Biến đổi khí hậu Nhìn từ Quảng Nam

ThienNhien.Net – Việt Nam là một trong số ít nước được cảnh báo chịu tác động trực tiếp, mạnh nhất từ biến đổi khí hậu. Chưa cần chờ ở tương lai, hậu quả từ biến đổi khí hậu đã thực sự thách thức đến Việt Nam từ những biểu hiện của thời tiết diễn biến thất thường, cực đoan xuyên suốt những năm qua, để lại những hậu quả khôn lường cho nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có miền Trung nói chung, mà điển hình là tại Quảng Nam.

Ảnh minh họa (Nguồn: tamlongvang.laodong.com.vn)
Ảnh minh họa (Nguồn: laodong.com.vn)

Bờ biển Quảng Nam sạt lở nặng nề

Nạn xâm thực, sạt lở tại biển Cửa Đại, là một trong vấn đề báo động rõ nét nhất hơn 1 năm nay. Trung bình mỗi năm bờ biển xói lở 20-30 m, thế nhưng hơn một năm qua bờ biển này sạt lở bất thường và trầm trọng kéo dài hơn 1,3km, ăn sâu vào bờ từ 20- 80m, đặc biệt có nơi lên đến 200m. Bà Nguyễn Thị Vân- Trưởng phòng Kinh tế TP. Hội An- cho biết: “Không chỉ lo ngại sạt lở mà vấn đề bồi lấp ở cửa biển Cửa Đại cũng là nan giải, khi vài năm trở lại đây, cửa biển đã bị bồi lấp ở phía nam và phía bắc khiến cho việc di chuyển của các thuyền bè rất khó khăn”. Cũng theo bà Vân, không chỉ vấn nạn sạt lở cửa biển mà còn tình trạng ô nhiễm môi trường, lòng sông cạn, bị lấn hẹp dần… Cùng với việc bồi lấp ở cửa biển Cửa Đại thì đây là trở ngại lớn nhất cho phố cổ Hội An trong mùa lũ.

Nước lũ theo dòng sông sẽ chậm thoát ra cửa biển, thì hiển nhiên sẽ lên nhanh ở địa bàn phố cổ và ngâm lâu hơn rất nhiều so với trước đây. Thống kê từ phòng Kinh tế Hội An, tình trạng ngập lụt tại địa bàn là một vấn đề cực kỳ cấp bách. Cụ thể, với báo động 1 (0,7m) sẽ ngập úng 150 ha; với cấp 2 (1,2m) sẽ gây ngập 950ha và báo động 3 (1,7m) sẽ gây ngập úng hơn 2.158, 29 ha tại địa bàn. Nguy hiểm hơn, nếu nước dâng khoảng 3m, thì hầu như toàn bộ diện tích TP. Hội An sẽ ngập chìm trong nước.

Chưa hết, phòng Tài nguyên Môi trường thành phố còn đặc biệt lưu ý đến ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tác động trực tiếp, làm suy giảm đa dạng sinh học, nhiều loài động thực vật biển có nguy cơ biến mất, báo động nhất là với khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm và rừng dừa nước ở Cẩm Thanh.

Bên cạnh đó, việc bão lũ xuất hiện với tần suất ít nhưng cường độ ngày càng cao còn ảnh hưởng đến vấn đề dịch bệnh cho nhiều ngành như nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, ngư nghiệp hay thậm chí là gia tăng dịch bệnh ở con người.

Vấn đề bồi lấp ở bờ sông còn biểu hiện rõ nét ở các nhánh sông nhỏ lẻ, đơn cử như quá trình bồi lấp nặng ở sông Cổ Cò bao năm qua, là thách thức rất lớn cho quá trình phát triển nông nghiệp, mà đặc biệt là du lịch kết nối giữa TP. Đà Nẵng và TP. Hội An (Quảng Nam), đã được chính quyền hai bên định hướng từ chục năm trước.

Người dân… hoài niệm!

Biến đổi khí hậu đã thực sự đe dọa đến kế sinh nhai của dân ven biển Cửa Đại năm qua. Chưa hết, đây còn là thách thức rất lớn cho ngành du lịch và việc hoạt động của cá resort, khách sạn ven biển Cửa Đại thời gian qua và những năm sau này.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân phường Cửa Đại rất lo lắng cho tương lai của địa phương và cuộc sống người dân nếu như vẫn không thể ngăn chặn được tình trạng sạt lở nơi này.

Anh Thịnh, một người dân địa phương cho biết: “Cửa Đại không chỉ là nơi quyến rũ, thu hút khách du lịch mà nơi đây còn mang trong mình nhiều giá trị văn hóa của một cảng biển từ xa xưa. Đây không chỉ là nơi đầu tiên, tàu thuyền ra vào buôn bán tại thương cảng Hội An ngày xưa mà còn là cổng nhà chào đón ngư dân ra khơi đánh bắt cá và trở về đất liền bao năm qua”.

Và hiện nay, những hàng gánh, quán ăn trên bãi tắm Cửa Đại đã dần dần ít dần khi mà du khách đến bãi tắm Cửa Đại lúc này chỉ để ngắm biển rồi lại nhanh chóng rời đi…

Theo như người dân địa phương kể lại, biển Cửa Đại xưa kia từng một lần sạt lở nghiêm trọng, chia tách cả phường Cửa Đại khi sông và biển thông nhau ở một đoạn của đường Âu cơ hiện nay.

