Cứu trợ ngư dân

ThienNhien.Net – Vụ cá chết hàng loạt tại các tỉnh duyên hải miền Trung đã làm cho cuộc sống của ngư dân khó càng thêm khó. Tàu của ngư dân phải nằm bờ, mà họ có ra khơi chắc gì hải sản họ đánh bắt đã tiêu thụ được khi chưa xác định được nguyên nhân cá chết. Chính phủ, các bộ ngành địa phương đã có động thái tích cực hỗ trợ ngư dân trong giai đoạn khó khăn này, nhưng cũng cần nhìn nhận đây là câu chuyện rất lâu dài.

Đóng thuyền lớn để vươn khơi.
Đóng thuyền lớn để vươn khơi.

Những ngày này, cả nước đâu đâu cũng bàn tán chuyện cá chết hàng loạt tại các tỉnh duyên hải miền Trung. Tâm điểm của vụ cá chết là người ta đang ráo riết tìm ra thủ phạm khiến cá chết hàng loạt. Khoan hãy bàn đến chuyện vì sao hải sản lại chết nhiều đến thế, chỉ biết rằng biển đã mặn hơn khi nhận thêm những giọt mồ hôi, những giọt nước mắt của ngư dân.

Ngư dân Hoàng Văn Hải ở Quảng Bình cho biết, từ sau vụ cá chết, tàu anh phải nằm bờ. Nhà có 4 miệng ăn, nghề biển là cần câu cơm duy nhất của gia đình. Nếu làm nông nghiệp, lúa chết nông dân có thể chuyển sang trồng mầu, còn nghề biển thì không như vậy. Giờ thì vốn liếng của cả gia đình đã hết. Gia đình anh chẳng có điều kiện ra khơi. Mà có ra khơi may mắn đánh bắt được cá tôm chắc gì đã bán được. Cuộc sống vốn đã khó nay càng thêm khó.

Cá chết không chỉ ảnh hưởng đến ngư dân mà còn với bà con nuôi trồng hải sản ở dọc các tỉnh duyên hải miền Trung cũng cùng chung số phận. Giờ nguyên nhân cá chết hàng loạt chưa tìm được, làm sao bà con dám thả nuôi hải sản. Mà có nuôi được hải sản ai sẽ là người dám ăn cá! Chung cảnh ngộ với ngư dân, cuộc sống của diêm dân ở vùng này cũng tăng thêm phần khốn khó…

Trước bộn bề khó khăn của những người sống dựa vào mẹ biển, nhiều tỉnh thành đã trích trước một phần ngân sách hỗ trợ ngư dân vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt này. Hiện đã có 500 tấn gạo được UBND tỉnh Quảng Bình trích từ nguồn ngân sách hỗ trợ ngư dân. Hôm qua (28-4), Hà Tĩnh đã quyết định hỗ trợ 750 triệu đồng cho các hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại và gần 400 tàu thuyền công suất dưới 20 mã lực chuyên khai thác ven bờ. Cùng với đó, mỗi khẩu sẽ được hỗ trợ khẩn cấp 15 kg gạo/tháng, với tổng số 4.500 nhân khẩu thuộc các gia đình có tàu thuyền đánh bắt hải sản trong vùng bị ảnh hưởng.

Liên quan đến hiện tượng hải sản chết bất thường tại các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế trong các ngày vừa qua, sau khi nghe Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng báo cáo tình hình kiểm tra thực địa tại tỉnh Hà Tĩnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Ủy ban nhân dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế rà soát, thống kê các hộ nuôi trồng, khai thác thuỷ, hải sản bị thiệt hại, mức độ thiệt hại, đảm bảo đầy đủ, chính xác; có đề xuất biện pháp hỗ trợ cho bà con ngư dân, nhất là các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn, các trường hợp bị thiệt hại lớn, nặng nề, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống. Thủ tướng nhấn mạnh không được để dân thiếu đói do phải ngừng đánh bắt hải sản.

