Nhiều sự cố về thủy điện

ThienNhien.Net – Xây dựng hàng loạt thủy điện nhưng Trung Quốc cũng là quốc gia có nhiều sự cố trong lĩnh vực này khiến hàng ngàn người thương vong

Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển thủy điện xuyên biên giới bằng hình ảnh của một đất nước giàu kinh nghiệm và tiến bộ khoa học kỹ thuật. Thực tế có đúng như vậy?

“Giàu” thảm họa

Nhắc đến các thảm họa khủng khiếp trong lịch sử thế giới, có thể nói về vụ vỡ đập thủy điện Bản Kiều ở Trung Quốc vào năm 1975. Hơn 700 triệu m3 nước đổ xuống 7 tỉnh hạ lưu sông Nhữ khiến 145.000 người thiệt mạng, 11 triệu người mất nhà và gây ra trận lụt có một không hai trong lịch sử!

Năm 2008, trận động đất kinh hoàng tại tỉnh Tứ Xuyên đã cướp đi sinh mạng 80.000 người và khiến 11 triệu người mất nhà cửa. Giới khoa học đã tìm được nhiều bằng chứng thuyết phục rằng công trình thủy điện Tử Bình Bạc (Zipingpu) là nguyên nhân gây ra trận động đất này.

 Dự án thủy điện Kamchay (Campuchia) do Tập đoàn Sinohydro làm chủ đầu tư (Ảnh: Terria)

Dự án thủy điện Kamchay (Campuchia) do Tập đoàn Sinohydro làm chủ đầu tư (Ảnh: Terria)

Năm 2010, để bảo vệ công trình đầu mối đập Tam Hiệp – đập thủy điện lớn nhất thế giới – nhà vận hành đã xả mức lũ cao nhất về hạ lưu. Hậu quả là 968 người chết, 507 người mất tích, tổng thiệt hại về kinh tế lên đến 26 triệu USD.

Trung Quốc có khoảng 85.000 hồ chứa (thủy điện và thủy lợi) thì từ năm 1954 đến 2005, gần 3.500 hồ bị vỡ. Chỉ trong năm 2004, Trung Quốc có đến 7.200 hồ chứa xuống cấp nghiêm trọng cần sửa chữa.

“Bí mật” trên sông Mê Kông

Đối với 12 dự án thủy điện ở hạ nguồn sông Mê Kông, năm 2010, Ủy ban Mê Kông quốc tế đã thuê Trung tâm Quản lý môi trường quốc tế (ICEM) thực hiện báo cáo đánh giá môi trường chiến lược. Năm 2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường bắt đầu dự án nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông đối với ĐBSCL và vùng Tonlé Sap – Campuchia.

Nghiên cứu này dự kiến được hoàn thành vào năm 2015, sẽ là cơ sở để Việt Nam, Lào và Campuchia khi xem xét dự án đề xuất xây dựng thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông, bao gồm việc thay đổi quy hoạch, phạm vi và thiết kế của từng dự án cũng như toàn bộ hệ thống bậc thang (nếu cần thiết) nhằm tránh những tác động ngược nghiêm trọng có thể xảy ra phía hạ du.

Nhìn tổng thể toàn lưu vực, các nhà khoa học trên thế giới cho rằng những nghiên cứu đánh giá ở hạ nguồn là cần thiết nhưng chưa đủ vì trên thượng nguồn đã có 6 dự án đi vào hoạt động và 8 dự án đang triển khai. Vì thế, một nghiên cứu cho tổng thể sông Mê Kông, gồm cả phần chảy qua lãnh thổ Trung Quốc, mới bảo đảm tìm ra giải pháp chủ động ứng phó các tình huống xấu cho các nước hạ nguồn.

Thế nhưng, đề xuất này đến nay vẫn chỉ là… mơ ước. Bởi lẽ, hệ thống thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông dù có báo cáo đánh giá môi trường chiến lược do Tập đoàn Sinohydro thực hiện nhưng không được công khai nên việc vận hành các đập này vẫn là một “bí mật” đối với các nước.

Tưởng rẻ mà không rẻ

Tất cả nghiên cứu chính thức liên quan đến thủy điện dòng chính mới xét về tác động môi trường và sinh thái người dân. Trong khi đó, theo các chuyên gia, sự tham gia sâu của Trung Quốc vào hệ thống thủy điện ở khu vực hạ nguồn còn có nhiều mối lo khác.

Bà Ame Trandem, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Tổ chức Sông ngòi quốc tế, cho biết Trung Quốc có nhiều mục đích khác nhau, trong đó có việc tạo ra các khoản nợ quốc gia, góp phần làm suy yếu hệ thống quản lý của các nước chủ nhà, làm cho vấn đề bảo vệ cộng đồng và môi trường thất bại.