Nhưng rồi sau đó, bờ biển dần dần bồi trở lại và trải dài với bãi cát rất đẹp bao năm qua, đây như là một đặc ân mà mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho Hội An, nuôi sống rất nhiều người dân địa phương trong kinh doanh dịch vụ du lịch hàng chục năm qua.

Thế nhưng, chưa kịp mừng thì bờ biển lại một lần nữa sạt lở nghiêm trọng và chưa thấy dấu hiệu bồi trở lại mặc cho chính quyền đã kè mềm bảo vệ, người dân cũng tổ chức lễ hội cầu an, cầu bồi cứu biển suốt nhiều ngày liền.

Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, những người dân sống cạnh biển Cửa Đại thì cho rằng, họ tiếc nuối cho một bờ biển dài và đẹp đã bị xóa sổ trong chốc lát. Nhiều người ở gần biển nhưng tiếc nuối. Theo họ, dù ở gần nhưng chưa bao giờ họ chụp lấy một tấm ảnh bờ biển khi xưa để giờ mang ra xem lại. Thay vào đó, hình ảnh bãi biển có bãi cát dài và đẹp giờ ngày ấy đền giờ chỉ còn lưu lại trong trí nhớ, mồi khi họ nhìn về phía biển.

Ông Dũng, một người dân địa phương cho biết:” Năm ấy, tôi nhớ như in là cách đây không lâu, bờ biển dài, đẹp lắm và được chọn để tổ chức một sự kiện là thả diều tuyên truyền chủ quyền biển đảo”. Cụ thể, đó là những con diều tung bay trên bờ biển Cửa Đại khi ấy được viết và chế tạo nhằm mục đích tuyên truyền chủ quyền biển đảo và lòng yêu nước trong nhân dân. Người dân địa phương khi ấy còn tự hào hơn, khi lúc ấy sự kiện này liên tục được đăng tải trên báo chí. Nhưng bây giờ thì… hết rồi!

Chính quyền bị động!

Từ vụ việc sạt lở bất thường tại biển Cửa Đại có thể thấy rằng, khi vấn đề sạt lở diễn ra bất thường và “công khai” thì chính quyền Quảng Nam đã đụng phải nhiều vấn đề lúng túng, loay hoay trong xử lý. Bị động và bí thế, để rồi bờ biển Cửa Đại cứ thế sạt lở kéo dài theo hướng bắc ngày một trầm trọng hơn, cho đến nay vẫn chưa thể có giải pháp cụ thể và chắc chắn, mặc dù đã trải qua rất nhiều buổi hội thảo tìm nguyên nhân, đề xuất giải pháp.

Trong buổi tiếp xúc cử tri TP Hội An, ông Đinh Văn Thu- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Trước mắt chỉ là xin Chính phủ hỗ trợ 40 tỷ đồng để kè bảo vệ bờ biển từ xa, tạm thời trong 1,3km. Riêng về vấn đề căn cơ, giải pháp đồng bộ thì vẫn phải chờ…”. Cùng khi đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, sạt lở biển Cửa Đại là nghiêm trọng, đe dọa đến di sản Hội An. Trong buổi tiếp xúc cử tri thành phố Hội An, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh nhiều lần đến vấn đề biến đổi khí hậu. Trong đó Việt Nam là một trong số các nước gia chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất từ vấn đề này. Biểu hiện rõ nét nhất là thời tiết bất thường ở miền Trung một năm qua.

Nhiều hội thảo khoa học cứu biển Cửa Đại năm 2015, các nhà khoa học đã cảnh báo đến việc nạo vét, khai thác các trái phép trên sông hay việc thủy điện chặn nguồn… đã tác động mạnh làm gia tăng tình trạng sạt lở ở biển Cửa Đại và nghiêm trọng hơn là tình hình sạt lở ở hệ thống ven bờ sông Vu Gia- Thu Bồn.

Trong báo cáo của phòng Tài Nguyên Môi trường TP. Hội An cũng đã đề ra một số giải pháp cấp bách cần triển khai để phòng chống những hậu quả của biến đổi khí hậu. Đó là tăng cường trồng rừng ở Cù Lao Chàm, rừng phòng hộ ven biển, rừng dừa Cẩm Thanh, bảo vệ nghiêm ngặt khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, hệ sinh thái biển, động vật thủy sinh. Việc phát triển du lịch tại địa bàn phải hướng đến trọng tâm là du lịch xanh – sạch – đẹp và phát triển bền vững.

Khơi thông luồng lạch, lòng sông nhằm thoát lũ, trồng cây xanh ven bờ để tạo cảnh quan, chống sạt lở. Nâng cao hiệu quả của hệ thống đê ngăn mặn đảm bảo tưới tiêu. Quy hoạch nông nghiệp và du lịch phải định hướng đến vấn đề môi trường.

Cùng khi đó, theo tài liệu tuyên truyền về biến đổi khí hậu của Sở Tài nguyên – Môi trường, tỉnh Quảng Nam cũng nêu lên rất nhiều những nhận định và giải pháp cấp bách trong vấn đề này.

Để hiệu quả và hạn chế thấp nhất hậu quả của biến đổi khí hậu, giải pháp là nhiều nhưng yêu cầu cấp thiết vẫn là việc hành động một cách hiệu quả và đồng bộ, hiện đang tiếp tục chờ đợi thực hiện ở chính quyền và người dân Quảng Nam trong năm 2016 và những năm sau này!