Thủ tướng cũng giao các Bộ Khoa học và Công nghệ, Công an, Quốc phòng, Công thương, Y tế, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ động phối hợp, hỗ trợ các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khẩn trương làm rõ nguyên nhân gây hiện tượng hải sản chết bất thường tại các địa phương này; báo cáo ngay Thủ tướng Chính phủ biện pháp xử lý nghiêm vi phạm. Các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và các địa phương trong cả nước chủ động tiến hành rà soát các Dự án đầu tư trong các lĩnh vực, nhất là công nghiệp nặng, về công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường biển.

Nước ta có bờ biển dài hơn 3.260km trải từ Bắc vào Nam, với trên 31% số dân cả nước sinh sống ở 28 tỉnh, thành phố ven biển. Thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển đảo, trong những năm qua Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển, phát triển kinh tế, góp phần tích cực cùng các lực lượng chức năng khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc nhưng dường như các chính sách này chưa hề đủ.

Đó là ở phía chính quyền, với mỗi người dân, ý thức được ngư dân chính là những “cột mốc chủ quyền trên biển” nên mỗi người dân Việt Nam không chỉ chờ đến lúc ngư dân gặp khó ngư dân mới nhận được hỗ trợ. Rất nhiều địa phương ven biển như Quảng Ngãi, Quảng Bình… người dân, doanh nghiệp đã thành lập Quỹ hỗ trợ ngư dân để giúp ngư dân tại địa phương yên tâm bám biển. Các chương trình “chung sức hỗ trợ ngư dân” hay những phong trào như “tấm lưới nghĩa tình”… đã được người dân kêu gọi để tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi nhưng rút cục cũng chỉ mang tính động viên, chưa làm cuộc sống của ngư dân bớt khó.

Điều cần làm ngay lúc này là phải nhanh chóng thống kê thiệt hại của ngư dân, người nuôi trồng thủy sản để tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ kịp thời, không để dân khốn khó như lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đặc biệt, cần nhanh chóng tìm ra nguyên nhân chính khiến cá chết hàng loạt còn có các biện pháp làm sạch môi trường biển giúp người dân khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là những giải pháp tình huống.

Ông Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội, cho biết, chúng ta phải tiết kiệm chi tiêu, cắt giảm những khoản chi thường xuyên kiểu như giao tế, mua sắm… tuy nhiên phải tăng thêm ngân sách để hỗ trợ ngư dân. Về lâu dài, chính sách phải có tầm chiến lược, dài hơi để giúp ngư dân yên tâm bám biển. Theo ông Lịch gói đầu tư hỗ trợ cho ngư dân, Cảnh sát biển và Kiểm ngư không chỉ dừng ở con số 16 nghìn tỷ đồng mà phải hơn thế nữa. Ông Lịch cho biết, hiện những biện pháp của Chính phủ trong việc đầu tư hỗ trợ ngư dân, lực lượng chấp pháp trên biển mới chỉ là biện pháp tạm thời, chưa phải là chính sách có tính chiến lược. Giải pháp mang tính chiến lược để hỗ trợ ngư dân, theo ông Trần Du Lịch, có rất nhiều việc phải làm nhưng trước mắt cần làm hai việc. Thứ nhất, phải xây dựng trung tâm hậu cần nghề cá mà chúng ta đã quy hoạch thành 5 khu. Hãy xây dựng ngay một khu ở miền Trung trước đã và Nhà nước phải đứng ra làm. Có trung tâm hậu cần nghề cá ngư dân không lo thương lái ép giá, sản phẩm của họ làm ra mới đúng giá trị. Thứ hai, xây dựng quỹ và có định chế để có thể đóng tàu thuyền cho ngư dân thuê, mua ưu đãi. Tất cả những cái đó, phải tính dài hơi. Chính phủ nên tính toán những việc đó thật cụ thể, nếu không mọi sự hỗ trợ cũng chỉ mang tính động viên mà thôi.