Bảo vệ rừng bằng hương ước

ThienNhien.Net – Nếu như ở huyện Thông Nông tình trạng khai thác rừng bữa bãi đang “băm nát” rừng nghiến cổ, thì ở huyện Quảng Uyên (Cao Bằng), những cánh rừng, đặc biệt là rừng nghiến vẫn được giữ xanh tươi. “Lá bùa” người dân nơi đây dùng để bảo vệ rừng chính là hương ước làng, xã.

Mó nước ở thôn Đoỏng Pán, xã Độc Lập (Quảng Uyên, Cao Bằng) quanh năm nước xanh mát, là nguồn nước sinh hoạt của người dân nơi đây.
Mó nước ở thôn Đoỏng Pán, xã Độc Lập (Quảng Uyên, Cao Bằng) quanh năm nước xanh mát, là nguồn nước sinh hoạt của người dân nơi đây.

Rừng đánh giặc, rừng bảo vệ làng

Không nguyên sinh như rừng ở Pác Bó, không hùng vỹ như rừng Trần Hưng Đạo, nhưng rừng ở huyện Quảng Uyên đã có một vai trò rất lớn trong những năm kháng chiến và đến nay những cánh rừng vẫn xanh mướt nơi đây lại giữ vai trò làm lá chắn sinh thái cho dân làng.

Chúng tôi về xã Độc Lập vào một ngày cuối năm, mùa lá rụng của nhiều loài cây, nhưng nhìn lên cánh rừng bao quanh xã vẫn rợp một màu xanh của cây rừng, màu đỏ nhạt của của lá hồi ngon, màu xanh mơn mởn của lá non cây mỡ… Giữa cái rét cắt da cắt thịt mà thấy ấm lòng với ý nghĩ rừng còn giàu hẳn người dân ở đây sẽ no đủ. Bởi lẽ, hầu như ở nơi nào cũng thế, hễ trên rừng trơ trọi, đồi núi khô khốc do nạn phá rừng, hoặc đốt nương làm rẫy, thì người dân ở nơi đó rất nghèo đói, cơ cực.

Cụ Triệu Thị Sanh (80 tuổi) ở thôn Đoỏng Pán, xã Độc Lập rất phấn khởi kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện ý nghĩa về mối quan hệ giữ con người và rừng. Đó là khoảng những năm 1950 – 1954 của thế kỷ trước, khi Thực dân Pháp đánh phá miền Bắc, nơi đây cũng không nằm ngoài mục tiêu, song nhờ có rừng mà bộ đội, người dân đã được che chở.

“Không chỉ vậy, rừng còn cho chúng tôi nguồn nước sạch để sinh sống. Có năm ở những xã lân cận do hạn hán nước ở các giếng, mó nước cạn sạch, nhưng mó nước ở thôn Đoỏng Pán quanh năm nước vẫn trong xanh mát lành, bởi cánh rừng đầu nguồn hàng chục năm nay vẫn được bảo vệ nghiêm ngặt” – cụ Sanh cho hay.

Ông Nguyễn Đình Linh – Chủ tịch UBND xã Độc Lập cho biết thêm, xã có 13 thôn, với 2.257 nhân khẩu/ 525 hộ, chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng, Mường. Nếu tính cả xã có đến hàng chục cái mó nước, nhưng mó có nước quanh năm và trong xanh, nước ngọt dễ uống nhất là mó nước ở thôn Đoỏng Pán. “Hầu như chưa có năm nào mó này cạn nước” – ông Linh cho biết.

Rừng nghiến cổ hàng trăm năm tuổi nằm sát nhà dân, nhờ có hương ước mà rừng nghiến vẫn quanh năm xanh tươi.
Rừng nghiến cổ hàng trăm năm tuổi nằm sát nhà dân, nhờ có hương ước mà rừng nghiến vẫn quanh năm xanh tươi.

Lâm tặc” cũng sợ lời nguyền và hương ước làng

Ông Linh cho biết, sở dĩ ở đây người dân vẫn còn giữ được rừng, trên rừng vẫn còn rất nhiều cây gỗ quý như nghiến hàng trăm năm tuổi, nhiều cây to 4 – 5 người ôm là vì mỗi thôn đều có một hương ước về bảo vệ rừng. Đặc biệt, cánh rừng ở thôn Đoỏng Pán đã từ lâu người dân nơi đây vẫn truyền nhau một lời nguyền, khiến không ai dám tự động lên rừng chặt một cây nứa, chứ chưa nói đến cây gỗ nghiến cổ thụ, nếu không được sự đồng ý của người dân, già làng trưởng bản. Và mỗi khi chặt hạ một cây rừng, người dân cũng phải làm lễ cúng xin thần linh, thần núi.

