Các đô thị Châu Á cần thay đổi trước biến đổi khí hậu

ThienNhien.Net – Các thành phố ven biển Châu Á đang có có nguy cơ cao phải đối mặt với các vấn đề nước biển dâng, lũ lụt và nhiều tác động khác từ biến đổi khí hậu. Trước thách thức này, các nhà lãnh đạo cần phải đảm bảo hệ thống cơ sở hạ tầng hiện tại và trong tương lai đủ sức chống chịu với các thảm họa tự nhiên đang ngày càng gia tăng.

Cuộc chiến ứng phó với biến đổi khí hậu là một cuộc chiến khó khăn và lâu dài đối với nhiều siêu đô thị ở Châu Á. Tuy nhiên, các biện pháp chính sách, nguồn lực và cam kết chính trịcó thể là một phần lời giải của bài toán biến đổi khí hậu.

Bangkok, Dhaka, Quảng Châu, TP. Hồ Chí Minh, Manila, Kolkata, Mumbai, Thượng Hải và Yangon đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, thậm chí các đô thị trong đất liền cũng không tránh khỏi nguy cơ bị “xóa sổ” bởi thiên tai bão lũ, nhiệt độ tăng cũng như các thiệt hại cơ sở hạ tầng và sinh kế do thời tiết bất thường.

Ước tính khoảng 1,2 tỉ người dân Châu Á sẽ phải di cư lên thành thị trong vòng 35 năm tới, dẫn đến gia tăng nhu cầu xây dựng nhà cửa, đường xá, mạng lưới điện và hệ thống cung cấp nước.

Trước dự báo này, các thành phố rất cần đảm bảo rằng hệ thống cơ sở hạ tầng có thể chống chịu với những thảm họa tự nhiên ngày càng gia tăng, như cơn bão Ketsana càn quét Philippinesnăm 2009, hay cơn lốc xoáy Pam san phẳng thủ đô Port Vila, Vanuatu hồi tháng 3 vừa qua.

Ngập lụt ở TP Hồ Chí Minh (Ảnh: fica.vn)
Ngập lụt ở TP Hồ Chí Minh (Ảnh: fica.vn)

Quy hoạch đô thị tổng thể

Tiền đề cho phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu ở các thành phố lớn bao gồm quy hoạch, xây dựng hệ thống cấp thoát nước có thể hoạt động tốt trong mùa mưa bão và khô hạn, cột điện trụ vững trước gió to, và đường xá không rạn nứt trong những đợt nắng nóng. Để có được điều này, mỗi dự án cầu đường, nhà máy năng lượng hay bất cứ các công trình nào khác đều phải lồng ghép yếu tố biến đổi khí hậu.

Hơn nữa, các nhà quy hoạch đô thị cần cân nhắc kĩ lưỡng các mắt xích đô thị, để một khu vực bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu không ảnh hưởng đến cả hệ thống còn lại, giống như thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu tại trường học là vô nghĩa nếu đường xá còn tắc nghẽn.

Giảm phát thải đô thị

Các thành phố Châu Á hiện đang tiêu thụ 80% năng lượng và phát thải 75% khí nhà kính của khu vực. Các thành phố này sẽ tiếp tục đóng góp quá nửa lượng khí nhà kính gia tăng trong vòng 20 năm tới nếu không có biện pháp kịp thời.

Để trở thành một thành phố có sức bền và khả năng thích nghi, việc sử dụng tiết kiệm năng lượng và gia tăng ứng dụng giao thông công cộng, nhà thông minh, kết hợp sử năng lượng tái tạo cần được chú trọng hàng đầu. Chẳng hạn, thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc đã quyết định xây dựng hệ thống xe buýt tốc độ cao thay vì đầu tư xây thêm đường xá, giúp giảm đáng kể lượng khí thải CO2. Một hệ thống tương tự cũng sắp được xây dựng ở Pakistan và thành phố Hồ Chí Minh.

Trang bị cho các thành phố lớn các công cụ ứng phó với biến đổi khí hậu không chỉ mang lại lợi ích cho người dân mà còn là nền tảng cho sự phát triển kinh tế – xã hội của châu Á.

Kế hoạch Phát triển Đô thị của ADB giai đoạn 2012-2020 nhấn mạnh yêu cầu các thành phố phải có nguồn năng lượng kinh tế trong khi giảm thiểu và thích ứng với các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Năm 2014, ngân hàng phát triển Châu Á ADB đã phê duyệt khoản trợ cấp 1,97 tỉ USD cho 22 dự án phát triển đô thị, đưa tổng khoản vay cho đô thị lên đến 24 tỉ USD.

Dự án cơ sở hạ tầng thân thiện môi trường thực hiện tại 8 thành phố biển trị giá 52 triệu USD từ ADB hiện đang là nguồn vốn chính cho các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững với biến đổi khí hậu tại địa phương, đảm bảo kế hoạch phát triển đô thị có cân nhắc tác động biến đổi khí hậu và thiên tai.

Hơn một nửa số người dân sống ở các khu ổ chuột trên thế giới – khoảng 522,6 triệu người vào giữa năm 2012 – sống ở Châu Á. Nếu không có gì thay đổi, con số này sẽ còn tăng lên đến 1 tỷ người cho đến năm 2050.