“Thủy điện trên sông Mê Kông từ lâu đã rơi vào đích ngắm của các công ty Trung Quốc. Liệu việc đầu tư này có phải là để “đôi bên cùng có lợi” như họ vẫn thường nói? Thực chất của việc đầu tư này là thông qua các gói cho vay “giá rẻ” từ các ngân hàng (NH), Trung Quốc đã tạo ra những khoản nợ quốc gia cho các nước chủ nhà” – bà Ame khẳng định.

Các công ty và NH Trung Quốc từ lâu đã thành “cặp bài trùng” trong lĩnh vực đầu tư thủy điện. NH Xuất khẩu Trung Quốc là đơn vị chuyên hỗ trợ các gói vay đầu tư vào thủy điện. Tại khu vực hạ lưu sông Mê Kông, NH này cung cấp tài chính cho rất nhiều thủy điện như: Kamchay (Campuchia, Tập đoàn Sinohydro làm chủ đầu tư), Nam Mang 3 (Lào, Tập đoàn Sinohydro làm nhà thầu dự án), Pak Lay (Lào, Tập đoàn Sinohydro làm chủ đầu tư)… Cho nên, việc đầu tư này chỉ giúp nền kinh tế của Trung Quốc thêm hùng mạnh cũng như ràng buộc về chính sách đối với các nước khu vực sông Mê Kông.

Tiếp nữa, các tập đoàn Trung Quốc hiện nằm trong số những nhà thầu thủy điện lớn nhất thế giới, có đầy đủ hướng dẫn về bảo vệ môi trường và thực hành cộng đồng nhưng không bao giờ được thực thi đầy đủ. Thế nhưng, Trung Quốc vẫn chưa có những quy định đầy đủ để điều chỉnh hành vi của các doanh nghiệp đầu tư ra ngoài nước. Trong những thương vụ đầu tư này, các nước khu vực sông Mê Kông phải chịu trách nhiệm pháp lý cho những thiếu sót của các tập đoàn Trung Quốc.

“Cần có tầm nhìn rộng hơn và thúc đẩy tính nghiêm minh của pháp luật trong suốt quá trình đầu tư của từng con đập. Chính phủ các nước nên kiên quyết từ chối các dự án không có sự chia sẻ đối với cộng đồng, không chuẩn bị tốt quỹ bồi thường, tái định cư và tổ chức đời sống cho người dân bị ảnh hưởng…” – bà Ame cảnh báo.

Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, Trường ĐH Cần Thơ, Trung Quốc là quốc gia có nhiều sự cố về thủy điện, gây thương vong cho hàng ngàn người… nên không thể khẳng định họ có công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực này. “Các nước nghèo chấp nhận chọn công  nghệ rẻ tiền của Trung Quốc nhưng khi hỏng hóc thì bắt buộc phải sử dụng thiết bị của họ với giá còn cao hơn chi phí đầu tư. Công nghệ tưởng rẻ mà không rẻ chút nào!” – ông phân tích.

Việt Nam bị thiệt hại không nhỏ

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, hiện mực nước tại các trạm thủy văn ở những địa phương đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu thuộc hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp đã kém hơn so với hằng năm 1-2 m. Điều đó không chỉ làm cho dân nghèo thất nghiệp vì không còn kế sinh nhai mà những người trồng lúa sẽ gánh nặng thêm chi phí sản xuất…

Nhiều nông dân ở ĐBSCL cho biết nếu nước thật sự không về thì ruộng đồng sẽ không rửa trôi được dư lượng phân bón, thuốc trừ sâu cũng như mầm bệnh trong đất. Ngoài ra, đất thiếu phù sa cũng sẽ làm cho nông dân gánh thêm khoảng 20%-30% lượng phân bón mới mong đạt được năng suất.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ lúa đông xuân tới, cả nước sẽ thiếu khoảng 20%-40% lượng nước, trong đó ĐBSCL là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Cùng với đó là tình trạng xâm nhập mặn sẽ đến sớm hơn và lấn sâu vào nội đồng khoảng 20 km, khoảng 600.000/1,6 triệu ha lúa bị ảnh hưởng.

Việt Nam bị ảnh hưởng do thủy điện không chỉ trên sông Mê Kông mà còn hệ thống 3 sông lớn ở phía Bắc: sông Lô, sông Đà và sông Hồng. Thượng nguồn 3 dòng sông này đều nằm ở Trung Quốc và đã có 52 công trình thủy điện ở đây. Tuy quy mô các thủy điện này không lớn nhưng mức độ ảnh hưởng đến đồng bằng Bắc Bộ không hề nhỏ. Trận lụt do thủy điện Trung Quốc xả lũ vào ngày 11-10 vừa qua là minh chứng rõ ràng nhất.

T.Nốt – M.Khanh

Bài viết nằm trong loạt bài “Trung Quốc án ngữ sông Mê Kông”. Kỳ tới: Cải tổ để bảo vệ “sông mẹ”.