Cụ Sanh, một trong những cao niên của thôn Đoỏng Pán cho biết năm 18 tuổi cụ về làm dâu ở làng thì đã thấy có mó nước và cánh rừng này; và nay 80 tuổi rồi nhưng hầu như cánh rừng sau mó nước vẫn không có nhiều thay đổi.

Được hỏi chuyện về khu rừng, cụ chậm rãi kể cho chúng tôi nghe: “Chuyện là thế này, trước đây có một vài người bạo gan, không tin đây là cánh rừng thiêng đã cả gan lên rừng chặt gỗ về bán. Vừa lên chặt đổ một cây, người thì tự chặt rìu vào chân, người thì ngã gãy tay, người thì nhìn thấy rắn to, rồi về ốm quặt quẹo. Thấy vậy người nhà sợ quá, nên làm lễ ra ngôi miếu trước cửa rừng khấn, mãi sau mới khỏi. Sau này khi rừng kiệt dần, giá trị gỗ lớn, một số người đã liều lên rừng chặt gỗ và xảy ra tình trạng tương tự, nên người dân nơi đây càng tin vào lời nguyền hơn. Thậm chí cả lâm tặc táo tợn có lần vác cưa vào núi định cưa nghiến, khi dân làng chưa kịp huy động lực lượng để ngăn chặn, thì chúng đã phải tự động bỏ đi. Bởi nếu người lạ, nhất là người có ý định làm việc xấu vào rừng tự nhiên sẽ nổi gai ốc, lạnh sống lưng, có gan mấy cũng chẳng đủ cam đảm cưa gỗ nữa”.

 Cây cầu này được lát bằng cây gỗ nghiến bị gió bão quật đổ ở thôn Đoỏng Pán cách đây 2 năm.
Cây cầu này được lát bằng cây gỗ nghiến bị gió bão quật đổ ở thôn Đoỏng Pán cách đây 2 năm.

Từ “lời nguyền” này, thôn Đoỏng Pán đã xây dựng một hương ước, với những quy định đơn giản, ngắn gọn, nhưng đầy ý nghĩa. Theo đó, rừng là chung của cả thôn, song nếu gia đình nào có lý do chính đáng, thì được phép chặt một số gỗ nhất định để làm nhà, tuy nhiên phải đóng một phần quỹ nhỏ cho thôn. Còn nếu ai tự động chặt cây, nếu bắt được, ngoài việc sử phạt rất nặng 1 cây 500.000 đồng, nếu chặt cây to thì mức phạt lên đến hàng triệu đồng, ngoài ra còn phải mổ lợn mời cả thôn ăn một bữa nữa mới xong…

Việc bảo vệ là thế, còn về phân chia lợi ích nếu cây bị gió đổ, già chết rất rõ ràng. Theo đó, thôn sẽ xin xã, huyện bán đấu giá, số tiền bán được sung công quỹ thôn, phục vụ cho việc tu sửa nhà văn hóa, đường sá và thăm hỏi ốm đau. Cách đây 2 năm, một cây nghiến bị bão quật đổ, thôn đã xin xẻ để lát cây cầu treo.

Từ hương ước của Đoỏng Pán, đến nay 13/13 thôn đều đã xây dựng hương ước riêng và lập miếu để thờ thần núi. Bốn thôn là Nà Sao, Pác Đa, Nặm Pản, Nà Cháu có rất nhiều nghiến mà dân làng được giao khoán bảo vệ, song từ năm 2004 đến nay, chỉ duy nhất có một trường hợp phá rừng ở thôn Nà Cháu phải xử phạt. Không chỉ tự răn bản thân phải bảo vệ rừng, giữ rừng, người dân nơi đây còn rất chú tâm đến việc giáo dục con cháu trong gia đình, hàng xóm bảo vệ rừng, đồng thời kiên quyết can ngăn khi phát hiện có đối tượng lạ, người phá rừng.

Ông Nguyền Đình Linh – Chủ tịch UBND xã Độc Lập cho biết. “Hiện cả xã có khoảng 1.200ha rừng, hầu hết hộ nào cũng có rừng sản xuất. Ngoài ra còn có rừng cấm chung của thôn. Đặc biệt là từ năm 1997 đến nay, thực hiện trồng rừng theo dự án 327 về phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, ngoài những cánh rừng già, hiện ở xã có rất nhiều cánh rừng trồng như thông, sa mộc… có giá trị kinh tế rất cao”.

Nguồn: