh phí lập hồ sơ đối với diện tích rừng thuộc Bộ, ngành quản lý.

Ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí lập hồ sơ đối với diện tích khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng có trồng bổ sung thuộc địa phương quản lý. Hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện KT-XH khó khăn (khu vực II và III) thuộc vùng dân tộc và miền núi theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định được nhận khoán bảo vệ rừng. Cộng đồng dân cư thôn tại các xã có điều kiện KT-XH khó khăn (khu vực II và III) thuộc vùng dân tộc và miền núi theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định được nhận khoán bảo vệ rừng.

Mức hỗ trợ và hạn mức khoán bảo vệ rừng: Hỗ trợ khoán bảo vệ rừng: 400.000 đồng/ha/năm; diện tích rừng nhận khoán được hỗ trợ: Tối đa 30ha một hộ gia đình.

Phương thức khoán bảo vệ rừng: Thực hiện thông qua hợp đồng khoán bảo vệ rừng theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT tại văn bản số 4545/BNN-TCLN ngày 23/12/2013 về việc khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh tự nhiên. Thời gian hợp đồng là hàng năm, hoặc theo kế hoạch trung hạn 3 năm, 5 năm.

Bên giao khoán bao gồm: BQL rừng phòng hộ, BQL rừng đặc dụng, Cty lâm nghiệp, UBND cấp xã. Bên nhận khoán bao gồm: Hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn.

Hàng năm, bên giao khoán có trách nhiệm nghiệm thu, đánh giá kết quả thực hiện hợp đồng đối với bên nhận khoán. Kết quả nghiệm thu hàng năm là căn cứ để bên giao khoán thanh toán, quyết toán kinh phí.