Ưu tiên nước cho dân sinh rồi mới đến sản xuất

ThienNhien.Net – Trước tình hình hạn hán, nguồn nước thiếu hụt gay gắt, các bộ, ngành và các địa phương xác định trình tự điều tiết, cấp nước: Ưu tiên cho nước sinh hoạt của nhân dân, nước cho sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, rồi mới đến sản xuất công nghiệp.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng cần thay đổi nhận thức "nước ta nhiệt đới nóng ẩm mưa nhiều” đã không còn chính xác, khi biến đổi khí hậu và cực đoan thời tiết cùng nhu cầu gia tăng dẫn tới nước ta đang rất thiếu nước.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng cần thay đổi nhận thức “nước ta nhiệt đới nóng ẩm mưa nhiều” đã không còn chính xác, khi biến đổi khí hậu và cực đoan thời tiết cùng nhu cầu gia tăng dẫn tới nước ta đang rất thiếu nước.

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại Hội nghị trực tuyến với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và các địa phương về công tác phòng chống hạn, xâm nhập mặn, phương án bảo đảm cung ứng điện, nước cho sinh hoạt, sản xuất vụ Đông Xuân năm 2015 và năm 2016 vào sáng 31/10.

Thách thức lớn từ cực đoan thời tiết

Dẫn lại các số liệu, diễn biến mà các cơ quan chuyên môn tổng hợp, dự báo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh với các địa phương tình trạng đáng lo ngại từ ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, của thời tiết từ đầu năm 2015 cũng như diễn biến hết sức bất thường của thời tiết thời gian tới khi hạn hán, nắng nóng kéo dài trên diện rộng.

“Chúng ta đang đứng trước một thách thức lớn khi hiện tượng El Nino là kỷ lục trong 60 năm qua, lượng mưa giảm và các hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường nhất. Cần sẵn sàng trong mọi trường hợp, luôn chủ động để giảm thiểu thiệt hại”, Phó Thủ tướng nói.

Số liệu của Trung tâm Dư báo khí tượng thủy văn Trung ương cho thấy, thời tiết năm 2015 diễn biến hết sức bất thường, hạn hán, nắng nóng kéo dài trên diện rộng với nền nhiệt độ cao nhất ngày nhiều nơi lên tới trên 42 độ C. Tổng lượng mưa 10 tháng đầu năm tại hầu hết các khu vực đều thiếu hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 20-60%. Trong đó, tại khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, tổng lượng mưa thấp hơn cùng kỳ năm 2014 và thiếu hụt so với TBNN 30-60%. Đặc biệt, khu vực Nam Trung Bộ thiếu hụt từ 40-80% (có thời gian hụt tới 90%) so với TBNN.

Nhiều địa phương tại cuộc họp đã báo cáo về những tháng trong năm không còn đủ nước cho sản xuất, sinh hoạt, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, có khoảng 40.000 ha không có nước phải dừng sản xuất, 122.000 ha bị hạn hán, thiếu nước, hàng chục nghìn người dân thiếu nước sinh hoạt, điển hình nhất là Ninh Thuận với thiên tai khô hạn kỷ lục trong nhiều năm.

Trong thời gian tới, lượng mưa ở Bắc Bộ xấp xỉ TBNN nhưng ở khu vực Trung Bộ có khả năng tiếp tục thiếu hụt từ 30-50% so với TBNN cùng thời kỳ. Nhiều khả năng tổng lượng mưa tại khu vực này sẽ thiếu hụt ngay trong chính mùa mưa.

Lượng mưa ở khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ và Bình Thuận thấp hơn khoảng 20-40% và mùa mưa kết thúc sớm hơn so với TBNN. Trong khi đó, hầu hết các hồ chứa đều không đủ nước trữ theo thiết kế.

Vụ Đông Xuân năm 2015-2016 và năm 2016, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước cho sản xuất và ngay cả nước sinh hoạt sẽ có nguy cơ xảy ra gay gắt, khốc liệt hơn những tháng đầu năm 2015 tại nhiều địa phương ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trong chuyến thị sát tình hình hạn hán tại Ninh Thuận giữa tháng 3/2015 (Ảnh: Nguyên Linh)
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trong chuyến thị sát tình hình hạn hán tại Ninh Thuận giữa tháng 3/2015 (Ảnh: Nguyên Linh)

Xác định mục tiêu ưu tiên để điều tiết nước

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, tổng lượng nước mặt của nước ta vào khoảng 830-840 tỉ m3. “Như vậy, chia theo đầu người chỉ có 9.800 m3/người/năm, là thấp so bình quân thế giới 10.000 m3/người/năm và rõ ràng Việt Nam là một quốc gia thiếu nước, phải tính toán kỹ để sử dụng hiệu quả khi nhu cầu ngày càng tăng”.

Trên tinh thần đó và khó khăn nước hiện tại, Phó Thủ tướng quán triệt tới các địa phương yêu cầu trình tự ưu tiên: Số một là bảo đảm cho nước sinh hoạt, dịch vụ của người dân, sau đó đến sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh và cuối cùng là sản xuất công nghiệp, sản xuất điện.

Về giải pháp cụ thể, trước hết là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho từng cấp, từng ngành, các tổ chức, đơn vị và từng người dân, thay đổi nhận thức “nước ta nhiệt đới nóng ẩm mưa nhiều” đã không còn chính xác khi biến đổi khí hậu và cực đoan thời tiết cùng nhu cầu gia tăng dẫn tới nước ta đang rất thiếu nước. Phải tiết kiệm và sử dụng nước một cách hiệu quả nhất, không chỉ cho năm nay, cho hiện tượng El Nino mà cho cả lâu dài.

Các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn trên cơ sở rà soát cân bằng nước trong địa bàn, Bộ NN&PTNT tổng hợp để sớm báo cáo Chính phủ. Trước khi mùa lũ hay mùa khô đến, phải rà soát kỹ, điều tiết lượng nước cho các hồ chứa một cách phù hợp.

Nhu cầu điện đang tăng gần 13%, nhưng cũng phải tăng sử dụng các nguồn khác như điện than, khí để dành nước cho các hồ. Vì vậy, thủy điện phải sử dụng hết sức tiết kiệm, năm rồi mà không có mấy hồ miền Trung thì hạn hán sẽ nghiêm trọng hơn nữa và đây là bài học lớn để điều hành cho năm nay.

“Có hồ bây giờ là may mắn, bán đảo Cà Mau thiếu nước ngọt nghiêm trọng như vậy, muốn làm hồ mà không được nên phải sử dụng hồ chứa một cách hết sức cẩn thận, tiết kiệm”, Phó Thủ tướng nói.

Các địa phương cần tập trung vốn cho nạo vét các hồ chứa, tích nước ở mức cao nhất có thể, khơi thông đầu hút các trạm bơm, xây các đập dâng để trữ nước, đẩy nhanh các dự án hồ chứa. Tinh thần là địa phương chủ động sử dụng nguồn ngân sách địa phương để ứng phó, cần thì ứng ngay, các trường hợp cần hỗ trợ thì báo cáo nhanh để có thể xem xét xử lý kịp thời.

“Không để ‘đau đẻ chờ sáng trăng’ mà phải làm trên tinh thần đây là thiên tai”, Phó Thủ tướng nói khi dẫn chứng phê bình một số địa phương như Ninh Thuận chậm trễ triển khai một số nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trong việc phòng chống hạn đợt vừa qua.

Cùng với đó, các bộ, ngành liên quan khẩn trương hướng dẫn, hỗ trợ giống, vốn để thay đổi cơ cấu mùa vụ, các dự án chống nhiễm mặn, phòng chống cháy rừng, phòng chống dịch bệnh…